Ai trục lợi vỉa hè Hà Nội?- Bài cuối: Lơ lửng câu trả lời

TP - Với tình trạng vi phạm lòng đường, vỉa hè tràn lan như hiện nay tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng nếu cứ tiếp tục duy trì “kinh tế vỉa hè” thì sẽ không thể có văn minh đô thị. Hơn nữa, đây là môi trường để nhiều người đục nước béo cò, “bảo kê” cho vi phạm…
Bãi đỗ xe ô tô vi phạm tràn lan trên phố Quán Sứ. Ảnh: Như Ý

“Kinh tế vỉa hè” lan rộng

Có lẽ chưa khi nào, “kinh tế vỉa hè” lan rộng như hiện nay. Chỉ cần bước ra ngõ là có thể thấy đủ kiểu làm ăn bám theo lòng đường, vỉa hè. Từ hàng rong, quán cóc, đến điểm đỗ xe, nhà hàng, khách sạn… đều bám theo vỉa hè để kiếm tiền. UBND phường Quán Thánh cho hay, giải pháp nhằm chống lại những điểm đỗ xe “lậu” chính là phường đã tổ chức các điểm trông giữ xe giao cho các hội - đoàn thể của phường để “vừa tăng nguồn thu, vừa kiểm soát giá vé”. Không riêng gì phường Quán Thánh mà rất nhiều phường, xã khác của Hà Nội đã “sáng tạo” kiểu này, những điểm trông giữ xe của hội - đoàn thể kiểu “tự quản” xuất hiện ngày càng nhiều.


“Chừng nào cơ quan chức năng và doanh nghiệp vi phạm còn có cùng chung lợi ích thì cũng không khó lý giải cho tình trạng “đánh trống bỏ dùi” của các đợt ra quân rầm rộ, tốn kém và nặng về hình thức trong quản lý lòng đường, vỉa hè như hiện nay”.

Đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Tùng Lâm
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, hiện nay doanh nghiệp này có khoảng 1.000 cán bộ, nhân viên hoạt động trên địa bàn 9 quận huyện, trực tiếp quản lý trên 200 điểm đỗ, chiếm khoảng gần 20% thị phần. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố hiện có 500 nghìn ô tô, 5 triệu xe máy dẫn đến nhu cầu về điểm đỗ rất cao. Hà Nội hiện mới có 1.200 điểm đỗ có quản lý, bao gồm cả các điểm do Sở GTVT cấp phép và UBND các quận cấp phép. Tuy nhiên, theo ông Đức, thực tế, ước tính cả các điểm đỗ được quản lý và tự phát, không được quản lý có thể lên đến 7.000 điểm đỗ. “Có những đoạn phố có tới 5-6 đơn vị tham gia trông giữ phương tiện”, ông Đức nói.

“Kinh tế vỉa hè” dường như đang ở giai đoạn cao trào khi nhà trường, bảo tàng, cơ quan, xí nghiệp đến cả hộ dân đều có thể chăng dây thu tiền trông giữ xe. Hàng nghìn điểm trông giữ phương tiện “lậu” đồng nghĩa với việc kinh doanh vi phạm các quy định diễn ra thường xuyên. Điệp khúc lễ tết, ngày kỷ niệm lớn, nơi tập trung đông người lại xảy ra “chặt chém” người gửi xe chưa biết đến khi nào mới chấm dứt. Thậm chí theo UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), mặc dù phường này đã xử lý vi phạm nhiều nhưng tình trạng tái phạm diễn ra phổ biến. Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đỗ Hoàng Ân đã phải thốt lên rằng, nếu cứ để cho kinh doanh bám theo vỉa hè, lòng đường tràn lan như hiện nay thì không thể quản lý được trật tự đô thị và tình trạng xả rác ra đường, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ ngày càng nhức nhối.

Cùng lợi ích thì không thể dẹp được!

Vì sao thành phố đã có nhiều đợt ra quân xử lý, bỏ nhiều công sức, tiền của mà tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, điểm đỗ xe trái phép vẫn mọc lên như nấm? Lý giải điều này, ông Nguyễn Tùng Lâm, đại biểu HĐND thành phố (tổ Đống Đa) khẳng định, việc tồn tại vi phạm dai dẳng như hiện nay đã khẳng định có mối liên hệ lợi ích giữa lực lượng chức năng và người vi phạm! “Nếu như không có lợi ích thì từ việc xử phạt, thái độ làm việc của cán bộ chức năng sẽ nghiêm minh ngay. Việc xử phạt cũng không hề làm người vi phạm chùn tay nếu việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn mang lại lợi ích”, ông Lâm nói.

Một ví dụ khác cho thấy có sự liên hệ giữa một số đơn vị chức năng với các vi phạm. Quy định về quản lý hoạt động trông giữ phương tiện đã tương đối đầy đủ, từ khâu cấp phép, quản lý, giám sát. Sau cấp phép, hàng loạt các cơ quan có trách nhiệm hậu kiểm, xử lý vi phạm gồm: Cơ quan cấp phép (Sở GTVT, UBND các quận, huyện), thanh tra GTVT, cảnh sát trật tự thuộc Công an thành phố, UBND các phường, công an phường.

Ngoài ra, còn có lực lượng kiểm tra liên ngành của Sở Tài chính, Cục Thuế về nghĩa vụ tài chính, sử dụng vé, thu chi. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự kiểm tra… Ấy vậy mà điều ngạc nhiên là “con voi vẫn chui lọt lỗ kim” mà bằng chứng rất dễ nhận ra đó là tình trạng điểm đỗ “ngoài luồng”, tự phát khắp nơi; nạn thu tiền mà không phát vé diễn ra tràn lan. Tình trạng này đồng nghĩa với việc nhà nước đã thất thu một khoản không nhỏ, hơn nữa đã dung túng các hoạt động vi phạm pháp luật.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều đại biểu của HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, lợi ích từ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè hiện không hề nhỏ và đã len lỏi đến nhiều người, nhiều cơ quan chức năng. Nhiều tổ chức hội - đoàn thể đã tham gia trông giữ phương tiện thu tiền. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh mặt đường đã trở thành nơi “quyên góp” cho các phong trào của địa phương…