Quảng Ngãi

9 ngư dân sống sót kỳ diệu sau 6 ngày trên bãi đá giữa biển

TPO - Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị sóng lớn đánh chìm giữa đêm, 2 ngư dân mất tích, 9 ngư dân trôi dạt vào bãi đá san hô ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Không có thức ăn, 9 ngư dân sống sót diệu kỳ sau 6 ngày nhờ 1,5 lít nước ngọt và nước mưa.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Nở kể lại những giây phút đối mặt với tử thần.

Ngày 29/11, 9 ngư dân đi trên tàu cá QNg 90499 TS do anh Nguyễn Văn Nở (26 tuổi, trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng, hành nghề lặn bị sóng đánh chìm vào đêm 1/11 (trên vùng biển Trường Sa) đã về đến nhà trong niềm vui của người nhà và bà con xóm làng. Không ai dám nghĩ rằng họ sẽ sống sót và trở về.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, thuyền trưởng Nguyễn Văn Nở kể lại, tàu cá QNg 90499 TS công suất 444CV, dài 18,5m, tàu xuất bến lúc 8h ngày 16/10 tại Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ. Tàu đăng ký hành nghề lặn tại khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), trên tàu có 11 lao động.

Khoảng 12h trưa 1/11, anh Nở có gọi báo về gia đình việc thiết bị giám sát hành trình trên tàu bị hỏng để gia đình báo cáo lên cơ quan chức năng. Sau khi cố gắng khắc phục thiết bị nhưng không được, vì thời tiết xấu nên anh đã điều khiển tàu cá di chuyển đến tọa độ 10º45’N-114º25’E để tìm cách khắc phục máy giám sát hành trình.

Đến khoảng 20h cùng ngày, sóng lớn bất ngờ ập đến khiến tàu của anh bị lật úp, 11 thuyền viên trên tàu bị hất văng xuống biển.

Thoát chết trở về, nhưng thuyền trưởng Nở vẫn đau đáu dõi ra biển ngóng 2 bạn thuyền mất tích. Ảnh Nguyễn Ngọc

Giữa đêm tối, xung quanh là nước mênh mông, nhóm ngư dân phát hiện một phần con tàu vẫn nổi trên mặt biển và cố gắng dùng hết sức bơi về đó.

"Sau hơn một giờ vật lộn, tụi em đã tiếp cận được mũi tàu. Khi ấy kiểm tra lại thì phát hiện chỉ còn 9 người, 2 ngư dân là Trần Văn Ng. (42 tuổi, trú thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) và Phạm Minh S. (35 tuổi, trú huyện Tuy An, Phú Yên) thì không thấy đâu nữa. Mãi đến trưa hôm sau, tụi em bị sóng đánh dạt vào một bãi đá san hô ở khu vực đảo Trường Sa”, ngư dân Nở nhớ lại.

Bãi san hô mà 9 ngư dân dạt vào rộng khoảng 2km2, khi thủy triều lên nước ngập sâu, cả nhóm dầm mình chịu cái lạnh thấu xương bởi những con sóng liên tục đập vào người.

“Vì tàu lật quá nhanh, lương thực cũng chìm theo tàu, anh em không kịp lấy được bất kỳ thứ gì. Khi lên bãi đá, tụi em chịu đói, khát gần một ngày nên ai cũng kiệt sức. Lúc này mọi người liên tục động viên nhau cố gắng tìm thức ăn. Sau nhiều giờ tìm kiếm, tụi em chỉ phát hiện 2 chai nhựa còn khoảng 1,5 lít nước từ tàu cá chìm trôi dạt vào bãi đá, mọi người rất mừng”, ngư dân Nở kể.

Quá đói, khát nên ai cũng muốn uống thật nhiều. Tuy nhiên nước quá ít, phải làm sao sử dụng được thật lâu để tăng khả năng cầm cự chờ được cứu, nên những ngư dân đã bàn nhau phải cố chịu khát, khi nào hết chịu nổi mới uống một ngụm nhỏ để cổ họng khỏi bị cháy bỏng.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Nở (ngồi) và ân nhân cứu sống mình cùng 8 bạn tàu giữa lúc sinh tử là thuyền trưởng Nguyễn Tấn Ngọt (áo vàng) - ảnh Nguyễn Ngọc.

“Nhờ chai nước đó mà tụi em trụ được hơn 4 ngày, đến khi chai nước sắp cạn thì ở Trường Sa bất ngờ có mưa. Tụi em liền cởi hết áo quần để làm vật dụng hứng nước mưa. Cũng chính cơn mưa ấy đã giúp tụi em trụ thêm 2 ngày cho đến khi được cứu”, ngư dân Nở rưng rưng.

Cũng theo anh Nở, do chịu đói, khát khiến lâu nên nhiều anh em dần mất ý thức. Đến ngày thứ 5, chẳng ai còn đủ sức nói chuyện, cũng mất dần hy vọng sống sót.

“Anh em chờ đến ngày thứ 6, ai nấy lả dần cầm chắc cái chết thì bất ngờ thấy một con tàu cá của bà con mình ở phía xa. Lập tức, ai nấy đều ráng gượng dậy cố lấy áo phao ra phát tín hiệu cầu cứu. Khi thấy tàu rõ dần và rẽ sóng về phía mình mới tin mình sẽ được sống tiếp”, anh Nở nhớ lại.

Thuyền trưởng tàu cá QNg 90671 TS Nguyễn Tấn Ngọt, người cứu mạng 9 ngư dân cho biết, khi thấy tín hiệu cầu cứu, anh cho tàu chạy về phía bãi đá. Vì nước quá cạn nên phải thả thuyền thúng để anh em chèo vào bãi đá cứu người.

Khi tiếp cận được 9 ngư dân, thì thấy một số người quần áo tả tơi, một số khác không còn mảnh vải che thân, tay chân lở loét vì nước biển. Khi đưa lên tàu, cả 9 ngư dân đã rất yếu, gần như mất ý thức.

Người dân xã Bình Châu đến thăm hỏi, động viên ngư dân được cứu và người đã cứu mạng các ngư dân

“Chúng tôi đã sơ cứu, cho các nạn nhân húp cháo trắng loãng và đợi sức khỏe mọi người tạm ổn mới dám nhổ neo đưa tất cả vào đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa) để sơ cứu. Do sức khỏe anh em yếu quá nên chiến sĩ trên đảo yêu cầu để họ lại chăm sóc”, anh Ngọt kể lại.

Với sự chăm sóc tận tình của các chiến sĩ trên đảo, sức khỏe của 9 ngư dân dần bình phục. Sau đó, tàu của Vùng 4 Hải quân đưa họ từ đảo Sơn Ca về đất liền.

Ngày 27/11 tàu cập cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tổ chức bàn giao 9 ngư dân gặp nạn ngoài vùng biển Trường Sa trong quá trình đánh bắt hải sản cho đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và thân nhân.