Do đó, ĐBQH đề nghị Chính phủ rà soát, tổng kết vấn đề này để đánh giá thực chất hơn, đưa ra các giải pháp xử lý, cơ cấu lại đối với những dự án đầu tư kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng...
Nhiều dự án tiềm ẩn rủi ro pháp lý
Ngày 28/5, Quốc hội nghe báo cáo giám sát và cho ý kiến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011- 2016. Theo báo cáo, việc đầu tư ra nước ngoài của các DNNN được triển khai khá tích cực. Đến 31/12/2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cao su, khai thác khoáng sản…
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư ra nước ngoài là 12.608 triệu USD, trong đó đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí (bao gồm công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn) với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6,687 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ hai là Tập đoàn Viễn thông quân đội- Viettel với 2,13 tỷ USD (17%), thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1,412 tỷ USD (11%). Lũy kế đến 31/12/2016, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của các doanh nghiệp này là 7,074 tỷ USD.
Số liệu tổng hợp đến ngày 31/12/2016 cho thấy hiệu quả kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNNN thời gian qua còn thấp: 25,5% dự án báo lỗ năm 2016, 29% dự án lỗ lũy kế tính đến 31/12/2016, 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu – lợi nhuận. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.
Điều đáng lo ngại được báo cáo của Chính phủ chỉ ra là nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, nội dung này của báo cáo còn đơn giản, chưa lột tả được bức tranh tổng thể đầu tư ra nước ngoài của các DNNN. Ông Sơn đề nghị cần làm rõ dự án thuộc ngành, lĩnh vực nào lỗ, hòa vốn, lãi, rồi các quốc gia, doanh nghiệp đã đầu tư, hay hạn chế vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến lỗ là gì. “Chính phủ cần rà soát, tổng kết vấn đề này để đánh giá thực chất hơn, đưa ra các giải pháp xử lý, cơ cấu lại đối với những dự án đầu tư kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng”, ông Sơn đề nghị.
Nhiều bộ không muốn rời “sân sau”?
Báo cáo trước Quốc hội, Đoàn giám sát chỉ rõ tình trạng một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch, như Bộ Xây dựng chậm cổ phần hóa Tổng công ty (TCT) Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị, TCT Sông Đà, TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Bộ NN&PTNT chậm cổ phần hóa TCT Lương thực miền Nam...
Là ĐB tham gia giám sát tại địa phương, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đồng tình với nhận định, việc chậm thực hiện, thực hiện không quyết liệt, triệt để về việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ. “Rõ ràng nhiều bộ ngành không muốn rời xa DN vốn được coi như là “sân sau” của mình.
Đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay là nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích, khi một số cơ quan quản lý nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi, không thực hiện khách quan trong xây dựng chính sách, nhất là chính sách liên quan tới môi trường hoạt động của DN. Từ đó làm giảm hiệu quả quản lý, tạo ra sự ỷ lại, không chịu vươn lên của DNNN, làm méo mó môi trường kinh doanh”, ĐB Lịch nêu, đồng thời đề nghị cần thực hiện nghiêm theo kiến nghị của đoàn giám sát.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng cho rằng, tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước thời gian qua diễn ra rất chậm chạp, hình thức. Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước đã cổ phần hoá được 571 DN và bộ phận DN, nhưng chỉ thu về được khoảng 43 nghìn tỷ đồng là quá ít ỏi. Nhiều TCT chỉ bán từ 1 – 2% vốn điều lệ ra bên ngoài, nên khó có thể gọi đó là cổ phần hoá theo đúng nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Sự chậm trễ này, ngoài nguyên nhân khách còn do những yếu tố chủ quan, như lo ngại về việc phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém của công ty.
Đó là sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ ngành, dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn nhưng hiệu lực thực thi chưa cao. “Những sự chậm trễ, thậm chí là những trì hoãn nỗ lực cải cách như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng cải cách DNNN nói riêng và cải cách nền kinh tế nói chung”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
“Về việc thực hiện kết quả đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi đã báo cáo và đồng chí Thủ tướng cũng nhất trí là Chính phủ sẽ có tổng hợp, phân tích và có báo cáo riêng gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cũng như là Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
“Chính phủ cần rà soát, tổng kết vấn đề này để đánh giá thực chất hơn, đưa ra các giải pháp xử lý, cơ cấu lại đối với những dự án đầu tư kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng”.
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang).