Ngày 27/4, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Đề án thí điểm tại 14 bộ, ban, ngành, đoàn thể và 22 địa phương; những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế, vướng mắc.
Qua gần 3 năm thực hiện việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả nhất định, những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài, làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị do người đó lãnh đạo, quản lý, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đây là căn cứ thực tiễn rất quan trọng để khẳng định chủ trương nêu trên của Đảng là đúng đắn.
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Trương Hải Long cho biết, theo chỉ đạo của Ban Bí thư về việc triển khai thực hiện Đề án thì có 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
Đối với các bộ, ngành, địa phương khác, nếu cấp ủy, chính quyền có chủ trương thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ lần đầu thông qua thi tuyển thì được khuyến khích thực hiện việc tuyển chọn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo Đề án.
Sau gần 3 năm thực hiện đã có 12/14 cơ quan Trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có 17/22 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên).
Theo ông Trương Hải Long, việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển góp phần quan trọng vào việc tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, để công tác cán bộ có chất lượng, hiệu quả hơn xứng đáng là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt - xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay; củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, trước hết đối với cấp ủy, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, cán bộ tham gia thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý có cơ hội thử thách, tự đánh giá, sát hạch bản thân mình, thấy được mặt mạnh, điểm yếu, hạn chế. Qua đó, có kế hoạch phát huy và tăng cường những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vươn lên đáp ứng yêu cầu của chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý mà cán bộ tham gia thi tuyển và thi tuyển đạt kết quả.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định, đây là một chủ trương lớn của Đảng trong công tác cán bộ, cần được nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, quy trình tổ chức thi tuyển còn dài, cần nghiên cứu để thực sự ngắn gọn mà hiệu quả; cân nhắc phần thi viết đối với các ứng viên vì sẽ làm mất thêm thời gian thi mà chưa chắc đánh giá đúng năng lực.
Về đối tượng tham gia thi tuyển, các đại biểu cho rằng, “vừa đóng lại vừa mở, vừa mở nhưng lại vừa đóng”. Do đó, cần có giải pháp để thu hút nhiều người tham gia thi nhằm lựa chọn được người tốt nhất vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quy hoạch, bổ nhiệm và thi tuyển vì có những người chuyên môn rất tốt nhưng khi trình bày đề án lại chưa tốt và ngược lại hoặc có thể người thi điểm cao nhưng khi được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý chưa chắc đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên cương vị mới.
Không những vậy, cần phải có cơ chế để thu hút nhiều người có tài tham gia thi tuyển, để các ứng viên hiểu được việc thi tuyển là thực chất, cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng hợp thức những người đã được cấp có thẩm quyền ý định trước.
Sau khi bổ nhiệm, các cơ quan, đơn vị phải bám sát vào chương trình hành động của các ứng viên đã được triển khai thế nào hay chỉ như một lới hứa suông. Đồng thời, phải tiến hành sơ kết kết quả những ứng viên được bổ nhiệm qua thi và những người được bổ nhiệm bằng hình thức truyền thống để so sánh, để đảm bảo việc thi tuyển đạt được mục đích…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu và đánh giá cao một số địa phương thực hiện tốt việc thí điểm thi tuyển như tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Lào Cai… Đối với cấp Trung ương, các cơ quan thực hiện tốt như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải…
Qua việc thí điểm thi tuyển, đã tuyển chọn được những người có năng lực đóng góp tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nói riêng và đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước nói chung. Công tác tổ chức thi tuyển đã đảm bảo công bằng, khách quan, cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, công tác thi tuyển còn có những khó khăn, vướng mắc vì chưa có tiền lệ, do đó, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.