4 ngày nghỉ lễ: 98 người chết, 90 người bị thương

TP - Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, 4 ngày nghỉ lễ (từ 29/4-2/5) toàn quốc xảy ra 125 vụ tai nạn khiến 98 người chết, 90 người bị thương. Trong đó, 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 7 người, 1 người bị thương. Trong những ngày này, lực lượng tuần tra xử lý hơn 23.800 lượt vi phạm về trật tự an toàn giao thông; tạm giữ 3.696 phương tiện; tước 1.012 GPLX.
Xe giường nằm tuyến Thanh Hóa - Giáp Bát nhồi nhét, chở quá số người quy định. Ảnh: Thanh Mùi.

Quá tải bệnh nhân tai nạn giao thông chờ mổ

Ngày 2/5, thống kê từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ (29/4 đến 2/5) hơn 50% số bệnh nhân đưa vào cấp cứu vì tai nạn có sử dụng bia rượu. Tính đến trưa 2/5, bệnh viện tiếp nhận gần 400 bệnh nhân vào khám, cấp cứu, trong đó hơn 215 trường hợp tai nạn giao thông, 150 ca do tai nạn sinh hoạt, số còn lại là các trường hợp khác. Đáng nói các ca tai nạn do ẩu đả, đánh nhau vì rượu cũng rất đáng báo động. Trong số 12 trường hợp nặng xin về thì có tới 9 ca là tai nạn giao thông, 3 ca tai nạn sinh hoạt. Dự kiến cuối ngày 2/5 lượng bệnh nhân được chuyển về sẽ đông hơn do người dân di chuyển nhiều sau kỳ nghỉ lễ.

Tại khoa Cấp cứu, số bác sĩ và nhân viên y tế đi làm trong những ngày nghỉ lễ đã được tăng cường hơn ngày thường do lượng bệnh nhân tăng cao. Năm phòng mổ tại bệnh viện hoạt động hết công suất, ưu tiên mổ ca nặng, cấp cứu nhưng bệnh nhân vẫn phải chờ vì quá tải. Trong 4 ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày các bác sĩ mổ cấp cứu 30 ca nặng tại phòng mổ, ngay tại phòng mổ của khoa khám bệnh cũng mổ từ 15 – 20 ca, đối với trường hợp nhẹ. Các ca phẫu thuật luôn được thực hiện ưu tiên với trường hợp nặng, đe dọa tính mạng, các trường hợp không nguy kịch mới phải chờ.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, 4 ngày nghỉ lễ, Trung tâm cấp cứu 115 tiếp nhận 273 lượt yêu cầu, trong đó có 185 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, đánh nhau và ghi nhận 7 trường hợp tử vong tại nhà. Ngoài ra, các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng đã khám cấp cứu cho hơn 5.300 ca, trong đó tai nạn sinh hoạt chiếm số lượng cao nhất với 437 ca, tiếp đến là tai nạn giao thông 384 ca, tai nạn lao động 108 ca...

Xe khách 40 ghế chở 70 người

Chiều 2/5, sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nhiều ngày, hàng ngàn người dân khắp các tỉnh ùn ùn trở lại Thủ đô học tập và làm việc. Lượng khách quá lớn, khiến tình trạng nhồi nhét, tăng giá vé sôi động trở lại. Lực lượng CSGT đã xử phạt hàng loạt xe vi phạm.

Chia sẻ với Tiền Phong, chị Minh Phương (quê huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, chiều 2/5 chị đặt vé xe khách giường nằm lên Hà Nội nhưng gọi 15 hãng xe đều thông báo cháy vé. Chị cùng gia đình phải đi bắt xe khách Hào Hương dọc đường và phải ngồi ở lối đi giữa hai hàng ghế. Chị đi xe không có ghế và bị nhồi nhét chật chội nhưng vẫn bị thu 135.000 đồng mà không có cuống vé. “Xe 45 chỗ nhưng chở hơn 60 người. Trừ những vé cố định theo ghế, tài xế và phụ lái nhận thêm khoảng 20 khách ngồi ghép giường và lối đi giữa”, chị Phương nói.

Chiều cùng ngày, tại km 188 - Trạm thu phí Pháp Vân, tổ tuần tra cao tốc số 7, phòng 10 – Cục CSGT kiểm tra hàng loạt xe khách. Hầu hết các phương tiện vận tải này đều chở quá số người quy định. Tiếp nhận phản ánh từ phóng viên, xe khách 35 chỗ ngồi Tuấn Lan BKS 90B-004.77 chạy tuyến Hà Nam – Thái Nguyên chở quá số người, tổ cảnh sát ra tín hiệu, tài xế dừng xe nhưng không mở cửa chấp hành kiểm tra. Kiểm đếm sau nhiều lần yêu cầu, cảnh sát xác định xe này chở quá 20 người (vượt 157% số người quy định). Cùng thời điểm, tổ công tác kiểm tra xe khách Phương Nhi BKS18B-013.95 tuyến Nam Định – Hà Nội phát hiện tài xế chở quá 7 người so với quy định. “Rời bến xe còn thừa vài chỗ ngồi. Tới trạm dừng đón, mở cửa thì người nọ kéo người kia lên xe. Có gia đình 5-6 người lên cùng lúc không ai xuống nên phải chở”, tài xế xe khách Phương Nhi Ngô Tuấn Tới giải thích.

Xử phạt tài xế nhồi nhét

Trung tá Trần Minh Thu, Đội trưởng Đội 7, Phòng 10 - Cục CSGT (phụ trách tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ) cho biết, đơn vị đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt đối với hai nhà xe trên. Theo quy định, tài xế sẽ bị phạt 400.000 đồng/người quá quy định (đối với tuyến đường dưới 300 km) và 900.000 đồng/người quá quy định (đối với tuyến dài trên 300 km) và tước GPLX tài xế 2 tháng.

Ông Thu cho biết thêm, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày, người dân về quê tập trung, dồn dập cùng thời điểm. Những ngày trước trong và sau dịp nghỉ lễ, phương tiện tăng đột biến từ 15h đến 24h khiến tuyến đường luôn trong tình trạng ùn ứ, các phương tiện di chuyển chậm. Khi gặp sự cố, hàng nghìn ô tô nối đuôi nhau dài hàng cây số trên cao tốc. Chuẩn bị phương án chống ùn tắc, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng ứng trực tất cả các nút giao để hướng dẫn phương tiện ra quốc lộ 1 khi có sự cố, giao thông tê liệt. Lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tăng cao dễ dẫn đến va chạm và ùn tắc. Tình trạng vi phạm cũng phổ biến, đặc biệt ô tô nhồi nhét khách, chở quá số người quy định. “Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, nhất là vào các dịp cuối tuần và nghỉ lễ dài ngày. Nguyên nhân xuất phát từ thực trạng cầu vượt quá cung trong những ngày cao điểm”, trung tá Thu nói.

Ông Thu cho biết thêm, hiện tượng nhồi nhét, chạy quá tốc độ, tranh giành khách, đi sai luồng tuyến, dừng đón trả khách sai quy định xảy ra phổ biến, đặc biệt các tuyến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… nhưng lực lượng tuần tra phát hiện, xử lý chỉ một số ít trường hợp vi phạm. Trước đó, đơn vị từng phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nhiều xe khách chở quá 200%, thậm chí 310% số người theo quy định, ra quyết định xử phạt hàng chục triệu đồng đối với tài xế xe và chủ doanh nghiệp.

Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, rạng sáng 2/5, lực lượng CSGT phát hiện ô tô chở khách Đức Lộc chạy tuyến Nam Định – Móng Cái do tài xế Trần Văn Quân (SN 1983) điều khiển chở quá số người quy định. Qua kiểm đếm, cảnh sát phát hiện tài xế chở 70 người trên xe 40 ghế. Ngay sau đó, cảnh sát đã lập biên bản vi phạm, phạt tiền 39 triệu đồng và tước GPLX tài xế 2 tháng.