35 năm Gạc Ma: Nước mắt người vợ nhìn thấy tên chồng trong khu mộ gió!

TPO - Những ngày qua, hàng nghìn người từ khắp mọi miền đất nước đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà) thắp hương, tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân anh dũng hi sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988. Dù 35 năm đã trôi qua, nhưng hình của những anh hùng này vẫn mãi in sâu trong lòng người ở lại. 

"Lúc nghe tin chồng mất, con gái tôi chỉ được 13 tháng tuổi"

Những ngày tháng 3 này, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma liên tục có các đoàn khách du lịch, học sinh, sinh viên và thân nhân liệt sĩ đến dâng hương, tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong sự kiện Gạc Ma (ngày 14/3/1988) để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cựu cán bộ Đoàn khu vực phía Nam dâng hoa tưởng niệm tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (ảnh: L.H).

Đầu tháng 3 vừa qua, hành trình “Sống mãi tuổi hai mươi” lần thứ 5 - năm 2023, Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. TS. Lê Hồng Liêm - nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, Trưởng Ban liên lạc - xúc động nói: “Máu của các anh đã hoà vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ. Sự hy sinh của các anh trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần dân tộc, yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma tại Khu tưởng niệm Gạc Ma (ảnh: L.H).

Từ TPHCM trở về thắp hương cho chồng tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, bà Đỗ Thị Hà - vợ của liệt sĩ Trung úy Đinh Ngọc Doanh, quê ở Ninh Bình - bùi ngùi xúc động nhớ về người chồng đã hi sinh cách đây 35 năm. Nhà bà Hà ở phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nhưng cả bà và con gái đang làm việc, sinh sống tại TPHCM. Trong không gian thiêng liêng, bà và con gái không thể cầm được nước mắt mỗi khi nhìn tên chồng trong khu mộ gió.

“Lúc nghe tin chồng mất, con gái tôi chỉ được 13 tháng tuổi. Cháu còn quá nhỏ để biết nỗi mất mát người thân. Khi cháu lớn lên, tôi thường kể những câu chuyện về thời trai trẻ của bố Doanh cho cháu nghe. Nhờ đó, con gái tôi chăm ngoan, biết đỡ đần mẹ trong công việc gia đình nên tôi cũng an lòng”, bà Hà tâm sự và mong ước của những ngày đang tuổi già của bà Hà là được một lần đến Trường Sa, được ở giữa mênh mông biển khơi, nơi chồng đã hy sinh kể cho chồng nghe về những năm tháng nuôi dạy con gái thành tài và thả một nhành hoa tưởng nhớ chồng đang yên nghỉ giữa biển khơi.

Bà Đỗ Thị Hà lưu giữ nhiều kỷ vật của chồng là liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (ảnh: L.H).

Em trai ruột của liệt sĩ - Trung sĩ Võ Đình Tuấn (chiến sĩ Gạc Ma, quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là anh Võ Đình Dũng cũng mong được một lần đến với Trường Sa, được nhìn thấy vùng trời, vùng biển mà anh trai đã hy sinh để gìn giữ. Anh Võ Đình Dũng rất tự hào về anh trai đã hy sinh của mình, anh Dũng cho biết những bức thư anh trai lúc sinh thời gửi về cho mẹ, cho người yêu được gia đình anh bảo quản cẩn thận. Khi Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma xây dựng hoàn thành, gia đình anh đã gửi vào khu trưng bày để đơn vị này bảo quản và phát huy giá trị của nó.

“Lúc mẹ còn sống thường xuyên nhắc về anh trai, mỗi lần kể về anh bà thường khóc. Đến lúc mẹ mất cũng dặn dò các anh em phải thường xuyên thăm mộ và hương khói cho anh Tuấn. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn vất vả nhưng cứ vào dịp tháng 3, 7, 12 mấy anh em trong nhà đều đưa nhau vào khu tưởng niệm Gạc Ma để thăm anh Tuấn”, anh Dũng chia sẻ.

Anh Võ Đình Dũng (áo xanh) với di ảnh người anh - Liệt sĩ Võ Đình Tuấn (ảnh: K.N).

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cũng là “địa chỉ đỏ” để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ tỉnh Khánh Hòa. Hàng tháng, nơi đây đều có các đoàn học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên đến sinh hoạt truyền thống. Nhiều người trẻ đã được trưởng thành và kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên ngay tại đây. Bình quân, mỗi tháng có khoảng từ 4.000 - 5.000 lượt khách tham quan, hành hương.

Thế hệ trẻ tỉnh Khánh Hoà dâng hương tưởng niệm tại Khu tưởng niệm Gạc Ma (ảnh: L.H).

Em Nguyễn Đức Hải Quân (học sinh lớp 10C4, trường THPT Trần Bình Trọng, huyện Cam Lâm) đến dâng hương tại khu tưởng niệm cho biết: “Tinh thần và khí phách của 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được lớp lớp người trẻ trong chúng em ghi nhớ mỗi ngày. Chúng em tự hào là những đoàn viên, thanh niên sống trên vùng đất có địa chỉ đỏ Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma”.

Hằng năm, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLD) Việt Nam đều có các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với thân nhân liệt sĩ Gạc Ma. Riêng năm 2022, đơn vị đã hai lần tổ chức tưởng niệm, cầu siêu mời toàn thể thân nhân liệt sĩ, một số cựu binh Gạc Ma về dự tại khu tưởng niệm.

Ông Võ Duy Trúc - Chánh Văn phòng LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - cho biết: Từ khi hoàn thành đến nay, khu tưởng niệm đã trở thành điểm đến tâm linh của nhiều người dân và du khách. Vào những ngày tháng 3 này, có hàng nghìn người dân từ mọi miền Tổ quốc đến dâng hương, tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh L.H

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Việt Nam xây dựng và khánh thành đưa vào sử dụng vào tháng 7/2017. Tổng thể khu tưởng niệm có 5 công trình gồm: Tượng đài, khu trưng bày ngầm, mộ gió, quảng trường hòa bình và khuôn viên cây xanh. Trong đó, tượng đài mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” đã khắc họa hình ảnh 64 người chiến sĩ Gạc Ma quả cảm hi sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.