Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu được cập nhật mới nhất của Cục về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo, hiện trên toàn quốc đã có tổng cộng khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí.
Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, có thể nói khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, nếu tính theo từng ngành hàng, với ngành dệt may da giày có tới 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu, và 27% cung cấp cho cả hai thị trường. Trong ngành cao su, nhựa, hoá chất, số doanh nghiệp cung cấp cho trường trong nước chiếm 52%, và hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường.
Với lĩnh vực điện tử, có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước, trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI, 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu, và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngành cơ khí, ô tô có 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa, chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu, và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.
“Dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa Việt Nam, tuy nhiên sự liên kết này còn lỏng lẻo là do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính là do nội lực của ngành công nghiệp còn hạn chế”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.