3 người thương vong nghi do ngộ độc sữa bột

TP - Sau khi uống sữa bột, 2 người trong cùng một gia đình ngụ tại tỉnh Tiền Giang đã tử vong, 1 người nguy kịch. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là ngộ độc cấp dẫn đến suy đa tạng liên quan đến sữa bột.

Chiều 16/10, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Bệnh nhân là người đàn ông 55 tuổi, ngụ tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, được chuyển đến trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, phải thở máy.

Khai thác bệnh sử từ phía gia đình ghi nhận, trong hai ngày 14 và 15/10 gia đình bệnh nhân lần lượt có 2 người là mẹ bệnh nhân (85 tuổi) cùng em trai bệnh nhân (45 tuổi) đã tử vong sau khi uống một loại sữa bột. Sau khi làm đám tang cho mẹ và em, đến ngày 15/10 bệnh nhân sử dụng hộp sữa mẹ và em đang uống dở. Chỉ trong vòng 1 giờ sau khi uống, bệnh nhân bị nôn ói, đau bụng, lơ mơ, suy hô hấp phải nhập viện cấp cứu.

“Khi tiếp nhận thông tin cùng lúc 3 người có sức khỏe khá tốt, đang sinh hoạt bình thường nhưng sau khi uống sữa bột thì đều có triệu chứng giống nhau, từ rối loạn tiêu hóa đến hôn mê, co giật khiến 2 người tử vong, chúng tôi chẩn đoán đây là tình trạng ngộ độc cấp” - TS. Hùng nói.

Ngay lập tức, bệnh viện tiến hành các biện pháp can thiệp tích cực cho người bệnh như thở máy, lọc máu hấp phụ, thuốc vận mạch và dịch truyền để đào thải chất độc. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tổn thương gan, thận, cơ tim, phổi. Sau 12 giờ cấp cứu tích cực, chiều 16/10 bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, các chỉ số sinh hiệu hồi phục tốt.

Tuy nhiên đến nay, các bác sĩ chưa thể xác định được chất độc bệnh nhân đã uống phải trong sữa bột là chất gì.

Bộ Y tế đề nghị xác minh

Liên quan đến các trường hợp tử vong và ngộ độc nhập viện cấp cứu nghi ngờ do uống sữa tại tỉnh Tiền Giang, ngày 16/10 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương triển khai một số nội dung như: Chỉ đạo các cơ quan chức năng của Sở Y tế phối hợp với cơ quan quản lí sản phẩm này ở địa phương để tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ, kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương).

Xử lí nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện) và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng…