Vài tháng qua, các sự kiện ở Trung Đông đã cho thế giới một khóa học cấp tốc về cách quản lý leo thang, hoặc chính xác hơn là thất bại trong việc quản lý leo thang.
Mặc dù giao tranh giữa Israel và Hamas vẫn tiếp diễn ở Dải Gaza, khu vực này chưa rơi vào tình trạng xung đột toàn diện mà nhiều người lo ngại từ tháng Mười năm ngoái. Nhưng trong vài ngày qua, khu vực này đã tiến gần hơn đến tình trạng đó với một loạt diễn biến kịch tính và bạo lực, bao gồm vụ ám sát Ismail Haniyeh, lãnh đạo chính trị của Hamas, tại thủ đô Tehran của Iran tối thứ Ba (30/7).
Vụ ám sát Haniyeh xảy ra chỉ vài giờ sau khi một cuộc không kích của Israel ở thủ đô Beirut của Li-băng giết chết một chỉ huy cao cấp của Hezbollah. Cuộc không kích đó là để trả đũa cho một cuộc tấn công bằng tên lửa của Hezbollah giết chết 12 trẻ em trên một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan (do Israel kiểm soát) vào thứ Bảy tuần trước.
Vào thứ Ba (30/7), Mỹ tấn công một nhóm quân sự được Iran hậu thuẫn ở Iraq; nhóm này gần đây thực hiện nhiều cuộc đột kích lực lượng Mỹ trong khu vực.
Những cuộc tấn công trả đũa như vậy giữa các chiến binh do Iran hậu thuẫn và lực lượng Mỹ trong khu vực rất phổ biến trong những tháng sau ngày Hamas đột kích Israel (7/10/2023), nhưng gần như không có cuộc tấn công nào kể từ đầu năm 2024. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng sự bùng phát bạo lực gần đây có thể đánh dấu sự trở lại đáng lo ngại của một giai đoạn gần như xung đột công khai giữa Mỹ và các lực lượng ủy nhiệm của Iran.
Những ngày gần đây cũng chứng kiến Israel thực hiện các cuộc không kích đầu tiên ở Yemen, để đáp trả một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Houthi ở Yemen thực hiện ngày 19/7, khiến một người ở Tel Aviv thiệt mạng. Houthi cũng được Iran hậu thuẫn.
Rủi ro thực sự cao đến mức nào?
Đầu tháng này, Haaretz đưa tin, Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, một cơ quan tư vấn độc lập của Israel, đã giả lập một trận chiến bắt đầu bằng một “vụ ám sát bí ẩn ở Tehran được cho là do Israel thực hiện”. Trận chiến giả lập mở rộng với các cuộc không kích của Mỹ vào Iran, rồi chiến tranh toàn diện bùng nổ trong khu vực Trung Đông.
Nghịch lý ở đây là ngay cả khi Israel và Iran không muốn chiến tranh, hành động của họ đang làm tăng nguy cơ chiến tranh bùng phát.
Những giả lập như vậy giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các kịch bản tiềm năng, chứ không phải dự đoán tương lai. Và mặc dù có vẻ kỳ lạ trong bối cảnh các cuộc tấn công qua lại trong một khu vực vốn đã căng thẳng trong nhiều tháng, tất cả các bên - Israel, Iran, Hezbollah và Mỹ - vẫn có khả năng đang cố gắng giữ tình hình ở mức độ có thể kiểm soát.
“Đây là nghịch lý lớn nhất. Chúng ta đang tiến gần hơn đến một cuộc chiến tranh, nhưng chiến tranh vẫn khó xảy ra vì không ai muốn điều đó”, Bilal Saab, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và nhà phân tích Trung Đông, nói với Vox.
Nhưng đã có nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử mà không ai thực sự muốn. Nghịch lý ở đây là ngay cả khi Israel và Iran không muốn chiến tranh, hành động của họ đang làm tăng nguy cơ chiến tranh bùng phát.
Giết người đàm phán
Ông Haniyeh, 62 tuổi, là thành viên của Hamas kể từ khi tổ chức này được thành lập vào những năm 1980 và từng giữ chức thủ tướng của Chính quyền Palestine sau chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử Palestine năm 2006.
Ông Haniyeh rời Dải Gaza năm 2019 và chủ yếu cư trú tại thủ đô Doha của Qatar. Ông là gương mặt đại diện công khai và là đại diện quốc tế của Hamas, nhưng ít có quyền kiểm soát hằng ngày đối với các hoạt động của tổ chức này ở Dải Gaza. Hoạt động của Hamas ở Dải Gaza do ông Yahya Sinwar, lãnh đạo của tổ chức này, giám sát. Ba trong số các con của ông Haniyeh và một số cháu của ông được cho là đã bị giết trong các cuộc tấn công của Israel tại Dải Gaza.
Với khoảng cách xa tiền tuyến ở Dải Gaza, việc ông Haniyeh bị giết có thể sẽ ít ảnh hưởng đến cách Hamas tiến hành cuộc chiến với Israel. Nhưng, điều này gần như chắc chắn sẽ là một cú sốc lớn đối với các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra giữa Israel và Hamas, mà một quan chức Mỹ mô tả vào tuần trước là đang trong “giai đoạn kết thúc”.
Ông Haniyeh không phải là một “người ôn hòa” theo bất kỳ ý nghĩa hợp lý nào của từ này, nhưng theo một số báo cáo, trong ban lãnh đạo của Hamas, ông là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho một thỏa thuận ngừng bắn.
Vào thứ Tư (31/7), Thủ tướng Qatar (Qatar là nơi đặt trụ sở của lãnh đạo chính trị của Hamas và nơi đã đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán), viết trên Twitter: “Làm sao có thể đàm phán thành công khi một bên ám sát nhà đàm phán của bên kia?”.
Nếu việc ông Haniyeh bị giết khiến cho thỏa thuận ngừng bắn lại ngoài tầm với, thì đó là tin xấu cho người dân Dải Gaza, nơi mà cuộc xung đột vẫn đang diễn ra, nơi mà hơn 39.000 người bị giết kể từ khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023, theo cơ quan y tế Dải Gaza. Điều này cũng làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng.
Hezbollah đã liên tục bắn tên lửa và máy bay không người lái vào miền bắc Israel, và Israel đã đáp trả tương tự kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Mặc dù nhóm chiến binh vũ trang hùng mạnh này có thể muốn tránh một cuộc chiến toàn diện khác với Israel (họ đã chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến gần đây nhất, xảy ra năm 2006), nhưng họ không thể dừng các cuộc tấn công của mình trong khi cuộc chiến ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn mà không mất uy tín là đối thủ của Israel.
Điều này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều sự kiện như vụ việc giết chết 12 trẻ em tại ngôi làng Druze ở Cao nguyên Golan hôm thứ Bảy (Hezbollah đã phủ nhận trách nhiệm nhưng thừa nhận rằng họ đã thực hiện nhiều đợt bắn tên lửa vào miền bắc Israel trong ngày hôm đó).
“Mỗi ngày không có thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, biên giới phía bắc càng trở nên nóng bỏng hơn”, Vali Nasr, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao Johns Hopkins (Mỹ), nói với Vox. “Và cả Iran, Houthi, và những đối tượng khác đang ngày càng tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến. Việc quản lý tình hình đang trở nên khó khăn hơn”, ông Nasr nhận định.
Và mặc dù sự trả đũa của Hezbollah có thể có ý nghĩa, câu hỏi thực sự là Iran sẽ làm gì sau khi Israel đã xâm nhập vào hệ thống phòng thủ của họ và giết chết một đồng minh quan trọng dưới sự bảo vệ của họ.
Iran coi việc trả thù là nghĩa vụ của mình
“Rất có khả năng Hezbollah sẽ phải thực hiện một hành động leo thang nào đó”, Jonathan Lord, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và giám đốc chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói với Vox. “Và vì Israel đã tấn công Haniyeh bên trong Tehran, Iran cũng sẽ cần phải thực hiện một hành động nào đó để khôi phục niềm tin vào chủ quyền quốc gia của họ”, ông Lord nhận định.
Việc tiêu diệt một quan chức nổi bật như Haniyeh và thực tế là ông có mặt ở Tehran để tham dự lễ nhậm chức của tổng thống mới của Iran đã làm vụ việc trở nên nổi bật và tăng áp lực cho Iran về vấn đề đáp trả.
Israel được cho là đã thực hiện một số vụ ám sát trên lãnh thổ Iran trong những năm gần đây, chủ yếu là những nhân vật liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, mặc dù Chính phủ Israel gần như không bao giờ công khai thừa nhận những hành động này và cũng không làm như vậy trong trường hợp này.
Việc tiêu diệt một quan chức nổi bật như Haniyeh và thực tế là ông có mặt ở Tehran để tham dự lễ nhậm chức của tổng thống mới của Iran đã làm vụ việc trở nên nổi bật và tăng áp lực cho Iran về vấn đề đáp trả.
Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, đã tuyên bố sẽ trả thù. Ông nói: “Chúng tôi coi việc trả thù này là nghĩa vụ của mình”.
Vào tháng Tư, sau khi Israel thực hiện một cuộc không kích ở thủ đô Damascus của Syria, giết chết một tướng cấp cao của Iran tại một tòa nhà ngoại giao của Iran, Tehran đã đáp trả bằng cách phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel. Điều này chưa từng có (Iran thường tấn công Israel thông qua các nhóm ủy nhiệm hơn là trực tiếp) nhưng dường như cũng được tính toán kỹ lưỡng để tránh leo thang.
Mặc dù Iran có tên lửa siêu thanh trong kho vũ khí của mình, họ đã sử dụng vũ khí bay chậm hơn, và hầu hết đã bị đánh chặn. Chỉ có một dân thường ở Israel bị thương nặng.
Báo Mỹ New York Times đưa tin vào thứ Tư (31/7) rằng, ông Khamenei đã ra lệnh cho Iran một lần nữa trực tiếp tấn công Israel, nhưng tính chất của sự leo thang là mức độ phải được nâng cao.
Israel có thể không phải là mục tiêu trả đũa duy nhất của Iran. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố hôm thứ Tư (31/7) rằng, việc giết Haniyeh “là điều chúng tôi không biết và không tham gia vào”. Điều này có thể là sự thật, nhưng người Iran không tin điều đó.
Trong thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại diện của Iran đã lên án Mỹ cũng như Israel: “Hành động này đã không thể xảy ra nếu không có sự cho phép và hỗ trợ tình báo của Mỹ”.
Sẽ trả đũa trên toàn trục chống lại Mỹ và Israel?
Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói với Vox rằng phản ứng của Iran có khả năng là một “sự trả đũa trên toàn trục chống lại Mỹ và Israel” (Trục Kháng cự là thuật ngữ chung cho mạng lưới các nhóm ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn, bao gồm Hezbollah, Hamas, Houthi, và một số lực lượng dân quân ở Syria và Iraq). “Điều đó có nghĩa là các cuộc tấn công phối hợp, đồng thời, điều này, tất nhiên, sẽ nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn nhiều”, ông Vaez nói thêm.
Điều đó cũng có nghĩa là bất kể Iran trả thù theo hình thức nào, Mỹ và quân đội cũng như lợi ích của họ trong khu vực có thể sẽ phải hứng chịu.
Khủng hoảng này là một thử thách đối với tân tổng thống Iran, người thực sự mới chỉ bước vào tuần đầu tiên tại vị. Lễ nhậm chức của Tổng thống Masoud Pezeshkian có sự tham dự của ông Haniyeh, đại diện của Houthi, Hezbollah, và các nhóm khác thuộc Trục Kháng cự.
Nhưng Tổng thống Pezeshkian được coi là một người ôn hòa hơn so với người tiền nhiệm Ebrahim Raisi - người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng Năm. Hy vọng rằng ông Pezeshkian có thể cởi mở hơn trong việc đàm phán với Mỹ.
“Vị tổng thống mới nhậm chức với sự ủng hộ của lãnh tụ tối cao sẽ cố gắng có được một thỏa thuận nào đó với Mỹ”, ông Nasr nói. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào năm 2021 với lời hứa sẽ khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama vào năm 2015 trước khi bị Tổng thống Donald Trump loại bỏ vào năm 2018.
Người Iran đã tiếp tục tiến hành chương trình hạt nhân của họ trong những tuần gần đây, theo các tuyên bố của các quan chức Mỹ. Trong khi Iran và Mỹ đã có thể tách rời quan hệ của họ trong quá khứ (tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân ngay cả khi các lực lượng dân quân và quân đội Mỹ bắn nhau) tùy thuộc vào hình thức trả đũa của Iran, điều này có thể sẽ không tái diễn trong những ngày tới.
Với tất cả những sự kiện này, người ta có thể đặt câu hỏi hợp lý rằng loại “leo thang” nào có thể xảy ra? Israel và Hezbollah vẫn chưa chiến đấu trên mặt đất. Vẫn chưa có cuộc giao tranh nào kéo dài giữa Israel và Iran.
Gần gũi Israel hơn, Mỹ cũng có thể đang theo dõi sát sao sự leo thang giữa Israel và Hezbollah (có thể là lực lượng quân sự phi nhà nước mạnh nhất trên thế giới). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Ba nói rằng, ông không thấy chiến tranh toàn diện là “không thể tránh khỏi”, nhưng nếu bùng phát, “chúng tôi sẽ giúp Israel tự vệ”.
Với tất cả những sự kiện này, người ta có thể đặt câu hỏi hợp lý rằng loại “leo thang” nào có thể xảy ra? Israel và Hezbollah vẫn chưa chiến đấu trên mặt đất. Vẫn chưa có cuộc giao tranh nào kéo dài giữa Israel và Iran. Quân đội Mỹ vẫn chưa trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, ngoài việc thực hiện các cuộc không kích định kỳ và thỉnh thoảng bị các chiến binh bắn phá.
Tuy nhiên, các rào cản đang trở nên yếu hơn, tình hình đang trở nên căng thẳng và nguy hiểm hơn. Nhưng đây là Trung Đông nên mọi thứ luôn có thể trở nên tồi tệ hơn, Vox nhận định.