16 cán bộ lãnh đạo ở Bình Dương được bổ nhiệm sai quy định

TPO - Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ chỉ ra 16 cán bộ lãnh đạo ở Bình Dương được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại sai quy định. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ Bình Dương lý giải do quy định sau “đè” quy định trước, chủ yếu thiếu chứng chỉ, một điều kiện của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Liên quan đến kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ về việc 16 cán bộ lãnh ở tỉnh Bình Dương được bổ nhiệm sai quy định, lãnh đạo Sở Nội vụ Bình Dương cho biết hiện nay những cán bộ trên cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí theo đúng quy định.

Trước câu hỏi của PV báo Tiền Phong về việc loạt cán bộ được bổ nhiệm sai quy định sẽ xử lý thế nào, ông Lý Văn Đẹp – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho rằng những trường hợp trên chủ yếu thiếu các chứng chỉ theo quy định mới và cơ bản đã khắc phục theo đúng quy định.

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương

Theo ông Đẹp, thời điểm bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ có sự thay đổi một số quy định, trong đó có tiêu chí bắt buộc cán bộ phải có các chứng chỉ kèm theo. Do tình hình thực tế, để đảm bảo bộ máy hoạt động xuyên suốt, cần thiết phải bổ nhiệm cán bộ. Những cán bộ được bổ nhiệm sau đó tiếp tục hoàn thiện các chứng chỉ để đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Tính đến nay, số cán bộ trên cơ bản đã đáp ứng các điều kiện cần.

Trước đó, Chánh Thanh tra Bộ Nội Vụ Nguyễn Mạnh Khương ký ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, nâng ngạch công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Bình Dương.

Đối với việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý qua kiểm tra có 8 trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại trước ngày 28/12/2017 và 7 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại sau ngày 28/12/2017 chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiểu chuẩn về ngoại ngữ, tin học, trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính; bồi dưỡng về quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của Bộ, ngành chủ quản; có trường hợp chưa giữ ngạch chuyên viên chính theo quy định của Tỉnh ủy Bình Dương.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ một số hồ sơ lãnh đạo, quản lý cấp Sở chưa lưu giữ đầy đủ bản kê khai tài sản, giấy khám sức khỏe, kê khai lỹ lịch. Một số cơ quan, đơn vị thực hiện không đầy đủ các thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, nội dung biên bản họp còn sơ sài, có nhiều trường hợp bổ nhiệm lại chậm.

Đáng lưu ý, có một lãnh đạo Sở được bổ nhiệm ngoài giai đoạn thanh tra có thông tin phản ánh chưa được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính theo quy định của Tỉnh ủy Bình Dương.

Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức báo cáo cấp ủy cùng cấp tiến hành đánh giá năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, kết quả xếp loại hàng năm đối với 16 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, để xem xét việc thu hồi hủy bỏ quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm lại theo.

“Đối với quy định của Ban Tổ chức Trung ương, hay của Bộ Nội vụ cũng cần phải xem những quy định đó bây giờ còn phù hợp với thực tiễn hay không? Có cần thiết nữa không hay đã lỗi thời? Tôi cho là đã lỗi thời và nên xóa bỏ. Cần phải làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đỡ tốn kém nhất và hiệu quả nhất cho việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức.

Bổ nhiệm, xét tuyển với cơ man các loại văn bằng, chứng chỉ như vậy có cần thiết không? Bổ nhiệm một ông trưởng phòng, phó phòng, phó giám đốc sao lại cần nhiều chứng chỉ thế? Các loại chứng chỉ ấy có chứng minh anh ta là người tài không, hay cũng chỉ mang tính hình thức, cho đẹp hồ sơ?”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật nhìn nhận.