100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Kỳ 2: Vị tướng của những kỳ tích

TP - “Trong suốt 10 năm (1967-1976) ở cương vị chỉ huy tối cao của Đoàn 559, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã để lại thành tích xuất sắc trong việc xây dựng thế trận chi viện chiến trường bằng hệ thống đường Trường Sơn nối liền chiến trường 3 nước Đông Dương. Sau nhiều năm nghiên cứu về ông, tôi có thể khẳng định, ông là vị tướng của những kỳ tích” - Tiến sĩ Sử học Nguyễn Khắc Thái tâm sự.

Những kỳ tích chưa từng có trong lịch sử

Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, Binh đoàn Trường Sơn được thành lập vào tháng 5, năm 1959 (viết tắt là Đoàn 559) nhằm mở đường trên dãy Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời gian đầu hệ thống đường mòn này cũng chỉ nhỏ hẹp và vận tải thô sơ. Thiếu tướng Võ Bẩm là người đầu tiên và cũng là người đặt nền móng cho mạng lưới giao thông quân sự mà sau này còn được gọi là đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh. Kế tiếp là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, người thiết lập nền móng và đưa ra ý tưởng vận tải cơ giới thay cho vận tải thô sơ trước đó. “Quyết sách này có hai ý nghĩa rất quan trọng, là đáp ứng nhu cầu của chiến trường ngày càng lớn và giảm thiểu sự hi sinh xương máu của con người” - Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái nói.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã làm nên những kỳ tích trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Hệ thống đường Trường Sơn được mệnh danh là “Trận đồ Bát quái” kể từ năm 1967, khi Đại tá Đồng Sỹ Nguyên (sau này được phong hàm vượt 2 cấp lên Trung tướng) làm Tư lệnh Bộ chỉ huy 559, kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái cho rằng, trong suốt 10 năm (1967-1976) làm tư lệnh tối cao Đoàn 559, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã làm nên 3 kỳ tích chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của thế giới.

Kỳ tích thứ nhất là việc đề xuất xây dựng “Binh chủng hợp thành ở Trường Sơn”, sáng tạo ra thế trận giao thông vận tải, được mệnh danh là “trận đồ bát quái”. Thế trận này đã đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc cơ động, thần tốc vào các chiến trường ở miền Nam. Hai khẩu hiệu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đề ra hết sức giản dị nhưng lại mang tầm chiến lược: “Chiến trường cần là có đủ”, “Địch đánh, ta sửa ta đi; địch chặn đường, ta mở đường ta đi”. Để cơ động lực lượng tỏa khắp chiến trường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có một quyết định táo bạo mang tầm chiến lược là cơ giới hóa bộ binh, tạo khả năng kết hợp hài hòa giữa cơ động cao theo đội hình chính quy, hiện đại và biến hóa khôn lường theo địa hình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.

Kỳ tích thứ hai là quyết định “Giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn”. Theo đó, cách duy nhất để bảo vệ tuyến vận tải cơ giới, vừa chi viện, vừa đẩy lui địch trên chiến trường là phải thiết lập thế trận “hiệp đồng binh chủng”. Đó là một phương châm chiến lược táo bạo, mạnh mẽ, có tầm nhìn sâu rộng, vững chắc để chuyển từ thế phòng ngự bị động, sang chủ động trên toàn tuyến vận tải chiến lược.

Và kỳ tích thứ ba mà ông để lại trong 10 năm giữ trọng trách chỉ huy tối cao Đoàn 559 đó là “vừa là tư lệnh, vừa là “kiến trúc sư” của “tuyến đường màu lam”. Không ai có thể ngờ rằng, là một người lính dành gần hết quãng đời cho chiến trường nhưng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên lại điều hành việc xây dựng con đường như một nhà khoa học liên ngành thực thụ. Ông đã huy động nội lực từ cán bộ, chiến sĩ để tích hợp thành tri thức khoa học vận dụng vào việc xây dựng các tuyến đường vượt núi cao, vực thẳm, xuyên qua những tầng đất yếu, sình lầy, vượt qua những địa hình hiểm trở để hình thành những tuyến đường luồn lách qua mọi địa hình mà kẻ thù không hề hay biết hoặc có biết cũng không đủ khả năng ngăn chặn.

Điển hình của chiến tranh nhân dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (thứ 2 phải sang) trong một lần thăm Bộ đội Trường Sơn

Hệ thống đường Trường Sơn không đơn thuần là tuyến đường giao thông, mà thực sự là một chiến trường khốc liệt. Quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này. Hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc hóa học được Mỹ rải xuống để tìm cách triệt hạ con đường. Rồi đến các cuộc hành quân càn quét lớn, hay biệt kích phá hoại đều được quân đội Mỹ sử dụng… nhưng tuyến đường vẫn hoạt động và ngày càng mở rộng.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam: Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là một người sâu sát thực tế và có tầm nhìn chiến lược và quyết liệt trong chỉ huy. Ông kể, sau một chuyến “vi hành” nắm tình hình tại một số trọng điểm, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho rằng, hoạt động trên tuyến cơ bản mang tính phòng ngự bị động, tiêu cực. Ông phê phán kịch liệt: “Chúng ta đã để cho máy bay Mỹ cưỡi trên đầu, bắn gục lái xe. Để cho lái xe đơn thương độc mã đối đầu với máy bay địch. Kéo dài tình trạng này là một tội lỗi…”.

“Và ngay lập tức, Tư lệnh chỉ thị: Muốn thắng địch, phải có tư tưởng tiến công. Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển. Pháo phòng không phải bố trí trận địa ngay tại trọng điểm để bắn máy bay địch, bảo vệ đội hình xe; công binh phải làm công sự, đóng ngay cạnh trọng điểm để kịp thời khắc phục tắc đường; cán bộ chỉ huy phải làm hầm ngay trọng điểm để chỉ huy, tổ chức hiệp đồng chiến đấu… Tư duy, tầm nhìn chiến lược của một vị Tư lệnh chiến trường, quyết tâm thay đổi, đảo ngược thế trận Trường Sơn là như vậy”- Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại.

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Khắc Thái, có thể nói, thế trận mà Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên lập ra trên tuyến đường Trường Sơn không còn đơn thuần là thế trận vận tải mà đã trở thành hình thái điển hình của thế trận chiến tranh nhân dân với sự hợp thành của tất cả các lực lượng bộ đội thường trực, bộ đội địa phương, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong và nhân dân các địa phương trên các tuyến đường đi qua. “Đỉnh cao của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là đã đánh thắng chiến tranh tổng lực của Đế quốc Mỹ bằng chiến tranh tổng hợp trên nền tảng thế trận chiến tranh nhân dân”- Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái nhận định.

Viết lời tựa cho cuốn Hồi ký “Trọn một con đường”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những tình cảm và đánh giá sâu sắc đối với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ông cho rằng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ; có công lao đặc biệt lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh; là một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Đối với tôi, tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết.