Lần đầu tiên VCCI bình chọn:

10 văn bản pháp luật tốt nhất, tồi nhất

TP - Tại hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất - tồi nhất, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/12, nhiều quy định, văn bản đã ban hành có nội dung vô lý được nêu ra. Điều này cho thấy, cơ quan công quyền nhiều khi khá tắc trách, thậm chí cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Quy định nước thải từ trang trại công nghiệp phải đạt loại A khó có doanh nghiệp nào đáp ứng được. Ảnh: P.V.

Đòi nước thải trại lợn phải uống được

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện tại có nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Tuấn lấy ví dụ, ngành in yêu cầu người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in, hoặc được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.

Theo ông Tuấn, quy định này thể hiện sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, chưa phù hợp, thiếu thực tế. Cả nước hiện có trên 3.000 cơ sở in, không phải ai cũng có bằng cao đẳng, nhưng họ vẫn hoạt động tốt, hiệu quả, tăng trưởng khả quan. “Thậm chí có doanh nghiệp, doanh số vài nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong khi có doanh nghiệp ông tiến sĩ trong ngành đứng đầu lại kinh doanh thua lỗ”- ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, thực tế, người đứng đầu cơ sở in có thể đi thuê, không nhất thiết là người bỏ vốn ra lập doanh nghiệp. Mặt khác, hiện cả nước chỉ có 2 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in, nhưng một trường đóng cửa, trường còn lại hoạt động cầm chừng.

Cần phải “sục” vào các bộ ngành, tìm ra cái bẫy, quy trình… tạo ra cơ chế đặc quyền cho cơ quan quản lý cấp bộ, nhưng lại “trói buộc” doanh nghiệp.

Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn

Chưa kể, theo Hiệp hội In Việt Nam và các doanh nghiệp, những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý in do Bộ TT&TT tổ chức, thực chất là lớp phổ biến các văn bản pháp luật liên quan hoạt động in, ít liên quan nghiệp vụ quản lý hoặc năng lực chuyên môn của người đứng đầu cơ sở in. Tuy nhiên, mức thu phí 5.000.000 đồng/người cho thời lượng học thực tế chỉ 3 ngày quá cao, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI chỉ ra nhiều điều vô lý trong thông tư 47 của Bộ TN&MT (năm 2011), quy định nước thải từ trang trại công nghiệp (10.000 con lợn trở lên), phải đạt loại A, tức là nước người có thể uống được. Đây là quy định quá khắt khe và rất khó có doanh nghiệp nào đáp ứng được.

Thực tế, theo đánh giá của chuyên gia nông nghiệp, quy định này còn cao hơn rất nhiều so với Thái Lan, thậm chí cao hơn chỉ tiêu nước thải của Nhật Bản. Điều này, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi, “giết chết” các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn…

Bà Đinh Thị Bích Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam dẫn chứng quy định về tổng mức giá trị hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không quá 50%... là rất vô lý và hạn chế quyền tự do kinh doanh của thương nhân.

“Tôi đi khắp Hà Nội, TPHCM, khắp nơi họ trưng biển khuyến mại nhan nhản, có chỗ tới 70-80%..., không biết có ai phạt không. Một quy định mà người ta bất chấp tuân thủ thì thế nào, mà nếu phạt, chắc rằng doanh nghiệp sẽ phản ứng. Vì đó là tài sản, quyền kinh doanh của họ, không ai được ngăn cấm”- bà Loan nói.

Đặc quyền cho cơ quan quản lý, “trói” doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, đến nay, “không thể ngồi chờ các bộ được nữa, mà bằng cách nào đó, khách hàng phải lên tiếng đòi hỏi một dịch vụ tốt hơn”. Đánh giá về chất lượng các VBQPPL thời gian qua, Viện trưởng CIEM nói:  “Cơ bản là tồi! Tìm 10 văn bản tồi nhất rất dễ, nhưng chỉ ra 10 cái tốt thì rất khó. Thực tế, các văn bản của ta rất ít khi xác định tiêu chí rõ ràng…”.

Ông Cung cũng cho rằng, phần lớn văn bản thiếu cơ sở thực tiễn, khoa học, pháp lý rõ ràng. Chẳng hạn, chuyện ông chủ xưởng in phải có bằng cấp, hay thương nhân phải có kho gạo 10 nghìn tấn, cơ sở xay xát 5.000 tấn mới được xuất khẩu gạo… là quy định hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn. “Đó là quy định bảo vệ lợi ích cho một nhóm nào đó, làm thiệt hại cho xã hội… là cách làm thui chột”- ông Cung nói.

Ông Cung cũng chỉ ra rằng, nhiều văn bản đã ban hành rất tồi khi thực hiện. Đơn cử, Luật An toàn thực phẩm (ATTP), yêu cầu người sản xuất phải hiểu về ATTP. Đáng lẽ, anh phải đưa chuẩn mực về sự hiểu biết đó, rồi người ta học ở đâu cũng được. Đằng này, chỉ tổ chức lớp học 3-4 ngày, rồi cấp chứng chỉ, và chỉ bộ đó mới được cấp… Khi kiểm tra, việc ông chủ doanh nghiệp biết gì hay không, không quan trọng miễn là giơ chứng chỉ ra là được. Bộ làm như thế, là tuân thủ một cách hình thức, từ đó, luật pháp của ta kém hiệu lực trên thực tế.

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần phải “sục” vào các bộ ngành, tìm ra cái bẫy, quy trình… tạo ra cơ chế đặc quyền cho cơ quan quản lý cấp bộ, nhưng lại “trói buộc” doanh nghiệp. Theo ông, văn bản của ta quy định rất tốt, hay, nhưng thực thi thì quá dở. “Khi xử lý, quan chức thường lơ cái chính tắc đi, mà dựa vào đồng thuận này nọ” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng chia sẻ, hồi ông “tuýt còi” gần 100 văn bản sai phạm về xử phạt vi phạm hành chính ở hơn 30 tỉnh, thành. “Có giám đốc sở điện ra cho tôi, nói: Anh ơi, nếu tôi không ký ban hành quyết định đó thì mất ghế… Hay lúc ngồi họp để xử lý vi phạm, cơ quan tư pháp cản vì trái quy định, thì ông bí thư tỉnh ủy mắng ngay, rằng tại sao tỉnh này, tỉnh kia làm được, sao anh lại ngăn lại chủ trương của tỉnh là thế nào”- ông Sơn nói.

Bình chọn 10 văn bản pháp luật tốt nhất-tồi nhất sẽ “quét” các văn bản trong năm 2014-2015 đang còn hiệu lực. Trong đó, sẽ khoảng 70% là lấy ý kiến đánh giá từ các hiệp hội doanh nghiệp, 30% còn lại từ các doanh nghiệp, người dân. Các văn bản sẽ được soi về tính cần thiết của quy định, tính hợp lý, thống nhất, khả thi, minh bạch, tuân thủ, tự do kinh doanh, môi trường cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu, thời điểm ban hanh. Dự kiến sẽ công bố kết quả trên vào tháng 4/2016.