Chủ tịch VCCI đề nghị giảm lãi suất, nới room tín dụng

Trong khi Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc (phải) đề nghị giảm lãi suất, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng (trái) cho rằng cần thận trọng với lạm phát. Ảnh: T.L.
Trong khi Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc (phải) đề nghị giảm lãi suất, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng (trái) cho rằng cần thận trọng với lạm phát. Ảnh: T.L.
Câu chuyện lãi suất và vốn vay ngân hàng được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI  đề cập tại hội thảo về cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp diễn ra sáng nay.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, lạm phát 8 tháng đầu năm chưa đầy 1% và có thể không cao hơn 2% nếu tính cả năm 2015. Với mức lạm phát này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng mức lãi suất hiện nay các doanh nghiệp phải chịu tương đối cao. Ông dẫn chứng con số cho thấy, 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi khi lạm phát thấp, lãi suất cao. "Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, một sự giảm nhẹ lãi suất ở mức phù hợp, tương thức với lạm phát là điều cần thiết", ông Lộc đề nghị.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương - cho rằng lãi suất cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn đều khó giảm thêm trong vài tháng tới. Vị chuyên gia này nhìn nhận với câu chuyện của Việt Nam, lãi suất không chỉ phụ thuộc vào lạm phát mà còn phải nhìn vào tỷ giá và lãi suất đồng đôla Mỹ. 

"Đồng đôla đang lên giá, không năm nay thì năm sau, lãi suất USD còn tiếp tục lên giá. Nếu hạ lãi suất VND xuống, người dân sẽ chuyển hết sang đôla. Vừa rồi, có đôi chút bất ổn người dân đã bắt đầu rục rịch sang đôla rồi", ông nói.

Lãi suất trung và dài hạn, theo ông Võ Trí Thành, cũng khó giảm được do còn áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn. Thực tế, sau 8 tháng, lượng vốn ngân sách huy động qua phát hành trái phiếu chưa được một nửa của kế hoạch 230.000 tỷ đồng. "Muốn các ngân hàng mua trái phiếu, lãi suất trung và dài hạn phải cao một chút mới hấp dẫn được họ. Nói chung, theo tôi 5-6 tháng nữa lãi suất khó hạ thêm. Ngân hàng Nhà nước giữ được mức lãi suất như hiện nay đã là một thành công rồi", ông Thành nói.

Bên cạnh mong muốn giảm lãi suất cho doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc còn đề xuất Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch nới room tín dụng cho một số ngân hàng cổ phần hiện nay. Theo ông, nhiều nhà băng cổ phần đã không có khả năng cho vay tiếp trong khi nguồn vốn vẫn dồi dào do hết "room" được cấp. "Tôi đề nghị có chính sách nới room tín dụng hợp lý, công bằng và minh bạch, việc này cần thiết cho đồng vốn của ngân hàng đổ vào có hiệu quả", ông Lộc nói.

Chia sẻ với PVnhiều lãnh đạo ngân hàng cổ phần thừa nhận "room" tín dụng của họ đang gần cạn. Tuy nhiên, theo các vị lãnh đạo này, khó có khả năng nhà điều hành nới thêm "room" tín dụng bởi cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng để chống lạm phát.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành năm 2015 hiện là 13-15% và thực tế có thể tăng 15-17% bởi đến hết tháng 8, vốn ngân hàng đã tăng 10,23%. Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - hàm phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhìn nhận mức tăng trưởng này không có gì là quá "nóng" bởi các năm trước đây, tín dụng còn tăng vượt xa mục tiêu hơn nhiều. Tuy nhiên, theo ông không nên nới room ồ ạt và cần cân nhắc tuỳ trường hợp để tránh tình trạng dư thừa.

Hội thảo sáng nay có sự tham gia của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Trao đổi với doanh nghiệp, bà Hồng cho rằng không nên chủ quan với lạm phát lúc này.

"Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không chỉ đặt mục tiêu lạm phát 2015 mà còn xuyên suốt nhiều năm tới. Hơn nữa, các giải pháp đều có độ trễ của nó. Chúng ta cần tính toán làm sao mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định cho cả giai đoạn xuyên suốt", Phó thống đốc phân tích.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết việc tăng "room" tín dụng sẽ được thực hiện cho từng ngân hàng, tuỳ thuộc vào sự lành mạnh tài chính và khả năng cấp tín dụng của mỗi đơn vị. Tín dụng toàn ngành đến 17/9 theo đại diện Ngân hàng Nhà nước đã tăng trên 10% - khả quan hơn rất nhiều so với con số 7,37% của cùng kỳ năm ngoái. Cũng có ý kiến tại hội thảo lo ngại tín dụng cho bất động sản đang tăng trưởng "nóng".

Về việc này, đại diện Ngân hàng Nhà nước một lần nữa đăng đàn khẳng định tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ toàn hệ thống chỉ chiếm 8% - không quá lớn so với cùng kỳ năm ngoái (7,89%). Phó Thống đốc cũng dẫn số liệu cho thấy, đến tháng 8/2015, tín dụng cho bất động sản tăng trưởng 13% so với đầu năm. Trong chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn quán triệt tập trung vào tăng trưởng sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ", Phó thống đốc cho biết.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG