Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 13/3 khẳng định như trên để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch trái phép đến quần đảo Hoàng Sa và việc tàu Hải cảnh Trung Quốc truy đuổi tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 95215 TS ở khu vực đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa.
Ông Bình tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hành động như vậy đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10/2011.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động đó, đóng góp xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông”, ông Bình nói.
Nhật sắp đưa tàu chiến ra biển Đông
Một trong những tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản sắp thực hiện hành trình dài 3 tháng qua biển Đông, bắt đầu từ tháng 5 tới, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết. Đây được coi là màn thể hiện sức mạnh hải quân lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến 2.
Được đưa vào biên chế cách đây 2 năm, tàu sân bay trực thăng Izumo sẽ có chặng dừng chân ở Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia đợt tập trận hải quân chung với các tàu chiến của Ấn Độ và Mỹ trên Ấn Độ Dương vào tháng 7 năm nay. Tàu sẽ trở về Nhật Bản vào tháng 8, các nguồn tin cho biết.
“Mục đích là để kiểm tra năng lực của Izumo bằng cách để tàu thực hiện một nhiệm vụ mở rộng. Tàu sẽ huấn luyện cùng Hải quân Mỹ trên biển Đông”, nguồn tin giấu tên nói. Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản từ chối bình luận về thông tin này, Reuters đưa tin.
Nhật Bản muốn mời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Izumo khi tàu này thăm vịnh Subic, cách thủ đô Manila khoảng 100km về phía tây, một nguồn tin khác cho biết. Thông tin này xuất hiện khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có vẻ sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Washington đã chỉ trích việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và đưa ra đó trang thiết bị, vũ khí có thể sử dụng để hạn chế tự do di chuyển. Trung Quốc gần đây đưa tàu sân bay Liêu Ninh ra tập trận trên biển Đông. Đội máy bay chiến đấu J-15 của họ tập luyện trên khu vực này khi tàu sân bay đi qua vùng biển trong thời tiết xấu.
Dài 249m, Izumo lớn như các tàu sân bay của Nhật Bản thời Thế chiến 2 và có thể chở 9 trực thăng. Izumo có cấu tạo giống các tàu sân bay tấn công đổ bộ của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ nhưng không có sàn cho tàu đổ bộ và các loại tàu khác. Thời gian tới, Nhật Bản sẽ mua thêm máy bay vận tải quân sự và tàu tuần tra tầm xa để nâng cao năng lực quốc phòng, đồng thời mua máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin (Mỹ), các phương tiện tấn công đổ bộ và máy bay trực thăng cánh xoay Osprey có thể được triển khai từ tàu Izumo.
Tàu Izumo được thiết kế là tàu khu trục vì hiến pháp Nhật Bản cấm mua các loại vũ khí tấn công. Nhưng con tàu này cho phép Nhật Bản thể hiện sức mạnh quân sự bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Đóng tại căn cứ Yokosuka gần Tokyo, cùng nơi đậu với tàu sân bay Ronald Reagan thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, Izumo có nhiệm vụ hàng đầu là chống chiến tranh tàu ngầm.
Mỹ quan ngại Trung Quốc lợi dụng các đảo nhân tạo
Gần đây, Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay tấn công ở biển Đông; việc Hải quân Mỹ tuần tra như vậy là điều bình thường, Lầu Năm Góc tuyên bố hồi đầu tháng 3. Tính tổng cộng, năm 2015, các tàu chiến Hải quân Mỹ đã tuần tra ở biển Đông hơn 700 ngày. Con số này tăng lên khoảng 1.000 ngày trong năm 2016. Tháng 3/2016, USS Chancellorsville, tàu tuần dương tên lửa dẫn hướng lớp Ticonderoga, tuần tra trong vùng biển gần khu vực quần đảo Trường Sa. Trong nửa đầu năm 2016, tàu sân bay tấn công USS John C. Stennis xuất hiện 7 tháng ở Tây Thái Bình Dương, trong đó 3 tháng ở biển Đông. Tháng 6/2016, tàu sân bay USS Ronald Reagan thay thế Stennis để làm nhiệm vụ tuần tra. Trong mùa hè năm ngoái, ba tàu khu trục Mỹ, USS Stethem, USS Spruance và USS Momsen tuần tra độc lập trong vùng biển quanh Trường Sa. Năm 2016, hai nhóm tàu sân bay tấn công, Stennis và Reagan, cùng với sáu tàu chiến tiến hành tập trận quy mô lớn ngoài khơi miền đông Philippines.
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tái khẳng định chính sách của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng Mỹ cũng chỉ trích những yêu sách quá đáng của Trung Quốc đối với vùng biển và vùng trời ở biển Đông. Trung Quốc không được phép sử dụng các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trên biển Đông để gây sức ép đối với các nước láng giềng hoặc để hạn chế quyền tự do hàng hải, tự do bay ở biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải, tự do bay bằng cách tiếp cho máy bay bay qua, cho tàu bơi qua và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
“Nếu có tình huống bất ngờ xảy ra, Mỹ và các đồng minh, đối tác phải đủ năng lực hạn chế khả năng tiếp cận cũng như sử dụng các đảo nhân tạo để tạo mối đe dọa với Mỹ hoặc các đồng minh, đối tác của nước này”, ông Tillerson nói. Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu muốn ngăn chặn các hành động gây mất ổn định của Trung Quốc và tái bảo đảm với các đồng minh, đối tác rằng, Mỹ sẽ sát cánh với họ trong việc duy trì luật lệ, chuẩn mực quốc tế.