Lãnh án vì xuyên tạc sự thật
Ngày 5/9, ông Lê Đức Tuyên, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm đến nay, sở đã xử phạt 10 trường hợp thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 và 1 trường hợp cổ xúy mê tín, dị đoan trên mạng xã hội.
Gần nhất, ngày 30/7, T.B.V (SN 1995, trú xã Yang Bắc, huyện Đắk Pơ) - chủ Facebook Binh Vuong Thai - chia sẻ Clip có nội dung: “Rồi ai thấy Chính phủ làm gì cho dân chưa? Tăng xăng, tăng điện, bán vắc-xin giá cắt cổ, lùa dân vào siêu thị sân sau của quan chức… Số người nghèo nhận hỗ trợ đếm trên đầu ngón tay. Tất cả quan chức từ thành phố tới tổ dân phố huy động con cháu, dòng họ của mình đi nhận hỗ trợ hết”. Ngày 18/8, T.B.V đã bị Sở TT&TT Gia Lai xử phạt 5 triệu đồng theo Nghị định 15 của Chính phủ trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.
Trước đó, ngày 26/7, ông N.T.L (SN 1981, trú TP Pleiku) sử dụng trang Facebook cá nhân chia sẻ thông tin từ bài viết “Cuộc tháo chạy vĩ đại” với nhiều thông tin sai sự thật. Ví như: “Giữa cơn bão dịch, người ta thấy sự bất lực của mọi tầng lớp nhân dân, sự yếu kém của Chính phủ. Đầy rẫy sự bất công trong các khu cách ly, tiền hỗ trợ của Chính phủ đều được chia cho gia đình tổ dân phố… Quốc hội không bàn tới cách giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo”. Ngày 30/7, Thanh tra Sở TT&TT Gia Lai đã xử phạt ông L 7,5 triệu đồng và buộc yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm. Tuy nhiên, ông L không nhận sai. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang xử lý trường hợp này.
Trong lúc Chính phủ chỉ đạo các tỉnh khẩn trương giải ngân gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 thì ông T.C.D (SN 1971, trú phường Thắng Lợi, TP Pleiku) Livestream, phát trực tiếp lên Facebook: “Gói 62.000 tỷ đồng không đến được người dân, chỉ đến với tổ trưởng tổ dân phố”.
Chống dịch tốt… cũng bị xuyên tạc
Tại Tây Nguyên, đến thời điểm này, Gia Lai là địa phương chống dịch COVID-19 khá tốt. Tuy vậy, nhiều trường hợp như H.X.H (SN 1987), N.V.H (SN 1957, cùng trú TP Pleiku) lại đăng lên Facebook rằng: “Gia Lai đang loạn, để lọt người nhiễm COVID-19 nhiều lắm”; “Không biết lý do gì mà các chốt để lọt 1 ca F0 từ vùng dịch về TP Pleiku, tự do đi giao hàng, rửa xe, đi cà phê, ăn sáng, mua hàng… dịch lây lan khắp đất nước”.
Tại Gia Lai, người dân ở các tỉnh khác, vùng dịch về được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện đưa đi cách ly, ăn ở… Tuy nhiên, một số cá nhân vẫn lên mạng xã hội xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực chống dịch của tỉnh. Đơn cử trường hợp L.T.D.T (SN 1997, trú huyện K’Bang) cho rằng: “Tỉnh bỏ rơi hành khách ở sân bay, không cho đi cách ly”. Ông N.T.T (SN 1986, trú phường An Phú, thị xã An Khê) lại khuyên: “Người dân vùng dịch đừng về, về là bị huyện Đức Cơ bắt tiêm vắc-xin với giá 2,2 triệu đồng”. Đây là những thông tin sai sự thật và đều bị xử phạt.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch TP Pleiku khuyến cáo: “Với góc độ chính quyền, chúng tôi khuyên người dân nên chọn lựa tin tức từ những trang báo chính thống để đọc. Hoặc lên trang web của các cơ quan quản lý nhà nước (UBND các xã, thành phố, UBND tỉnh) để đọc tin chính thống. Hạn chế lấy thông tin từ các trang mạng xã hội vì ở đó đầy rẫy tin một chiều, phiến diện, thậm chí bóp méo, xuyên tạc về dịch COVID-19”.
Theo ông Lê Đức Tuyên, Chánh thanh tra Sở TT&TT tỉnh Gia Lai, những người vi phạm, khi bị mời lên làm việc, đều nhận sai, viện cớ thiếu am hiểu pháp luật. Những thông tin sai này lan truyền rất nhanh, gây hoang mang trong nhân dân.