Xung đột Nga - Ukraine ngày 8/7: Nga tấn công mục tiêu quân sự phía tây Ukraine, máy bay chiến đấu Ba Lan xuất kích

TPO - Máy bay chiến đấu của Ba Lan và đồng minh đã xuất kích khi quân đội Nga tấn công các mục tiêu ở Ukraine đêm 7/7 rạng sáng 8/7.

Bộ chỉ huy tác chiến Lực lượng vũ trang Ba Lan cho biết: "Hoạt động của máy bay tầm xa Nga đã được ghi nhận đêm 7/7, liên quan đến các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu ở nhiều khu vực, bao gồm vùng phía tây Ukraine".

Quân đội Ba Lan cũng lưu ý rằng mức độ tiếng ồn có thể sẽ tăng lên do việc máy bay của Ba Lan và đồng minh xuất kích.

Lần gần đây nhất Ba Lan điều động máy bay vì Nga tấn công các mục tiêu ở Ukraine là vào đêm 21-22/6.

Theo Pravda, trong đêm 7/7, bốn máy bay chiến lược Tu-95 đã cất cánh từ sân bay Olenya ở Nga. Đến 1h30, các máy bay khai hỏa và những tên lửa đầu tiên được phát hiện trên không phận Ukraine lúc khoảng 14h30. Cảnh báo không kích kéo dài đến 3h52.

Ảnh vệ tinh hé lộ hậu quả vụ tấn công kho đạn dược Nga

Hình ảnh vệ tinh về hậu quả của vụ hỏa hoạn tại một điểm lưu trữ đạn dược gần các làng Pogorelovka và Sergeyevka ở quận Podgorenskiy thuộc vùng Voronezh của Nga đã được công bố.

Hình ảnh cho thấy hai đám cháy với khói dày đặc bốc lên từ hiện trường.

Hình ảnh trước...

... và sau vụ tấn công. Ảnh: Pravda

Vụ cháy bùng phát ngày 7/7 sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các cơ sở này. Chính quyền địa phương cho biết các máy bay không người lái đã bị bắn hạ, nhưng mảnh vỡ của một chiếc máy bay đã rơi xuống khiến một tòa nhà bốc cháy.

Nhà kho Sergeyevka là nơi cất giữ tên lửa đất-đối-đất và đất-đối-không, đạn pháo cho xe tăng cũng như hộp đạn cho súng cầm tay.

Tổng thống Ukraine thăm Odesa

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm Odesa trong ngày 7/7 nhân ngày Hải quân Ukraine.

Đồng hành cùng ông Zelensky có Caspar Veldkamp và Ruben Brekelmans - Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan; John Healey - Bộ trưởng Quốc phòng Anh; Dmytro Kuleba - Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Rustem Umierov - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine; Oleksandr Syrskyi - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine; Oleksii Neizhpapa - Tư lệnh Hải quân Ukraine; Oleh Kiper - Cục trưởng Cục Quân sự tỉnh Odesa; và Andrii Yermak - Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine.

Trong chuyến thăm, ông Zelensky đã trao huân huy chương cho các binh sĩ Ukraine và đặt vòng hoa tưởng nhớ những người đã hi sinh tại đài tưởng niệm liệt sĩ hải quân ở cảng Odesa.

Ảnh: Pravda

Ukraine nói cần tàu ngầm để tăng cường sức mạnh trên Biển Đen

Ukraine cần tàu ngầm để tăng cường khả năng quân sự ở Biển Đen, Tư lệnh Hải quân - Đô đốc Aleksey Neizhpapa nói. Ông lập luận rằng việc triển khai tàu ngầm có thể cải thiện vị trí của Ukraine trên Biển Đen trong cuộc xung đột với Nga.

"Chúng tôi đang suy nghĩ về điều đó. Tàu ngầm cần thiết với chúng tôi, chúng nên là một phần của hải quân", ông Neizhpapa nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Natalya Moseychuk đăng trên kênh YouTube của cô hôm thứ Bảy (6/7).

Tư lệnh Hải quân Ukraine nói thêm rằng nước này không cần tàu ngầm cỡ lớn vì “chúng vô dụng ở Biển Đen”.

"Chỉ hoạt động ở gần Odesa sẽ không có ý nghĩa gì. Chúng ta cần nhìn xa hơn, dàn trải hạm đội khắp Biển Đen và tận dụng toàn bộ các khu vực", ông Neizhpapa nói, đồng thời bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ "từ một quốc gia ven biển trở thành một cường quốc hàng hải".

Chủ tịch Trung Quốc gặp Thủ tướng Hungary

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban khi ông Orban đến Bắc Kinh để thực hiện "sứ mệnh hòa bình", Tân Hoa Xã đưa tin sáng 8/7.

Thông tin chi tiết về cuộc gặp và chủ đề thảo luận vẫn chưa được tiết lộ. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Hungary gọi chuyến thăm Bắc Kinh là "sứ mệnh hòa bình 3.0".

Tuần trước, ông Orban đã tới Kiev gặp Tổng thống Ukraine Zelensky trong nỗ lực thuyết phục Kiev xem xét các cuộc đàm phán ngừng bắn với Mátxcơva. Sau đó, ông có chuyến thăm bất ngờ tới Nga để tìm ra “lối thoát ngắn nhất” cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Trung Quốc, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nga, đang cố gắng kêu gọi các nước tham gia kế hoạch hòa bình sáu điểm mà nước này đã đề xuất cùng với Brazil hồi tháng 5.

Thủ tướng Hungary từng nhiều lần chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Ông cũng là lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có mối quan hệ nồng ấm nhất với Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga.

Hungary đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Trung Quốc, trái ngược với một số quốc gia EU khác đang tìm cách ít phụ thuộc hơn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chuyến đi Trung Quốc của ông Orban diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm thảo luận việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine.

Chuyến đi Trung Quốc cũng diễn ra sau khi Ủy ban châu Âu xác nhận vào tuần trước rằng sẽ áp dụng mức thuế lên tới 37,6% đối với hàng nhập khẩu xe điện sản xuất tại Trung Quốc.

Theo Pravda, Tass, RT