Giúp người lao động di cư tiếp cận BHXH
Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, với đặc điểm chung đường biên giới, LĐ di cư là một trong những ưu tiên lớn trong hợp tác tiểu vùng. Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thúc đẩy người dân tại các tỉnh biên giới không ngừng di cư qua biên giới tìm kiếm việc làm. “Hội nghị lần này nhằm quản lý tốt LĐ di cư, đặc biệt đảm bảo việc đóng và hưởng BHXH. Các ý kiến của đại biểu tham dự sẽ giúp mỗi bên có thêm thông tin về luật pháp, chính sách về BHXH với lao động đến và đi. Đồng thời cân nhắc xúc tiến liên thông BHXH giữa 5 nước”, ông Diệp nói.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017, hơn 81.000 người LĐ nhập cư vào Việt Nam, với công việc chính là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và LĐ kỹ thuật. Chỉ có khoảng 5% số người LĐ nhập cư thuộc đối tượng khác như sinh viên, thân nhân của thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. LĐ nhập cư vào Việt nam chủ yếu theo hợp đồng, di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và hợp đồng, thoả thuận kinh tế, thương mại. Trong đó, số LĐ nhập cư từ các nước tiểu vùng Mê Kông khoảng 1.000 người, trong đó chủ yếu đến từ Thái Lan. Số LĐ này làm việc ở vị trí quản lý, giám đốc điều hành hoặc LĐ kỹ thuật.
Bên cạnh số LĐ nhập cư, hàng năm Việt Nam cũng có số lượng lớn LĐ ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu chính thức về LĐ Việt Nam làm việc tại các nước tiểu vùng, nhưng tại Lào có khoảng 20.000 LĐ Việt Nam (theo các công trình có nhà thầu Việt Nam); 6.000 người khác theo diện tự do; khoảng 50.000 người làm việc theo hình thức tự do tại Thái Lan…
Ðảm bảo lợi ích BHXH người LÐ
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, luật pháp Việt Nam đã quy định đầy đủ về chính sách BHXH với LĐ nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Theo đó, họ được hưởng đầy đủ chính sách BHXH, như ốm đau, thai sản, hưu trí, bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp… Đối với người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chính sách BHXH tùy theo loại hình hợp đồng. Với hợp đồng đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo các gói thầu, nhận thầu hoặc tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa LĐ đi làm việc, người LĐ sẽ được hưởng 5 chế độ gồm ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Với loại hợp đồng này, người LĐ đóng 8% tiền lương tháng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng LĐ đóng 14% lương tháng vào quỹ hưu trí tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp.
Với 3 loại hợp đồng khác (xuất khẩu lao động, thực tập nghề, hơp đồng cá nhân), người LĐ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Trong đó, người LĐ đóng 22% tiền lương tháng tính đóng BHXH trước khi đi làm việc nước ngoài (với người đã tham gia BHXH bắt buộc), và đóng 22% của 2 lần mức lương cơ sở (với người chưa có BHXH bắt buộc). Người LĐ đóng theo kỳ 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng 1 lần, hoặc đóng trước 1 lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng LĐ. Người LĐ có thể đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH hoặc thông qua doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Nam với việc đàm phán, xây dựng chính sách liên thông BHXH cho người LĐ di cư, sẽ giúp tránh tình trạng người LĐ phải đóng BHXH 2 lần, và đảm bảo quyền lợi BHXH cho LĐ. Đồng thời, tạo động lực để cơ quan BHXH nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, nâng cao năng lực phục vụ của cán bộ công chức. “Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định song phương về BHXH với Đức và Hàn Quốc. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản đang trao đổi để chuẩn bị xúc tiến đàm phán theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao 2 nước trong Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản”, ông Nam cho biết.
Để đảm bảo vấn đề BHXH với LĐ di cư, đại diện Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị các quốc gia tiểu vùng, cần tăng cường ký kết các Hiệp định song phương về BHXH giữa các nước, tiến tới ký kết hiệp định đa phương. Các quốc gia cũng cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống tổ chức thực hiện để thực hiện các thủ tục giải quyết chế độ BHXH với người LĐ nước ngoài. Ngoài ra, các nước cần mở rộng hình thức thanh toán để người LĐ có thể nhận được lợi ích từ chế độ an sinh xã hội.
Ông Markus Ruck, Chuyên gia cao cấp về An sinh xã hội thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng: Lao động di cư trong khu vực ASEAN ngày càng tăng. Tuy nhiên, họ phải đối mặt nhiều thách thức, như rào cản pháp lý, trường lao động, chương trình an sinh… Với lao động di cư, việc quan trọng hàng đầu của cơ quan chức năng là phát triển mạng lưới toàn diện các thoả thuận BHXH giữa các quốc gia ASEAN, dưới hình thức thoả thuận đa phương. Từ đó các nước có biện pháp hỗ trợ lẫn nhau để tăng cường tiếp cận BHXH của người lao động di cư.