“Ở Hà Nội thì hay gặp nhau hơn nhưng cũng không phải bạn bè theo kiểu cánh hẩu đâu, cùng nghề nghiệp mà yêu quý nhau thôi”, Phó Đức Phương nói với tôi về khởi đầu của bộ tứ. “Tự người ta ghép vào. Người ghép đầu tiên là Nguyễn Thụy Kha. Cách đây 2-3 chục năm”.
Phó Đức Phương nhấn mạnh 4 người không phải “cánh hẩu” (từ thời bao cấp chỉ những người chơi với nhau vì chung quyền lợi), mà có khi còn không thân bằng những người mình làm việc hàng ngày: “Mối quan hệ bạn bè thú vị nhất là trong công việc, phải đi thu thanh, làm việc với nhau, gắn bó, lao động cật lực ra, uống bia bọt uống rượu. Đấy là những người gần gũi hồn nhiên nhất”. Dương Thụ mới đây khẳng định họ là những người bạn bình thường, chơi với nhau không vì nổi tiếng, lập nhóm không phải để tuyên ngôn, nhưng thân thiết như ruột thịt.
NGUYỄN CƯỜNG TRONG KHUÔN KHỔ
Trong bộ tứ, Nguyễn Cường có tinh thần thể thao, sinh hoạt điều độ nhất. Nếu Phó Đức Phương chỉ dằn túi mỗi Suối nguồn tươi trẻ thì: “Nguyễn Cường lắm bài lắm, đi bộ, đi bơi… Tóm lại về chế độ luyện tập Nguyễn Cường là nghiêm nhất, chuẩn nhất”, Phó Đức Phương nhận định. “Nguyễn Cường mấy chục năm nay sáng nào cũng đi bộ một tiếng gì đấy quanh Bờ Hồ. Trông thì rất sì-po, nhưng lại khỏe trong một chế độ phải trai giới giữ gìn, đúng giờ phải được ăn, đúng giờ phải được ngủ, không được uống rượu... Không được nóng hay lạnh quá. Đi ô-tô với ông ấy buồn cười lắm. Vừa mới lên nóng quá nóng quá, bật điều hòa lên, xong lúc sau lại lạnh quá… Tức là ông ấy khỏe trong một đường ray chuẩn mực, muỗi, nồm ẩm, nóng khô, lạnh không chịu được. Còn mình thì bạt mạng, cái gì cũng chơi. Chả bỏ cái gì. Ông ấy không thuốc mình thì 2 bao, ông ấy không rượu mình thì vô tư”.
Chuyện này nữa thì đúng là mất hết hình ảnh “Cường cuồng nhiệt”- biệt hiệu Dương Thụ đặt cho. “Ông Nguyễn Cường cùng cả tốp nhạc sĩ đến động Phong Nha”, Phó Đức Phương kể. “Mất công đến nơi mọi người xuống, ông bảo thôi kinh bỏ xừ, tối tăm ẩm thấp”… Và cố thủ chờ bên ngoài.
Trong bộ tứ, âm nhạc Nguyễn Cường gần với Phó Đức Phương ở chất hào sảng và đậm đà dân gian, nhưng tính cách lại có nét đối lập nhau như vậy. Nên Nguyễn Cường càng nể bạn mình. Còn nhớ dạo Trung tâm của Phó Đức Phương bị nghi ngờ về chi trả tác quyền, nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng bênh vực. Mà hùng hồn nhất chính là Nguyễn Cường: “Ông Phương làm được việc trong giới nghệ thuật phải nói là long trời lở đất. Tiên phong và thành công. Phương không chỉ là tài năng mà còn là một thương hiệu thì anh em mới đến giao quyền đại diện. Trước khi có Trung tâm này, tôi không có đồng nào. Tôi làm nghệ thuật tính đến giờ gần 40 năm. Từ khi có Trung tâm tác quyền, tôi mới có tiền. Đó là việc vô cùng ý nghĩa. Cho nên tôi không quan tâm về chuyện có bao nhiêu. Điều đó với tôi quá vui rồi. Điều có ý nghĩa lớn hơn nữa là một nhạc sĩ thuộc hàng số một của Việt Nam đã phải hy sinh sức sáng tạo của mình để làm việc cho anh em. Thí dụ như tôi, có trả tôi mỗi tháng một tỉ để tôi làm cái việc như anh Phó Đức Phương tôi cũng không làm. Vì tôi không đủ cái tâm hy sinh việc sáng tác của mình để phục vụ anh em”.
Và tất nhiên Nguyễn Cường dùng rất nhiều từ mạnh để nói về những người “vô ơn” với Trung tâm. Ông cho rằng họ chưa hiểu hết công việc mà Phó Đức Phương làm: “Một ông nhạc sĩ bỏ hết công việc của mình để đi đến từng nơi sử dụng âm nhạc để có hàng bao nhiêu tỉ cho cộng đồng này. Xúc động lắm chứ không phải ý nghĩa đồng tiền”. Nếu được nghe trực tiếp Nguyễn Cường nói sẽ càng thấy xúc động bởi ông có tốc độ nói nhanh hơn cả hơi thở.
DƯƠNG THỤ CHẮC THÀNH CHẬM
Không phải Phó Đức Phương muốn “bôi xấu” các bạn, mà chẳng qua tôi lại khoái nghe mấy chuyện bên lề. Còn về âm nhạc của bộ tứ, Phó Đức Phương đã tổng kết trên báo: “Trần Tiến tạm gọi là đa tình, đầy ngẫu hứng. Chất diễn của Tiến khéo léo hơn cả trong bốn người. Dương Thụ có xu hướng thiên về vẻ đẹp của thời kỳ lãng mạn cổ điển phương Tây, đương nhiên đã được Việt Nam hóa và... Dương Thụ hóa. Nguyễn Cường nóng bỏng, dữ dội và hết sức trực diện. Ngoài Tây Nguyên, Nguyễn Cường còn đi sâu vào mảng dân gian của khắp các vùng miền. Còn tôi, phải nói rằng chất dân gian ăn vào máu thịt hơi thở, thấm đẫm trong âm nhạc của tôi. Không theo cách trực diện như Nguyễn Cường, khéo léo như Trần Tiến và càng không ‘classic’ như Dương Thụ. Nó là sự tiềm tàng”…
Chuyện của Phương và Thụ đã thành một “giai thoại” của lịch sử. Những năm 1960, người ta xét cho sinh viên học trường gì là theo lý lịch. Thường con nhà bị coi là tư sản sẽ phải học Sư phạm. Thế đã là ưu ái rồi, vì thời đó có câu “Nhất Y nhì Dược tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm đứng chót”.
Cùng khóa Sư phạm năm đó, Phó Đức Phương học Toán Lý, Dương Thụ học Văn. Cuối năm thứ hai, hai ông bàn nhau phải “chết bên phím đàn”. Theo nhà thơ Hoàng Hưng (cũng học Sư phạm Văn) thì Phó Đức Phương đã lén thi sang Nhạc viện và đỗ đầu, nhưng tất nhiên ai cho chuyển trường. Phương ta bèn giả vờ làm đơn lấy cớ gia cảnh khó khăn, xin thôi học để đi lao động. Thầy hiệu trưởng lúc đó là nhà thơ Phạm Huy Thông hình như cũng đoán biết ý đồ của học trò vì Phương hoạt động văn nghệ ở trường rất mạnh, nhưng vẫn cho Phương chuyển sang lao động tại nông trường kết nghĩa với trường ở Hòa Bình và sẵn sàng đón Phương quay lại trường. Lúc đó chỉ còn một học kỳ thực tập nữa là có bằng nhưng Phương vẫn quyết chí đi.
“Đã bảo là máu mà lại”, Phó Đức Phương kể. “Ông Dương Thụ vì tính toán, học nốt năm thứ ba thì phải đi dạy học. Một mặt, ông ấy có học bổng không thể bịa dễ như mình. Thứ hai, lại cứ muốn lấy nốt cái bằng. Thì người ta điều đi chứ, chống đối à”?! Và thế là tác giả Họa mi hót trong mưa phải mất thêm mấy năm dạy học trên Sơn La. Trong thời gian đó ông tự học nhạc và mấy lần đỗ Nhạc viện nhưng đều không được tạo điều kiện cho đi học. Mãi 5 năm sau, khi Phó Đức Phương tốt nghiệp ngành Sáng tác, Dương Thụ mới lò dò vào Nhạc viện. “Số mệnh và lịch trình của mỗi người như phần mềm, cài đặt lệch đi chút thì nó khác chút”, Phó Đức Phương kết luận.
Phó Đức Phương tặng Dương Thụ chữ “sang”, tự nhận về mình chữ “tàng” (chắc là “ngang tàng”). Bộ tứ thì phong “giáo sư” cho Dương Thụ vì khoa nói cứ gọi là văn chương lai láng. Dương Thụ khiêm tốn: “Được làm bạn với 3 ông này, tôi sang lên nhiều. Tôi lớn tuổi nhất nhưng kém nổi tiếng nhất. Tôi không ghen tị, chỉ xấu hổ khi ngồi cạnh người nổi tiếng.” Dương Thụ kể trong một cuộc thù tiếp, mọi người tíu tít đến chúc rượu Trần Tiến. Trần Tiến mới giới thiệu đây Dương Thụ, cũng là nhạc sĩ. Thế là mấy người kia cũng sang chúc rượu Dương Thụ nhưng Dương Thụ cho rằng họ chúc giả vờ, vì vẫn chẳng biết ông là ai. Dương Thụ khẳng định trong nhóm “nổi tiếng sớm nhất, bền nhất và không bị cũ” chính là Phó Đức Phương. “World-music, phát triển dân gian không ai làm được như Phó Đức Phương,” Dương Thụ nhận định. “Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân ngày xưa có cái hay, nhưng nghe nó khác. Phải thời đại này, ở mức độ nào của cuộc sống, của văn hóa mới đẻ ra cái đó.”
TRẦN TIẾN GỬI PHÓ ĐỨC PHƯƠNG
“Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết. Ta không sợ chết, chỉ sợ sống chưa đủ.
Tôi không biết chắc anh Phương còn thiếu điều gì chưa làm xong, vợ anh đẹp, con anh khôn làm nhạc giỏi hơn cha là nhà có phúc. Anh lo cho đồng nghiệp chuyện bản quyền bạc cả tóc, lại chạy vạy cùng tôi làm đơn lên Chính phủ cứu thủ đô dừng làm tàu điện trên cao Cát Linh- Hà đông khiến phố phường bị phá nát. Anh bỏ viết nhạc làm những điều mình cho là đúng. Chắc anh còn điều gì đó mà thấy mình sống chưa đủ.
Tôi cũng như mọi người Việt yêu nhạc thì thấy anh đã sống đủ rồi. Chỉ cần vài khúc ca để lại trên đời rồi bay đi. Thế là đủ một cái tên Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Những khúc ca như dấu chim thiêng không phải ai cũng có, rồi sẽ lẫn lộn và bay đi cả đàn rợp trời nhiều thế kỷ, biết dấu chân nào của anh Phương, anh Hoàng Vân, Đỗ Nhuận... Nhưng ai cũng biết đó là loài chim của thiên đường, của người nhà Trời.
Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng mấy ai biết sống sao cho tử tế như các anh. Chia tay anh vài dòng như lời tự nhủ thôi. Ở nơi anh đến, nhớ kiếm vài hòn đá trong rừng yên tĩnh, để nhóm bốn anh em cùng ngồi. Bên ly rượu hồ đào, bên một nàng tiên ít nói. Mình nhâm nhi và lặng lẽ ngắm cái đẹp với một chút lâng lâng. Thế người ta gọi là trời đánh cũng chưa chết.
Với tôi, sống hay chết không quan trọng bằng, bạn có hạnh phúc không”.
Nhạc sĩ Trần Tiến