Xuất hiện 'quán quân thua lỗ' trên sàn chứng khoán

TPO - Tuần này, hàng loạt doanh nghiệp trả cổ tức với tỷ lệ rất cao, trong khi Công ty CP Thủy sản Số 4 đã lỗ ròng gần 566 tỷ đồng và trở thành "quán quân thua lỗ" trên sàn chứng khoán trong quý I vừa qua. Thông tin đáng chú ý khác là hơn 10 triệu cổ phiếu SD4 của Công ty CP Sông Đà 4 sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

10 triệu cổ phiếu SD4 bị hủy niêm yết

Từ ngày 22 - 26/5, có 44 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức. Trong đó, 39 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 4 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức tiền mặt khá cao. Cụ thể, Tổng công ty CP May Việt Tiến (mã chứng khoán: VGG) cho biết, ngày 23/5 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 25%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 26/6.

Công ty CP Dệt may Hòa Thọ sẽ chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền và bằng cổ phiếu năm 2022 với tổng tỷ lệ 60%.

Vào ngày 25/5, Công ty CP Phú Tài (mã chứng khoán: PTB) sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 28/6. Hồi đầu tháng 1, PTB đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.

Công ty CP Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (mã chứng khoán: APF) sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền tỷ lệ 30%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/5. Với gần 23 triệu cổ phiếu đang lưu hành, APF cần chi 68 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến là vào ngày 9/6/2023. Trước đó, APF đã trả cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền với tỷ lệ 15%.

Ngày 26/5, Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (mã chứng khoán: HTG) sẽ chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền và bằng cổ phiếu năm 2022 với tổng tỷ lệ 60%, gồm 40% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu. Đây cũng là mức chi trả cao nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền là 15/6/2023.

Tập đoàn Cotana (mã chứng khoán: CSC) chốt quyền chi cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:22, tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 22 cổ phiếu mới. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/5. Với hơn 25,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính CSC sẽ phát hành 5,6 triệu cổ phiếu mới, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 311 tỷ đồng.

Ngày 14/6 tới, hơn 10 triệu cổ phiếu SD4 của Công ty CP Sông Đà 4 sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng giá trị hủy niêm yết là 103 tỷ đồng. Nguyên nhân cổ phiếu SD4 bị hủy niêm yết là do báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp này có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong 3 năm liên tiếp, từ 2020 đến 2022.

Công ty CP Thủy sản Số 4 thua lỗ nặng nhất sàn chứng khoán trong quý I/2023.

Giải trình về việc này, SD4 cho biết công ty đang tích cực làm việc với các chủ đầu tư nhằm thu hồi công nợ tồn đọng nhưng kết quả đạt được còn thấp. Do đó, kiểm toán tiếp tục nêu ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính được lập vào ngày 31/12/2022 với khoản công nợ này.

Thủy sản Số 4 lỗ đậm nhất sàn chứng khoán

Quý I/2023 là quý thứ 10 bị lỗ liên tiếp và cũng là quý bị lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết (năm 2002) của Công ty CP Thủy sản Số 4 (mã chứng khoán: TS4). Theo đó, trong quý I, doanh thu của TS4 đạt gần 54 tỷ đồng, gấp gần 11 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty lại kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp hơn 563 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí phát sinh, TS4 lỗ ròng gần 566 tỷ đồng và trở thành quán quân thua lỗ trên sàn chứng khoán trong quý đầu tiên của năm 2023. Đây cũng là quý bị lỗ thứ 10 liên tiếp của công ty kể từ quý 4/2020, qua đó nâng lỗ lũy kế đến cuối quý I/2023 của TS4 lên hơn 770 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 500 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của TS4 là hơn 306 tỷ đồng, giảm 66% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt chỉ hơn 620 triệu đồng. Đến cuối quý 1/2023, nợ phải trả của TS4 lên tới gần 818 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC) sẽ giải ngân 1.000 tỷ đồng từ đợt chào bán riêng lẻ sắp tới. Cụ thể, Địa ốc Hoàng Quân chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng, cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Số tiền huy động, HQC dự kiến giải ngân từ quý III đến quý IV/2023. Trong đó, 400 tỷ đồng dùng để nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu của Công ty CP Đầu tư Thành phố Vàng và 600 tỷ đồng mua cổ phần trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty CP Đầu tư Thành phố Vàng để bổ sung vốn cho dự án nhà ở xã hội Thành phố Vàng.

Hội đồng quản trị Ngân hàng Techcombank (mã chứng khoán: TCB) sẽ cấp khoản tín dụng cho Công ty Phúc Long Heritage, thông qua giao dịch ký kết hợp đồng tín dụng và các văn bản tài liệu liên quan.

Techcombank cho Phúc Long vay 350 tỷ đồng.

Theo đó, Techcombank sẽ cung cấp gói tín dụng có hạn mức 100 tỷ đồng để Phúc Long bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong 12 tháng. Techcombank cũng cấp hạn mức tín dụng trung dài hạn 250 tỷ đồng để Phúc Long mở rộng mạng lưới, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong 24 tháng.

Gói vay có hạn mức trên sẽ được bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang bởi Công ty TNHH The Sherpa - một thành viên của Tập đoàn Masan. The Sherpa sẽ chịu toàn bộ nghĩa vụ tài chính của Phúc Long phát sinh tại Techcombank theo các hợp đồng tín dụng đã được ký.

Phúc Long là chuỗi đồ uống đã được Masan mua lại từ giữa năm 2021 và hiện trở thành công ty mẹ nắm giữ khoảng 85% vốn điều lệ. Báo cáo kinh doanh quý I/2023 của Masan ghi nhận tổng doanh thu Phúc Long tiếp tục tăng trưởng hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các cửa hàng flagship đạt mức tăng trưởng lên đến 11,8% với 311 tỷ đồng.