Xử lý báo chí đăng tin về nước mắm nhiễm asen là đúng quy định

TPO - Đại diện Bộ TT&TT cho biết, 50 cơ quan báo chí bị xem xét xử phạt trong vụ việc đưa tin sai sự thật về nước mắm nhiễm asen là đúng quy định của pháp luật về báo chí. 

Chiều 7/11, Bộ thông tin và Truyền Thông tổ chức hội nghị triển khai Luật Báo chí 2016 khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, Luật Báo chí 2016 gồm 6 chương với 61 điều, trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Luật Báo chí sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo.

Trao đổi bên lề Hội nghị, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Báo chí 2016 đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí. Trong đó có nhiệm vụ “góp phần ổn định chính trị, kinh tế - xã hội”, bởi thời gian qua đã có những vụ việc cơ quan báo chí đăng tải và lan truyền rất rộng gây ra tác hại rất lớn. 

Ông Phúc đưa ví dụ 50 cơ quan báo chí bị xem xét xử phạt trong vụ việc đưa tin sai sự thật về nước mắm nhiễm asen. Việc xử lý này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về báo chí. 

Lãnh đạo Cục Báo chí cho biết, nếu báo chí đăng lại lời của những người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước thì không phải chịu trách nhiệm về những nội dung đã đăng.

Tuy nhiên trong trường hợp VINASTAS, tổ chức này không phải là cơ quan hành chính nhà nước lại công bố khảo sát liên quan tới chức năng của cơ quan về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. 

Như vậy là tổ chức này đưa thông tin không đúng chức năng của mình. Bên cạnh đó, còn có một số báo rút tít sai lệch bản chất như: Nước mắm có chất ung thư hoặc thạch tín có tỷ lệ vượt ngưỡng cho phép…