Sau cơn bão số 3 đổ bộ Hà Nội, người dân nơi đây chưa kịp sửa sang lại nhà cửa thì lại "chạy lũ" trong đêm khi mực nước sông Hồng bất ngờ dâng cao. Sau những ngày di tản, khi trở về, nhiều người dân xót xa khi thấy cảnh tượng tan hoang tại chính nơi mà mình đã gắn bó gần nửa đời người.
Cảnh vật xơ xác, cây cối đổ rạp hai bên đường, nhiều nhà bị tốc mái, sập vách hay thậm chí sập luôn cả "nhà". Những tấm tôn, cành cây, rác lẫn đồ dùng nằm lẩn khuất trong bùn đất, ngổn ngang khắp lối đi.
Men theo con đường nhỏ sâu hun hút dẫn từ cầu Long Biên xuống, xóm phao nằm ẩn mình trong những bụi cây rậm rạp bám đầy bùn đất.
"Xóm phao" nằm ở bãi giữa thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Đây là nơi "ngụ cư" của nhiều người ở Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn... Xóm bắt đầu xuất hiện từ khoảng gần 30 năm về trước khi ông Nguyễn Đăng Được về đây và bắt đầu đặt thuyền mưu sinh. Dần dần nhiều người cũng biết đến và tìm về đây để dựng nhà phao ở. Tuy thành xóm nhưng nơi đây vẫn không có điện, có nước mà phải tự túc hoàn toàn.
Mỗi gia đình trong xóm là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều là những người có hoàn cảnh khó khăn nên phải xa quê để mưu sinh.
Sau khi cơn bão số 3 qua đi, cuộc sống của người dân nơi đây càng trở nên bế tắc hơn khi nhiều tài sản tích cóp của nhiều gia đình cứ thế mà trôi theo dòng nước lũ.
Sau những ngày di tản tránh lũ, người dân trở về dọn dẹp đống đổ nát quanh xóm.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (37 tuổi) đã gắn bó với xóm phao được hơn 20 năm. Hiện chị đang sống cùng con gái nhỏ 5 tuổi tại xóm nhỏ này. Thế nhưng cơn bão lũ vừa qua đã cuốn trôi và làm hư hại hết tất cả những gì mà hai mẹ con chị có, đến căn lều dựng tạm để có chỗ chui ra chui vào cũng đổ sập hoàn toàn.
"Khi chúng tôi và người trong xóm trở về, bàng hoàng trước cảnh tượng trước mắt. Cảnh tượng tan hoang mà hơn 20 năm ở đây tôi chưa từng thấy. Nhà của tôi thì sập, đồ đạc cũng chẳng còn gì. Trong nhà thì bùn đất dày cả mét, dọn 5 ngày nay vẫn chưa sạch hết đất. Giếng nước hư hỏng nên tôi phải xin nước của hàng xóm để dọn dẹp", chị Hạnh ngậm ngùi chia sẻ.
Chị Hạnh cho biết tại xóm gần như nhà nào cũng có giếng nước dạng bơm tay, mấy năm nay một số nhà có hơn chút thì dùng máy để bơm thì đỡ mệt hơn.
Xóm phao không được cấp điện nên người dân ở đây đa phần đều sử dụng điện năng lượng mặt trời. Mấy hôm trước khi bão đến nhà nào cẩn thận thì đem cất hết tấm pin đi và nay trở về đem ra lắp lại.
Trước khi bão xảy ra, UBND phường Ngọc Thụy cũng đã tuyên truyền, thông báo vận động người dân neo đậu phao chắc chắn và nhanh chóng lên bờ để tránh bão.
Anh Sơn (quê Nam Định) cho biết anh đã ở đây được 20 năm nhưng chưa thấy lần nào mà nước dâng cao như lần này.
Nhớ lại đêm nước lũ dâng, anh Sơn kể: "Tối hôm đó nước lên nhanh quá nên tôi bảo gia đình di chuyển đến vùng an toàn trước còn đồ đạc có kịp chạy gì đâu. Giờ trở về, phát hiện đồ đạc bị ngâm nước đã hỏng hết, cái téc nước đã buộc vào cây rồi còn trôi đi tận đâu nay vừa mới đi xin lại, xe máy chưa kịp chuyển đi nên cũng cùng cảnh ngâm nước mấy ngày nay".
Với những căn nhà bị tốc mái sửa sang lại cũng hết vài triệu, còn những ngôi nhà sập dựng lại thì cũng phải 50-60 triệu, có khi hết cả trăm triệu nhưng người dân ở đây đi làm chỉ lo ăn từng bữa nên chẳng biết xoay sở thế nào.
Nhiều ngày gần đây, có một số đoàn thiện nguyện xuống để hỗ trợ đồ ăn, nước cho người dân, hỗ trợ người dân qua lúc khó khăn.
Lâm Thuỳ Dương