Xin cắt bớt Di tích Vườn cam Nguyễn Huệ để lấy đất…làm rẫy

TP - Vườn cam Nguyễn Huệ - Di tích thời Tây Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) có khu vực bảo vệ lên tới 262 ha, chiếm diện tích đất quá lớn, đang được địa phương và ngành chức năng đề nghị thu bớt diện tích để dành đất cho sản xuất.
Di tích quốc gia bị xâm hại, biến thành nương rẫy. Ảnh: Hoài Văn

Vườn cam Nguyễn Huệ hiện giờ chỉ là những ruộng bắp xanh rờn, những chú bò thong thả gặm cỏ và bạt ngàn những keo, bạch đàn. Tuyệt nhiên không tìm được cây cam nào sót lại. 

Ông Đinh Ply - Chủ tịch kiêm Bí thư xã Vĩnh Sơn, cho biết, tình trạng xâm canh, xâm phạm di tích diễn ra lâu nay nhưng chính quyền địa phương đành bất lực bởi không có một cơ sở nào về địa giới quy hoạch di tích.

 “Cấp trên giao xã quản lý, bảo vệ nhưng chúng tôi không thấy có bản đồ, quy hoạch gì hết. Quyết định đưa xuống không khoanh định rõ quy mô, giới hạn cụ thể. Ngân sách cũng không cho đồng nào; xã không có người để cắt cử trông coi”.

Vườn cam Nguyễn Huệ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia ngày 16/1/1995. Tấm bia di tích tại làng Kon Trút ghi “Vườn cam Nguyễn Huệ là một trong những căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII. Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực này là căn cứ cách mạng vững chắc của huyện Vĩnh Thạnh và tỉnh Bình Định”.

Theo hồ sơ quy hoạch vườn cam Nguyễn Huệ, khu vực bảo vệ (trước gọi là bất khả xâm phạm) dài 1.750 m, rộng 1.500 m, diện tích 2.625.000 m2. 

“Hơn 262 ha cho khu vực bảo vệ di tích ngoài trời, tái hiện bằng ký ức cộng đồng là quá rộng, gây khó khăn cho việc khai thác, quản lý và bảo vệ. Hiện, Sở VH-TT&DL Bình Định đang yêu cầu UBND huyện Vĩnh Thạnh khảo sát, điều chỉnh lại quy mô di tích. Luật Di sản cho phép làm vậy. Theo tôi, chỉ cần 3 - 5 ha là vừa đủ”, ông Thọ nói.