Xét xử vụ chạy thận: Xảy ra chết người mới phân công nhiệm vụ?

TP - Ngày 22/5, TAND thành phố Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án vô ý làm chết người khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).
Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa.

Không đấu thầu vẫn có hợp đồng

Tại tòa, các thẩm phán tiến hành xét hỏi đại diện Cty Thiên Sơn về nguồn gốc máy chạy thận và các hợp đồng liên quan. Theo cáo trạng, ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng với Cty Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận. Cty Thiên Sơn đã không trực tiếp sửa chữa, ký lại hợp đồng với Cty xử lý nước Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Bị cáo Quốc sau đó sửa chữa nhưng để tồn dư axit, khiến 9 bệnh nhân tử vong.

Tại tòa, đại diện Cty Thiên Sơn thừa nhận có ký hợp đồng với bệnh viện vào ngày 25/5/2017. Căn cứ trong hợp đồng dựa trên Luật đấu thầu nhưng thực tế, Thiên Sơn chỉ nhận báo giá của BV Hòa Bình, không tham gia đấu thầu.

Chủ tọa đặt câu hỏi, Thiên Sơn có bao giờ bị xử lý về các hợp đồng với BV Hòa Bình và Trâm Anh. Đại diện Cty đáp: “Ngày 29/5/2017 và đầu năm 2018, chúng tôi có nhận 2 quyết định của BV Hòa Bình về xử lý hành chính và không trả tiền cho Thiên Sơn theo hợp đồng. Chúng tôi không đồng ý với BV Hòa Bình nhưng chúng tôi thấy đây là quyết định hành chính. Chúng tôi sẽ xác định thiệt hại sau phiên tòa này, khởi kiện ở vụ án khác”.

Cũng theo vị này, tại BV Hòa Bình, có 13 trong số 19 máy chạy thận được Thiên Sơn lắp đặt hình thức xã hội hóa. Hiện tại, Cty Thiên Sơn đã bàn giao 8 máy, còn 5 máy thuộc sở hữu của Thiên Sơn. “Thiên Sơn đặt máy xã hội hóa ở bệnh viện, khi đủ ca chạy ví dụ 4.500 ca chạy thận và bệnh viện trả 1 khoản tiền nhất định thì máy thuộc sở hữu của bệnh viện” - đại diện Cty Thiên Sơn nói. Về việc “ăn chia” trong chạy thận, phía Thiên Sơn cho biết, hợp đồng quy định Cty hưởng 90%, BV Hòa Bình hưởng 10%.

Khai theo chỉ đạo của Trưởng khoa

Tại tòa, kiểm sát viên cũng hỏi ông Đinh Tiến Công - Điều dưỡng trưởng  về việc ông này thay đổi lời khai, nói tại tòa đã ghi thêm nội dung nhiệm vụ của bị cáo Hoàng Công Lương vào sổ. Kiểm sát viên đề nghị ông Công xác nhận lời khai nào là đúng, vị này đáp: “Tôi xác nhận lời khai hôm qua là đúng”.

Về lý do thay đổi lời khai, ông Công cho rằng bản thân ông lúc đó chưa xác định được trách nhiệm của mình với việc ghi chép nội dung các cuộc họp. Việc ghi nội dung phân công nhiệm vụ cho Hoàng Công Lương được ông Công thực hiện dưới sự chỉ đạo của trưởng, phó khoa là các bác sĩ Hoàng Đình Khiếu và Hoàng Công Tình. 

Được lên đối chất, ông Hoàng Đình Khiếu cho biết, ông là Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Khi sự cố xảy ra, nhiều giấy tờ và hồ sơ liên quan chưa hoàn thiện nên ông đã chỉ đạo cấp dưới hoàn tất những thủ tục còn dang dở. “Điều dưỡng Công ghi vào sổ như thế nào, cái đó tôi không biết” - lời ông Khiếu. Tuy vậy, ông Khiếu khẳng định có phân công bị cáo Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.

Mất bò mới lo làm chuồng?

Để làm rõ vấn đề quản lý Nhà nước, chủ tọa đã yêu cầu ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế trả lời một số câu hỏi. Theo ông Quang, Chính phủ đã có chủ trương cho phép xã hội hóa, liên danh liên kết trong các cơ sở công lập, Sở Y tế có thẩm quyền cấp phép hoạt động chạy thận nhân tạo đối với bệnh viện cấp tỉnh.

Về trách nhiệm của Bộ Y tế, ông Quang cho rằng: “Việc xã hội hóa đưa máy chạy thận vào bệnh viện, theo quy định công tác thanh tra kiểm tra hiện nay thuộc trách nhiệm của Sở Y tế. Thanh tra Bộ Y tế chỉ thanh tra các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Việc phân cấp này căn cứ vào Luật Thanh tra và Nghị định số 07 hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra”.

Chủ tọa đặt câu hỏi, thông qua sự cố chạy thận, Bộ Y tế có thấy trách nhiệm của mình trong công tác quản lý Nhà nước? Đại diện Bộ Y tế đáp: “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã rà soát các quy định liên quan đến quản lý nói chung và quả thận nhân tạo, hệ thống RO nói riêng… Tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành 52 quy trình trong đó có 7 quy trình liên quan đến lọc nước RO”.

Về lý do tháng 4/2018 mới ban hành quy trình về chạy thận, ông Quang cho rằng khi rà soát lại đã phát hiện quy trình sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất khác nhau. Bộ Y tế thấy cần có sự thống nhất và đã ban hành 52 quy trình nói trên.

Tiếp đến, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị được hỏi ông Quang nhưng chủ tọa từ chối vì tòa chỉ triệu tập đại diện Bộ Y tế đến làm rõ vấn đề quản lý Nhà nước. Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Chiến nói: “Không cho luật sư hỏi có nghĩa chủ tọa đã ngang nhiên hạn chế quyền của luật sư. Theo nguyên tắc tranh tụng, luật sư phải thực hiện quyền của mình như đại diện VKSND và theo tinh thần cải cách tư pháp, một phiên tòa diễn ra phải đảm bảo dân chủ công khai và phải tạo điều kiện cho bên buộc tội cũng như bên gỡ tội thực hiện hết quyền của mình”.

Trước việc có những lời khai giống nhau từng dấu chấm, phẩy giữa mình và ông Hoàng Đình Khiếu, bị cáo Hoàng Công Lương khai được điều tra viên cho xem bản khai của ông Khiếu để viết theo. Trao đổi với phóng viên về lời khai “sinh đôi” này, luật sư Nguyễn Chiến cho rằng: “Đương nhiên không đúng theo quy trình tố tụng; pháp luật cấm việc thông cung, mớm cung, dụ cung… Những lời khai, tài liệu chứng cứ thu thập không tuân thủ theo quy trình tố tụng thì được coi là vi phạm tố tụng… không được sử dụng làm chứng cứ hoặc không có giá trị chứng minh”.