Ðề xuất đặc cách
Nhà thơ Giang Nam được xét tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (VHNT) lần thứ nhất năm 2001. Ngày 27/1/2022, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa có công văn đề nghị Bộ VHTTDL hướng dẫn xét đặc cách giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam.
Ngày 11/2/2022, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông có văn bản trả lời rằng công tác xét tặng năm 2021 đã hoàn tất, Bộ đề nghị Sở VHTT Khánh Hòa hướng dẫn tác giả làm hồ sơ vào đợt kế tiếp. Tuy nhiên ngày 25/5, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam.
Trong văn bản kiến nghị, UBND tỉnh Khánh Hòa nhắc lại những đóng góp của nhà thơ Giang Nam cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp văn học của đất nước. “Trong quá trình hoạt động ông đã sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc, có ảnh hưởng lớn đối với người dân Khánh Hòa và cả nước, đóng góp vào sự thành công chung của nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam... Nguyện vọng của các văn nghệ sĩ và nhân dân trong tỉnh mong muốn được Nhà nước quan tâm, xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam khi ông còn sống”, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nêu.
Nhà thơ Giang Nam nổi tiếng với bài thơ Quê hương, Nghe em vào đại học, Tiếng nói Việt Nam... Nguyện vọng của tỉnh Khánh Hòa là đặc cách cho tác giả đã bước vào tuổi 94, bởi kỳ xét tặng tiếp theo là năm 2025. Tỉnh xin trình bổ sung một số tác phẩm của nhà thơ Giang Nam để xét giải thưởng Hồ Chí Minh: tập truyện ngắn Những người thợ đá, tập thơ Đất nước vào xuân, ký và truyện ngắn Người giồng tre, thơ Vầng sáng phía chân trời, tập truyện ngắn Rút từ sổ tay chiến tranh.
Điều đáng nói, bản thân nhà thơ Giang Nam ngay từ đầu không có ý định làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Kiến nghị xin xét đặc cách xuất phát từ ý kiến của một số văn nghệ sĩ tại cuộc gặp gỡ cuối tháng 1/2022- ở thời điểm Thường trực Hội đồng cấp Nhà nước đã hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng danh sách đề nghị xét tặng qua ba vòng hội đồng.
Phải công tâm, khách quan nhất
Nhà phê bình Ngô Thảo phân tích, các nhà thơ như Giang Nam, Thanh Hải có bài thơ “đinh” có giá trị cao, xuất hiện đúng thời điểm và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước rất xứng đáng.
“Quê hương của Giang Nam đã được xét tặng giải thưởng Nhà nước quá xứng đáng, tuy nhiên ở Giải thưởng Hồ Chí Minh cần phải soi lại các tác phẩm được đề nghị bổ sung. Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước được xét dựa trên tác phẩm, cụm tác phẩm. Đối với công lao đóng góp với cách mạng, Nhà nước ta đã có các hình thức tặng huân, huy chương khác như Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh”, nhà phê bình Ngô Thảo phân tích.
Từng nêu ý kiến về việc một số tác giả sau này được xét giải thưởng Hồ Chí Minh ở trong tình thế “khoác chiếc áo quá rộng” so với các bậc đi trước, nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng để tránh tình trạng phải “chiếu cố” cho một số tác phẩm, cụm tác phẩm thì hội đồng xét giải thưởng Hồ Chí Minh càng cần khắt khe, nghiêm cẩn hơn.
“Đây chính là sự tôn trọng đối với các giải thưởng cao quý như giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Chúng ta nên thực hiện việc xét tặng một cách công tâm, khách quan nhất”, nhà phê bình Ngô Thảo nói.
Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm xét giải thưởng cần tuân thủ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. “Công tác thi đua khen thưởng, xét giải thưởng cần khách quan, công tâm, đánh giá đúng thành tựu sáng tác, tài năng của nghệ sĩ, tránh để thiệt thòi cho nghệ sĩ đã cống hiến cho nghệ thuật, đem lại những tác phẩm có giá trị lớn đối với sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói.
Nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn nêu quan điểm, việc UBND tỉnh Khánh Hòa hai lần gửi văn bản kiến nghị xét đặc cách cho nhà thơ Giang Nam chính là “địa phương gây sức ép cho trung ương”, tạo tiền lệ cho những lá đơn, văn bản tương tự để làm khó Chính phủ. Một thành viên trong hội đồng xét tặng giải thưởng bày tỏ, văn bản kiến nghị này đẩy Hội đồng vào “tình thế khó”.
Quy trình xét tặng giải thưởng được quy định chi tiết tại Nghị định số 90/2014, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 133/2018. Điều 4 nêu rõ nguyên tắc xét giải thưởng: “Việc xét tặng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện; đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác và công khai”.
Điều 9 cũng quy định chi tiết về tiêu chuẩn xét tặng trong đó các cụm tác phẩm công bố trước năm 1993 cần “có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện kiến nghị đặc cách xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2011 nhạc sĩ Phạm Tuyên được xét đặc cách. Năm 2017, Bộ VHTTDL có tờ trình Chính phủ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn sau một vài vướng mắc về thủ tục. Các tác phẩm của các tác giả này trước đó đều được giới chuyên môn, hội đồng thống nhất với số phiếu bầu cao, được đông đảo văn nghệ sĩ và công chúng ủng hộ.
Tuy nhiên, cũng không nên biến việc xét đặc cách thành thông lệ trong khi có đầy đủ quy định pháp luật đảm bảo việc xét tặng công bằng, khách quan.