'Xem xét tư cách ĐBQH của Phó Bí thư Đồng Nai theo quy trình'

TPO - “Vừa qua tôi nghe tin cử tri Đồng Nai và cả TP.HCM có ý kiến, nhưng để thực hiện bãi miễn đại biểu Quốc hội phải có quy trình chứ không thể tự nhiên bãi miễn”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói về trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh-Phó Bí thư Đồng Nai vừa bị kỷ luật.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh Như Ý

Chiều 20/10, tại buổi họp báo trước kỳ họp Quốc hội, phóng viên đặt câu hỏi về trường hợp của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này Phan Thị Mỹ Thanh.

Bà Mỹ Thanh vừa qua bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong quá trình đảm nhiệm công tác. Trước kỳ họp, qua hoạt động tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri đã đặt vấn đề cần xem xét tư cách đại biểu Quốc hội với bà Thanh vì không còn uy tín sau khi bị kết luận và kỷ luật về những sai phạm.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh Như Ý

Về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bà Phan Thị Mỹ Thanh là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, bị kỷ luật cảnh cáo. Hiện các cơ quan chức năng đang xem xét, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội sau.

“Vừa qua, tôi nghe tin cử tri Đồng Nai và cả TP HCM có ý kiến về việc này. Tuy nhiên để bãi miễn đại biểu Quốc hội phải có quy trình chứ không thể tự nhiên bãi miễn được”, ông Phúc nói.

Cũng tại buổi họp báo, nhiều PV đến từ các cơ quan báo chí đặt vấn đề về việc hạn chế báo chí tại các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, như vậy có phù  hợp với quy chế làm việc không, hiệu quả cũng như hạn chế của việc này ra sao? Về việc này, ông Phúc lý giải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực, chuẩn bị các nội dung cho Quốc hội.

Theo ông Phúc, tại các phiên thảo luận đòi hỏi thời gian thảo luận sâu, kỹ với nhiều vấn đề cần trao đổi. Việc này đã được xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở Luật Báo chí để thực hiện. Ông Phúc cho biết, báo chí có quyền tham dự các phiên họp nhưng là khi được mời, chứ không phải tham gia tất cả các phiên họp.

“Đối với các dự án trình lần đầu, cần phải xin ý kiến sâu, nên cần hạn chế, thậm chí có nội dung không mời báo chí. Nhưng khi trình ra Quốc hội rồi, đương nhiên là công khai, không hạn chế báo chí”, ông Phúc nhấn mạnh.