9h sáng, 160 học sinh lớp 10 của trường THPT Thực nghiệm đã có mặt tại trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội dưới sự dẫn dắt của cô hiệu trưởng Phan Thị Luyến. Được mục sở thị mô hình tự động hóa của các loại máy móc, được chứng kiến cánh tay robot lắp đặt từ con ốc đến các chi tiết trên bảng vi mạch, các em đều “mắt tròn”, “mắt dẹt”.
Học sinh Trần Đặng Khánh Chi, lớp 10A của trường cho biết đây là lần đầu tiên em được đến một trường nghề để xem các anh, chị học tập như thế nào.
“Em bất ngờ vì máy móc, vì các phương tiện trang thiết bị hiện đại, vì không gian học tập khang trang” – Khánh Chi hồ hởi.
Nhưng có lẽ, Chi và các bạn cảm thấy hứng khởi nhất khi được thầy hiệu trưởng trường CĐ nghề Cơ điện, Đồng Văn Ngọc cho trải nghiệm cùng chú robot NAO. Khi thầy Đồng Văn Ngọc cho biết robot NAO có thể nói được 21 ngoại ngữ, dạy được 21 ngoại ngữ lập tức cả hội trường nóng lên. “Ồ, robot giỏi hơn bạn rồi” – tiếng lao xao bên dưới.
Đặc biệt, cả hội trường như bùng nổ khi robot NAO biểu diễn điệu nhảy Kangnamstyle và bài thái cực quyền.
Chia sẻ với học sinh của trường THPT Thực nghiệm về hướng nghiệp, thầy Đồng Văn Ngọc cho biết khi lựa chọn con đường nào để đi trong tương lai sau THPT, học sinh cần phải biết phân tích nhu cầu của bản thân, những người thân xung quanh tác động gì đến tương lai của mình sau này.
“Đây là vấn đề đầu tiên mà mỗi học sinh cần quan tâm. Thứ hai là phải mô tả được năng lực của bản thân. Sau đó, chọn ra nghề tốt nhất và chọn trường tốt nhất đào tạo nghề đó để học” – thầy Ngọc khuyên.
Cô Phan Thị Luyến, hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm cho rằng học sinh được đến các trường, quan sát trực tiếp sẽ bổ trợ lại lý thuyết mà các em được học tại trường phổ thông như môn Vật lý, môn Công nghệ...
Cô Luyến cũng cho biết, chương trình hướng nghiệp của trường được xây dựng bài bản, với sự trợ giúp của các trường ĐH. Đây là hoạt động lồng ghép giữa trải nghiệm sáng tạo với hướng nghiệp. Mấy năm gần đây, trường thực hiện thí điểm phát triển chương trình nhà trường nên chú trọng đến việc cho học sinh được trải nghiệm.
“Đưa học sinh đến với các trường CĐ,ĐH cũng là một hoạt động hướng nghiệp nhưng đồng thời, lồng ghép vào đó là học sinh được thực hành, được thí nghiệm những kiến thức lý thuyết đã học tại trường. Tôi nghĩ hoạt động này sẽ giúp học sinh hứng thú. Vì các em được đưa ra một môi trường khác, được cảm nhận trực tiếp” – cô Luyến chia sẻ.