Năm nay bảo tàng đem đến hai hình thức hát sắc bùa chúc Tết khác nhau. Trong tiếng cồng âm vang, đội Hòa Bình chủ yếu là nữ đi khắp nơi cất lời chúc bằng tiếng Mường: “Năm cũ nhà ông đã hết/ Tết cũ nhà ông đã qua/ Bước chân ra năm mới/ Mỗi một năm một lần/ Anh em chúng ta/ Đến chơi nhà ông nào?/ Đến chơi nhà ông này…”
Đội hát sắc bùa đến từ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh gồm toàn cụ ông gây chú ý bằng màu áo sặc sỡ và tiếng trống. Vào đêm giao thừa, đội tuyển 12 ông khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc đến đình làng chúc thành hoàng trước, rồi xin các lá bùa thiêng đem tới từng nhà chúc tụng cho tới sáng. Dân làng dán lá bùa này trong nhà để cả năm làm ăn yên ổn.
Tùy gia cảnh, những lời chúc sẽ được vận dụng cho phù hợp. Với Hà Nội, lời chúc như sau: “Chúc Hà Nội Thủ đô nước Việt/ Chốn ngàn năm văn hiến đất Thăng Long/ Chúc cho nhân dân cán bộ công nhân/ Hà Nội khang trang giàu đẹp…” Vì không kịp thuộc lòng, nên các lời chúc được ghi vào tấm giấy nhỏ dán lên mặt trống.
Đến với hội xuân Bảo tàng Dân tộc học, tốt nhất không nên ăn sáng. Năm nay có tới 2 tỉnh đăng cai nấu ăn. Hà Tĩnh mang đến bún bò, cháo lươn, bánh gai, kẹo cu đơ, chè xanh… Các món ăn của người Mường được thưởng thức trong khuôn viên nhà sàn người Tày gồm: thịt trâu nấu lá lồm, cá đày khay ốt (nướng), gà xào măng chua, chả rau đáu/lá bưởi… cùng các loại xôi màu, cơm lam. Để tạm no, mỗi người tốn khoảng 100 nghìn, trong khi để qua cửa đã mất 50 nghìn bao gồm tiền vé và gửi xe.
Việc mua bán dễ chịu. Những bàn bán tích-kê để mua hàng, đồ ăn… ở khắp nơi. “Nếu khách hàng đổi ý thì có thể mang tích-kê trả lại, chúng em sẽ hoàn tiền,” người bán thẽ thọt.
Nhiều du khách xin thử dệt chiếu (để chụp ảnh). Làng Nghèn có thâm niên 300 năm dệt chiếu thủ công. Gần đây, chiếu dệt máy của Trung Quốc nhập về nhiều quá khiến công việc làm ăn khó khăn. Mỗi chiếc chiếu truyền thống cần hai người phối hợp dệt. Mỗi ngày cặp đôi dệt được 2 cặp chiếu.
Một cặp chiếu tại Hà Tĩnh có giá khoảng 250 nghìn đồng. Tôi hí hửng mua ngay một cặp tại bảo tàng với giá 200 nghìn đồng (sẽ là 300 nếu dùng tích-kê). Trò chuyện với người làm chiếu thì biết chiếu mốc mới là chiếu tốt vì không tẩm hóa chất. Sợi cói mảnh, vẫn còn màu xanh thì chiếu sẽ bền. Sợi to, trắng nghĩa là cói hơi bị già, dễ gẫy hơn.
Hàng chục bạn trẻ ngồi trước lều vải trắng của Vân Huyền- hậu duệ đời thứ 8 của thi hào Nguyễn Du chờ xem bói Kiều. Đính thêm chữ “Kiều” vào, việc xem bói trở nên thi vị hẳn. Gương mặt nữ hướng dẫn viên bảo tàng Nguyễn Du tại Hà Tĩnh toát lên vẻ gì đó dễ khiến người đối diện tin tưởng.
Cô tâm sự về cơ duyên đến với nghiệp bói Kiều: “Khi khách hỏi về bói Kiều thì mình hướng dẫn rồi bói cho khách. Lúc đầu thử thôi, nhưng vận vào rất nhiều người đúng. Từ đó hàng ngày mình bói cho mọi người”.
“Có lúc xem cho khách xong, không hiểu tại sao mình nói như thế. Và cùng một câu Kiều mình có thể nói người này thế này, người khác thế khác”, Huyền kể. Có một khách đang chuẩn bị nhận chức giám đốc thì đến xem.
Huyền phán: “Anh sắp tới đáng lẽ có một cái chức nhưng nó vừa vào miệng anh, người khác móc ra rồi”. Sau một thời gian, người khách quay trở lại cho hay quyết định giám đốc quả nhiên về tay người khác. Nhạc sĩ P.T đến, Huyền nói: “Bác có bệnh càng già càng nặng, chỉ cần thay đổi thời tiết là bị ngay”. Vị nhạc sĩ lão thành xác nhận bị hen xuyễn.
Mặc dù đã có tiếng, khách kéo cả đến nhà để xem, Huyền vẫn không thu tiền. Cô gọi “nghề phụ” là “tặng khách một niềm vui”. Trước đây Huyền có làm thơ nhưng từ khi chồng con vào thì thôi.
Cũng liên quan đến Kiều, tỉnh Hà Tĩnh cử nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hồng Oanh ra nói chuyện về tập Kiều, lẩy Kiều. Vừa nói bà vừa ngâm Kiều bằng đủ các giọng Trung, Nam Bắc. “Chưa ai thống kê Việt Nam có bao nhiêu làn điệu”, bà Oanh nói. “Chỉ Nghệ Tĩnh thôi, làng này hát khác, làng khác hát khác”.
Kết thúc bài nói chuyện ngay trên bãi cỏ, có người đề nghị bà Oanh hát dân ca. Bà cất giọng ngọt lịm: “Ơ… xuống bến xông La đi tìm con cá lội/ Mà lên rú Hồng Lĩnh hái một trái sim/ Chứ có thương nhau ta mới đến đây tìm/ Bây giờ giáp mặt như Kim gặp Kiều”.
“Có một người ở Anh nói: Khi nào mỗi người dân Việt Nam còn thuộc câu dân ca và những câu Kiều thì đừng ai nghĩ tới việc xâm chiếm đất nước này”
Nhà nghiên cứu Hồng Oanh
Hà Tĩnh còn mang đến đặc sản ca trù Cổ Đạm, nghe qua có thấy khác hơi ca trù Bắc. Cổ Đạm ngày xưa có nhà trò vừa là nơi thờ vừa là nơi diễn của 12 giáo phường ca trù trên đất Nghệ Tĩnh, nhưng thời kỳ chống mê tín dị đoan đã bị san bằng.
Được biết ca trù Cổ Đạm khi mới phục hồi thì không còn ai biết đánh đàn. Mãi đến khi một cán bộ văn hóa (nguyên nhạc công ghi-ta điện) được cử ra Hà Nội học đàn trong đợt đào tạo do quỹ Ford tài trợ về, các nghệ nhân mới có người đệm hát.
Nay cả làng cũng chỉ còn hai nghệ nhân tuổi ngoài 90 không truyền dạy được, đừng nói đến biểu diễn. Các thế hệ kế tục của Cổ Đạm xác định học, hát ca trù cho vui, chứ đều mưu sinh bằng nghề khác. Chẳng hạn kép đàn phụ trách cả mạng lưới điện của xã.
Lúc tôi đến thì ca trù chưa đến giờ diễn, lơ thơ đào kép ngồi với nhau trong căn nhà Việt chờ khách, kế đó sân khấu rối nước Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lúc nào cũng ồn ã, đua chen. Vĩnh Bảo còn góp một tiết mục đặc sắc là múa tứ linh. Múa long lân thì quen thuộc rồi. Sự thú vị nằm ở màn phượng mổ quy, quy đớp (yêu) phượng. Kết thúc màn diễn, khán giả vẫn còn cười vì diễn viên trong lốt rùa rề rà mãi vẫn chưa đo hết sân khấu để vào trong.