Xây dựng thương hiệu, đưa hàng Việt mở rộng thị trường

TPO - Hàng Việt không chỉ ngày càng được người tiêu dùng trong nước tin dùng, mà còn đang mạnh mẽ vươn tầm ra thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển được thương hiệu Việt mở rộng thị trường trong nước và xuất ngoại là bài toán không chỉ của riêng doanh nghiệp, mà cần có sự chung tay trợ lực từ các cơ quan ban ngành.

Khát vọng nâng tầm “sản phẩm của Việt Nam”

Với 35 năm có mặt trên thị trường, Công ty CP Secoin (quận Bình Thạnh, TPHCM) chuyên sản xuất gạch bông và đến nay đã xuất khẩu được sản phẩm đến 60 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với bà Võ Thị Liên Hương - Tổng Giám đốc Công ty Secoin, đây chỉ là bước đầu để xây dựng thương hiệu Việt.

“Nhiều sản phẩm của Secoin đến nay không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn được bán qua nhà phân phối nhưng thường họ không nói về nguồn gốc hoặc chỉ nói sản phẩm “made in Vietnam” hoặc là thiết kế ở Mỹ, Úc…. Điểm nổi bật của Secoin là các sản phẩm gạch của công ty là “sản phẩm của Việt Nam”, chứ không chỉ “made in Vietnam”. Vì thế, Secoin mong muốn thoát cái bóng là đất nước chỉ gia công cho các thương hiệu lớn. Khát vọng của chúng tôi cùng các doanh nghiệp Việt xây dựng hình ảnh “made in Vietnam” thật sự, 100% thuần Việt, không gia công cho bất cứ ai” - bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, các sản phẩm làm bằng tay của Việt Nam luôn “được lòng” khách hàng. Điều đầu tiên đối tác quan tâm chính là xem hàng Việt Nam có tốt không, chứ không phải sản phẩm đó của thương hiệu nào. “Thế nên, nếu chỉ một vài doanh nghiệp sẽ không thể kể câu chuyện Việt Nam được. Cần thêm rất nhiều thương hiệu khác nữa để tạo sức mạnh tổng hợp của hàng Việt” – bà Hương nhìn nhận.

Hàng Việt ngày càng được nâng cao vị thế, được người tiêu dùng tin tưởng. Ảnh: Uyên Phương

Theo bà Phan Thị Tuyết Mai – Tổng giám đốc Công ty TMTM (thương hiệu MORI), làm một sản phẩm, hãy suy nghĩ đó không phải là sản phẩm mà là tác phẩm, mang cả tấm lòng, bản sắc văn hóa, trái tim của Việt Nam.

Kể lại câu chuyện hàng của công ty được sản xuất ra nhưng được đặt hàng làm quà tặng tại Thế vận hội mùa đông năm 2020 tổ chức ở Nhật Bản. Bà Mai từng hỏi Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á rằng, nguyên liệu socola do bà mua ở Việt Nam, bao bì làm ở Việt Nam, hình ảnh trên bao bì do tôi vẽ ra, thì doanh nghiệp có thể ghi trên bao bì là “Product of Việt Nam” (sản phẩm của Việt Nam) chứ không để là “Made in Việt Nam” (làm tại Việt Nam) được không, thì họ đồng ý. Bà Mai khẳng định, nếu muốn tự hào về sản phẩm Việt Nam, sản phẩm được lấy hoàn toàn từ Việt Nam, thì doanh nghiệp hãy mạnh dạn ghi “Product of Việt Nam” để khẳng định thương hiệu mạnh hơn.

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thời gian qua, UBND TPHCM giao cho Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp TPHCM tìm cách xây dựng thương hiệu cho nhiều mặt hàng cũng như các sản phẩm nông sản của thành phố. Tại đây, cái gì cũng có, nhưng để du khách mua sản phẩm thương hiệu riêng của TPHCM để làm quà, tạo ra sản phẩm khẳng định thương hiệu riêng cho TPHCM, thì lại chưa.

“Sở Công Thương đang triển khai và kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia. Nếu các doanh nghiệp chịu “đi cùng nhau” xây dựng được thương hiệu riêng cho TPHCM thay vì tự xây dựng thương hiệu một mình, thì sẽ khai thác và thu về được các giá trị to lớn cho TPHCM và cả doanh nghiệp”, ông Phương nhìn nhận.

Các chương trình Tuần hàng Việt Nam đã giúp đưa các sản phẩm chất lượng của doanh nghiệp trong nước sản xuất đến với người tiêu dùng. Ảnh: Uyên Phương

Hướng tới xây dựng các thương hiệu quốc gia

Hiện nhiều doanh nghiệp lớn đang từng bước khẳng định giá trị và để xây dựng một thương hiệu Việt có thể vươn tầm thế giới, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng, tính độc đáo và sự sẵn lòng đầu tư lâu dài để tiến vào các thị trường trong bối cảnh yêu cầu về sản xuất xanh và giảm phát thải ngày càng được đề cao.

TS Hồ Xuân Hướng - giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM nói rằng, thương hiệu là một trong tài sản vô cùng quan trọng với doanh nghiệp. Việc xây dựng được thương hiệu mạnh đóng góp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, khẳng định thương hiệu quốc gia.

“TPHCM đang dự thảo đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với mục tiêu tập trung vào cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh hơn để phát triển thương hiệu lớn mang tầm quốc gia và toàn cầu như: tài chính, quảng bá xúc tiến, kết nối xây dựng chuỗi giá trị…”, ông Hướng cho biết.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam hiện có hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các đơn vị này việc xây dựng thương hiệu là điều không phải dễ dàng. Do đó trong đề án của TPHCM khi xây dựng thương hiệu quốc gia, cần có chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, TPHCM hiện cũng tập trung tổ chức các chương trình kết nối, quảng bá cho hàng Việt mở rộng thị trường trong nước cũng như ra thế giới. Tại triển lãm “Tôn vinh hàng Việt năm 2024” hồi cuối tháng 8 vừa qua, cả trăm doanh nghiệp từ nhiều tỉnh, thành phố đã đưa hàng nghìn sản phẩm của các doanh nghiệp Việt đến chào hàng tại TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, doanh nghiệp Việt ngày càng nâng cao giá trị và chuẩn hàng hóa, thay đổi và linh hoạt thích ứng cạnh tranh; hàng Việt cũng đang tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi sử dụng của người tiêu dùng.

Ông Dũng đề nghị các doanh nghiệp cần đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp, cạnh tranh để hướng tới mục tiêu cao nhất là “Hàng Việt chinh phục người Việt”.

Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết thêm, trong năm 2024, các hoạt động kết nối, hỗ trợ, xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp và doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng được thực hiện xuyên suốt để các bên giao lưu, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ chợ kết nối cung - cầu, các chương trình Tuần Hàng Việt, tổ chức các chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam" sẽ góp phần tiếp tục phát huy hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thay đổi nhận thức của doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 90% trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và từ 60%-90% tại hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi trên kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 60% trở lên.