Đã phê duyệt 4/38 quy hoạch ngành quốc gia
Theo Bộ KH&ĐT, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 119, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng tiến độ và kế hoạch cụ thể từng tháng, quý tương ứng với từng giai đoạn lập quy hoạch. Đến nay, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4/38 quy hoạch ngành quốc gia (đều thuộc lĩnh vực giao thông vận tải); quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch tỉnh Bắc Giang… Chính phủ đang tiếp tục xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia để trình các cấp có thẩm quyền.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, có 6 đề xuất trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó, quan điểm đầu tiên là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển. Kế đến là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, cực tăng trưởng tại khu vực có tiềm năng; phát triển theo hướng bền vững, bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường…
Dự thảo về quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trong tháng 3 để xem xét trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện quy hoạch, trình Chính phủ xem xét thông qua trong tháng 7, trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 10.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Quy hoạch phải đi trước một bước, khả thi và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém. Thủ tướng lưu ý, muốn phát triển tốt, phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt, mới có nhà đầu tư tốt.
Thủ tướng cũng yêu cầu xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022; tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đồng thời, quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và của cả quốc gia.
Thủ tướng lưu ý không cầu toàn, nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến, bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết và đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Phân vùng để tìm động lực phát triển mới
Trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý lựa chọn nhà thầu tư vấn tốt cả trong và ngoài nước, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ chuyên gia, nhà khoa học trong phản biện, thẩm định quy hoạch. Các bộ, ngành, địa phương cần lập các tổ công tác về vấn đề này và các tổ giúp việc tương đối chuyên nghiệp, có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Với các kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp thu, chủ động xử lý theo thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền, dứt khoát không để ách tắc thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng quy hoạch. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ… Có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, xóa đói giảm nghèo.
Cần nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng, ngành, quốc gia trong gắn kết với sự phát triển của khu vực và toàn cầu, lựa chọn vị trí “mắt xích” nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, cơ hội, tiềm năng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của đất nước… Thủ tướng lưu ý, các quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, tổng thể, quá trình lập quy hoạch phải cập nhật, bổ sung và điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh rời rạc, cục bộ, chia cắt.