Xây dựng đại học nghiên cứu: Dễ nói khó làm

TPO - Sắp tới, Việt Nam sẽ có những trường ĐH định hướng nghiên cứu. Đây là lần đầu tiên mô hình này được quy định trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật. Tuy vậy, để được công nhận là trường ĐH nghiên cứu, các trường ĐH cần có chiến lược và sự đầu tư.

Việt Nam chưa có trường ĐH nào đủ điều kiện?

Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34 và Nghị định 99), để được công nhận là ĐH nghiên cứu, các trường phải đạt được đồng thời 6 tiêu chí.

Trong đó, các chuyên gia cho rằng có 2 tiêu chí đang rất khó đối với các trường ĐH của Việt Nam là phải có 100 bài báo/năm, được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng. Đồng thời, trung bình mỗi năm, giảng viên cơ hữu phải có 0,3 bài báo trở lên trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới.

Trong 3 năm gần nhất, trường phải có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm.

GS. Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, mô hình ĐH nghiên cứu đã được Luật hóa là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, ông băn khoăn, nếu áp dụng 2 tiêu chí trên thì các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đều không đạt. GS. Đức ví dụ, trường ĐH Khoa học Tự nhiên đáp ứng đủ yêu cầu bài báo quốc tế mỗi năm nhưng lại vướng tiêu chí đào tạo sau ĐH.

Hiện nay các trường ĐH quốc tế ở các nước phát triển, tiên tiến cũng khát nhân lực chất lượng cao. Họ cấp rất nhiều học bổng nên thu hút số lượng lớn nghiên cứu sinh Việt Nam sang đào tạo. Do đó, các trường của Việt Nam rất khó tuyển sau ĐH.

So với tổng quy mô tuyển sinh, đào tạo sau ĐH của trường ĐH Khoa học Tự nhiên chỉ đạt 14,5%. Trong khi đó, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đạt khoảng 17% đào tạo sau ĐH nhưng công bố quốc tế lại thấp.

Điều kiện khó nhưng quyền lợi vẫn mơ hồ. Vì thế GS.TS Nguyễn Đình Đức kiến nghị Bộ GD&ĐT cần làm rõ quyền lợi của ĐH nghiên cứu là gì? Bởi trong Nghị định, sau các điều kiện "nhiều và khó" chỉ có một dòng về "quyền lợi" là cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu được ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Theo GS Đức, nếu không cụ thể hơn trong những ưu tiên cho trường ĐH nghiên cứu thì e rằng những khó khăn trong điều kiện sẽ khiến các trường không có động lực.

Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đầu tư phát triển ĐH nghiên cứu không phải để xếp hạng mà để phục vụ đổi mới sáng tạo. Tới đây Bộ GD&ĐT cùng phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ để ban hành nghị định về hoạt động nghiên cứu khoa học. Và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có Nghị định về nội dung này nên các trường sẽ thấy rõ hơn quyền lợi khi thành ĐH nghiên cứu.

Bộ GD&ĐT đủ khả năng để thẩm định tạp chí uy tín?

Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội công bố vừa qua, trong giai đoạn từ 2015-2019, những trường có số lượng công bố bài báo khoa học đạt trung bình từ 100 bài trở lên trên hệ thống tạp chí quốc tế nổi tiếng là ISI và Scopus chỉ khoảng 20 trường.

Tuy nhiên, Nghị định không nêu cụ thể các tạp chí quốc tếnào mà chỉ nói các tạp chí này sẽ do Bộ GD&ĐT thẩm định.

Trước câu hỏi của Tiền Phong, Bộ GD&ĐT có đủ khả năng để thẩm định chất lượng tạp chí quốc tế hay không, bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay, hiện nay có hai hệ thống đánh giá tạp chí tương đối chuẩn trên thế giới là ISI và Scopus. Sau này có thể sẽ nhiều hơn. Nếu việc thẩm định này Bộ không làm được thì có đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế qua báo chí phản ánh, vấn đề bài báo quốc tế hiện nay đang có rất nhiều tranh cãi. Đơn cử như trong chuyện xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư vừa qua tiêu chí về bài báo quốc tế đã minh bạch hơn so với những lần xét trước nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, nếu không có những hướng dẫn cụ thể hơn thì sự tranh cãi này sẽ vẫn chưa có hồi kết.

Mặt khác, việc công bố bài báo quốc tế cũng như đào tạo sau ĐH có lẽ chưa phải là rào cản duy nhất để ĐH Việt Nam trở thành ĐH nghiên cứu. Một tiêu chí khác có thể nói chưa trường ĐH nào của Việt Nam thực hiện được đó là tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nghiên cứu, chuyên giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở GD&ĐT. Vì nguồn thu lớn nhất hiện nay của các trường ĐH vẫn là học phí.