Xăng tăng giá mạnh, lo ảnh hưởng đến giá cả tháng 4

TPO - Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng tăng rất mạnh trong ngày 2/4 chưa kể giá điện cũng được điều chỉnh tăng cách đây ít lâu sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 với mức tăng dự kiến khoảng 0,2%  
Nhiều mặt hàng được dự báo sẽ tăng giá bán do tác động của giá xăng và giá điện tăng liên tiếp trong thời gian qua

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu âm nặng Quỹ bình ổn giá

Với việc tăng mạnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đồng thời vẫn tiếp tục xả mạnh Quỹ Bình ổn giá, thông tin từ các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho hay, đến nay sau 2 kỳ điều hành giá liên tiếp, hầu hết các doanh nghiệp đang bị âm quỹ nhiều tỷ đồng. Đến nay chỉ có một vài doanh nghiệp lớn còn dương quỹ với mức dư không đáng kể.

 Cá biệt có doanh nghiệp âm quỹ tới 400 tỷ đồng. Việc xả quỹ lớn để giữ giá xăng dầu là gánh nặng rất lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay khi phải vay tiền ngân hàng hoặc dùng vốn tự có của doanh nghiệp để bù đắp cho việc xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Ngay như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị nắm khoảng 48% thị phần xăng dầu, đến trước thời điểm 17 giờ ngày 2/4, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex chỉ còn khoảng 9,6 tỷ đồng. So với con số 655 tỷ đồng cách đây 15 ngày, việc xả mạnh Quỹ Bình ổn giá đã ngốn rất nhanh số tiền tích cóp từ việc đóng tiền vào quỹ của người dân trong suốt nhiều tháng trước đó .

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ở phía Nam khẳng định qua điện thoại với Tiền Phong là hiện “rất mệt mỏi” do phải bù đắp thêm tiền và tìm nguồn vay để chi sử dụng cho Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Theo PGS TS Ngô Trí Long, việc điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương thời gian qua cho thấy sự giật cục, lúng túng. Ông Long phân tích, giá xăng điều chỉnh tăng sẽ được ghi nhận và tác động ngay vào CPI của tháng đó. Còn giá điện tăng thì có độ trễ do sang tháng sau các hộ dùng điện mới thanh toán hóa đơn. Vì thế, việc tăng giá điện từ 20/3 phần lớn ghi nhận vào CPI tháng 4 trở đi, trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng nên sẽ tạo áp lực lên cho giá dầu ở kỳ điều hành đầu tháng 4.

“Công tác điều chỉnh giá luôn phải chừa lại dư địa đủ để xoay xở trong năm. Khi quỹ còn ít, khó tránh khỏi tình huống giá xăng dầu sau khi bị kìm quá mạnh buộc phải bung ra tăng sốc”, ông Long cảnh báo

Nhiều mặt hàng dự báo sẽ tăng giá

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, việc điện tăng 8,36% rồi đến hôm nay xăng RON 95tăng tới 1.484 đồng/lít, lên hơn 20.000 đồng/lít là mức tăng sốc, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, thủy sản…

Theo ông Doanh, chẳng hạn, trong ngành thép, điện chiếm 6-7% chi phí trong giá thành sản xuất phôi thép, nên giá điện tăng khiến thép bán giá cao lên. Giá thép tăng khiến giá nhà tăng, cứ thế tác động liên hoàn. Còn xăng tăng là hệ quả của việc tăng giá thế giới. Hiện,  quỹ bình ổn giá xăng dầu của nhiều doanh nghiệp đầu mối đã cạn kiệt nên việc tăng giá xăng là việc bất khả kháng. Việc tăng cả 2 yếu tố giá sẽ làm tăng chỉ số giá bởi xăng, điện là 2 đầu vào tất cả sản phẩm nên các mặt hàng sẽ tăng lên theo.  

“Cùng với xăng, giá điện tăng người tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là phải trả chi phí tăng thêm hàng tháng; và ảnh hưởng gián tiếp do giá hàng hóa tăng theo giá điện, giá xăng. Tuy nhiên, giá điện tăng tác động đến mặt bằng giá cả sẽ có độ trễ. Dự báo, sau khoảng ba tháng, sẽ thiết lập mặt bằng mới, tuy nhiên mức độ tăng bao nhiêu sẽ phải tính toán cụ thể, chi tiết hơn. Giá điện, xăng tăng cũng sẽ tác động chỉ số giá cả tăng lên khoảng 0,2%  trong tháng tới”, ông Doanh nói.

Mới mức tăng mới này, ông Doanh cho rằng, các doanh nghiệp phải tiết kiệm điện, phải sử dụng điện vào thời điểm giá thấp như đêm và tính toán, tiền điện cũng như cước vận tải  sao cho sản phẩm đầu ra tăng ở mức hợp lý. “Nếu không doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với hàng Thái Lan, Malaysia hay thị trường ASEAN. Thị trường giờ không còn là thị trường của chúng ta nữa mà của toàn khu vực. Ngoài yếu tố lạm phát, các doanh nghiệp phải cố gắng giữ thị trường trong nước, tránh thị trường trong nước rơi vào tay nước ngoài. Đây là nỗi lực khó khan sau  2 lần tăng giá điện và xăng này”, ông Doanh nói.

Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay, tâm lý người dân và doanh nghiệp không ai muốn tăng giá điện cũng như các loại năng lượng như điện, xăng dầu,… nhưng để cân đối nền kinh tế một cách đa chiều thì cần thiết phải tăng. Hơn nữa, lý do chính của việc tăng giá điện là để tiến dần đến kinh tế thị trường. Trước đây, giá nguyên liệu đầu vào còn có yếu tố bảo trợ của nhà nước, nhưng nay giá đầu vào không được bảo trợ. Ông Lực cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá điện cũng như các mặt hàng khác trong năm nay phải tương đối cân nhắc để đảm bảo không dồn việc tăng giá nhiều trong một năm, sẽ dẫn đến bất ổn đối với nền kinh tế.

Giám đốc một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội chưa kịp tính toán giá điện tăng sẽ ảnh hưởng thế nào đến hệ thống bán lẻ, nay lại bất ngờ biết tin giá xăng tăng. Vị này chia sẻ, việc tăng giá mặt hàng sẽ là thiết yếu nhưng hiện, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bán lẻ trong nước là cạnh tranh với siêu thị nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp phải cân đối làm sao để việc tăng giá không sốc đối với khách hàng trong thời gian tới.