Xác pháo đỏ đường ở Vĩnh Phúc: Công an chưa biết thông tin

Công an tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định chưa biết thông tin người dân đốt pháo ở xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc. Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Tề Lỗ thừa nhận có tình trạng pháo nổ.
Xã Tề Lỗ nổi tiếng với nghề "mổ xác" ôtô, xe máy. Ảnh: Vũ Minh Quân/Zing

Sau khi phản ánh tình trạng xác pháo đầy đường xảy ra ở  xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, phóng viên đã liên lạc điện thoại với đại tá Phạm Văn Sơn - Phó giám đốc Công an tỉnh trao đổi thông tin, tuy nhiên vị này đề nghị liên lạc với Trưởng phòng tham mưu - Người phát ngôn của công an tỉnh.

Công an tỉnh: 'Chưa nhận phản ánh'

21h30 ngày 11/2, trao đổi với PV qua điện thoại, đại tá Nguyễn Kim Thành - Trưởng phòng tham mưu, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến tối mùng 4 Tết ông chưa nhận tin phản ánh hay báo cáo của công an huyện về tình trạng người dân đốt pháo tại Yên Lạc.

Còn lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trước Tết tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các phòng chức năng, chính quyền các huyện triển khai biện pháp phòng chống đốt pháo.

"Nếu đâu đó có hiện tượng đốt pháo như báo phản ánh, chúng tôi sẽ cho lực lượng chức năng kiểm tra và trả lời cụ thể", vị này nói.

Chủ tịch xã: 'Các nơi có đốt pháo'

Trong khi đó, 22h ngày 11/2, trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc cho biết, từ đêm Giao thừa đến mùng 4 Tết (ngày 11/2), tại xã Tề Lỗ có tình trạng đốt pháo, nhưng đêm Giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người dân không đốt mấy. 

Tuy nhiên, khi bị chất vấn bằng những hình ảnh đã được đăng tải, ông Hiền thừa nhận "các nơi có đốt, có tiếng pháo". Sự việc đã được xã báo cáo lên huyện, tỉnh từ vài hôm trước và tỉnh đã nắm được thông tin.

Ông Hiền cho biết, đêm giao thừa công an tỉnh bố trí cảnh sát hình sự và nhiều lực lượng khác ứng trực nhưng tình trạng đốt pháo vẫn xảy ra.

"Người dân đốt pháo ném ra đường nên khó biết là ai để xử lý", ông Chủ tịch xã trần tình.

Xác pháo như trải thảm trước cửa nhà dân tại xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc sáng mùng 4 Tết. Ảnh: Vũ Minh Quân/Zing

Trước câu hỏi, tới sáng mùng 4 Tết, trước cổng, trong sân nhiều nhà dân, công ty vẫn còn đầy xác pháo, vỏ pháo chưa được thu dọn sao địa phương không xử lý, ông Hiền cho hay, đang kiểm tra và xử lý.

Riêng trường hợp ngày 11/2 gia đình ông Hoàng Văn Ngọ và bà Tạ Thị Bào mừng thọ đốt pháo ăn mừng, theo ông Hiền, công an xã đã lập biên bản để xử lý.

Cũng trong tối 11/2, phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đều không thể trao đổi cụ thể. Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, sự việc này do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo xử lý.

Trước đó, người dân xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết, trong đêm Giao thừa Bính Thân pháo nổ râm ran ở xã này và một số địa phương lân cận.

Sáng mùng 4 Tết, xác pháo vẫn trải đỏ trước cửa nhiều nhà dân xã Tề Lỗ. Nhiều vỏ hộp pháo có chữ Trung Quốc được người dân vứt ngay lề đường.

Tề Lỗ nổi tiếng là làng tỷ phú với nghề "mổ xác" ôtô, xe máy, xe tải, xe kéo, máy xúc hạng nặng.

Nghệ An xác minh việc pháo nổ tràn lan đêm giao thừa

Dù không phải là điểm bắn pháo hoa, nhưng đêm giao thừa tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), pháo rực sáng cả bầu trời.

Trang Page Facebook Nghệ An trưa 8/2 (tức mùng 1 Tết) đăng tải video dài hơn 3 phút ghi lại cảnh đốt pháo tại huyện Diễn Châu. Khung cảnh nơi nổ pháo là vùng rộng lớn có nhiều nhà tầng và nhà cấp 4, hàng nghìn tiếng nổ kèm theo tia lửa lóa sáng cả một vùng trời, có nhiều quả pháo bắn cao cả chục mét.

Trong khi đó, theo quy định năm nay Nghệ An chỉ có một điểm bắn pháo hoa tầm thấp đón chào năm mới ở công viên trung tâm TP Vinh.

Trao đổi với PV ngày 12/2, Chánh văn phòng UBND huyện Diễn Châu Trần Văn Hiến thừa nhận có hiện tượng đốt pháo trong đêm giao thừa trên địa bàn. "Mức độ thế nào thì ngày 15/2, huyện sẽ có cuộc họp đánh giá tình hình trước, trong và sau Tết", ông Hiến nói và cho hay sẽ chỉ đạo các ban ngành kiểm tra xem chính xác đốt pháo ở xã nào để có hướng xử lý.

Thiếu tá Chu Văn Hùng, Phó trưởng công an huyện Diễn Châu, cũng thừa nhận tình trạng người dân đốt pháo trong đêm giao thừa, nhưng việc đốt nhiều như video quay lại thì "đơn vị chưa nắm rõ".

Nghệ An là điểm nóng về buôn bán, tàng trữ pháo. Báo cáo của Công an tỉnh tại cuộc họp về tuyên truyền phòng chống pháo nổ dịp Tết Bính Thân sáng 4/2 cho biết, từ ngày 30/9/2015 đến hết 1/2016, toàn tỉnh bắt 203 vụ với 263 người sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ. Gần 2,6 tấn pháo các loại bị tịch thu, tăng 0,9 tấn so với cùng thời điểm 2015. (Theo VnExpress)

Theo Theo Zing/VnExpress