Dự thảo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí. Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết trường đã hai lần được kiểm định (năm 2009 và 2016), thực tế cho thấy, bộ tiêu chuẩn hiện hành đã có nhiều tiêu chí không phù hợp.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội còn cho biết thêm, từ trước đến giờ, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải thực hiện 3 công khai. Nhưng nhiều trường, số liệu bị biến báo hoặc báo cáo xong không ai thẩm định.
“Với việc đẩy mạnh kiểm định cũng như trong quy chế tuyển sinh 2017, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải báo cáo thêm một số chỉ số thì mới được tuyển sinh và giao cho 4 trung tâm kiểm định thẩm định. Do đó sẽ có nơi để “quy trách nhiệm”. Các trường báo cáo sai sẽ bị dừng tuyển sinh. Các trung tâm kiểm định thẩm định không tốt sẽ bị xử lý” - ông Thanh khẳng định.
Chưa hoàn toàn có “văn hóa chất lượng”
Bên lề buổi tọa đàm, điều mà báo chí quan tâm nhất đó là công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm của các trường ĐH trong năm 2018. Theo quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT, các trường phải công bố tỷ lệ này mới được phép tuyển sinh.
Trước đó, Tiền Phong cũng đã có bài viết đưa ý kiến của các chuyên gia giáo dục về vấn đề này là ai thu thập, ai kiểm chứng. Trước câu hỏi làm thế nào để mẫu điều tra của các trường tiệm cận được với tình hình thực tế, ông Nguyễn Văn Long cho hay để có thể lấy được số liệu tuyệt đối thì phải có chính sách “vét cạn”. Tức là các trường phải điều tra được 100% số lượng sinh viên ra trường. Tuy nhiên, vấn đề đó là không khả thi vì hiện tại mạng công nghệ thông tin của các trường chưa hoàn hảo để làm được việc đó.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, với bộ tiêu chuẩn hiện hành, Bộ GD&ĐT tiếp cận theo hướng quản trị ĐH bằng các quy định. “Tương tự như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy giai đoạn đầu. Nhưng khi “văn hóa chất lượng” các trường ĐH tốt hơn thì việc áp đặt không còn mang lại hiệu quả bằng quản trị ĐH theo nguyên lý và nguyên tắc. Việc chuyển từ bộ tiêu chuẩn hiện hành sang bộ tiêu chuẩn mới đang đi theo hướng như thế. Tôi nhấn mạnh là đi theo hướng đó, còn các trường ĐH hiện hành của Việt Nam chưa hoàn toàn có văn hóa chất lượng” - GS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, khi công bố các số liệu 3 công khai hay tỷ lệ sinh viên có việc làm thì nhiều trường khai báo số liệu cao ngất ngưởng. Do đó, với các trung tâm kiểm định, khi thực hiện kiểm định, sẽ phải tìm phiếu khảo sát gốc ví dụ như yêu cầu cung cấp bảng đóng bảo hiểm cho cán bộ, giảng viên của trường hay thậm chí chạy lại số liệu để xác định độ trung thực hoặc phỏng vấn lại, phỏng vấn độc lập.
Tuy nhiên, được biết, dù Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh kiểm định nhưng với 271 trường ĐH hiện nay, 4 trung tâm kiểm định, 240 người được cấp thẻ kiểm định viên, 700 người đã hoàn thành bồi dưỡng chương trình kiểm định viên thì khó có thể nói đến năm 2018 kiểm định hết các trường ĐH.
Do đó, khó có thể thẩm định được hết số liệu tỷ lệ sinh viên có việc làm. Ông Nguyễn Văn Long cho rằng các trung tâm sẽ thẩm định ngẫu nhiên một số trường nào đó. Nhưng như thế, dư luận sẽ vẫn băn khoăn là sẽ có trường “lọt” để được tuyển sinh.