Xã tín - hồi năm

TP - Có một thứ niềm tin, không biết nên gọi là gì, tác giả tạm gọi nó là xã tín. Khác ở ta, có tư tín và có vẻ đang ngày càng ít đi, ở các nước phát triển, xã tín đặt căn bản cho sự tồn tại an toàn xã hội. Anh La ở trong bài viết như là mặc định tên nhân vật mà tác giả gửi gắm.

 >> Xã tín - hồi bốn

Sau bao nhiêu năm lạc nhau, Anh La gặp lại được anh bạn cũ xưa trên mảnh đất xa xôi này. Chàng Lynh, cùng trường nhạc từ thuở ấu thơ.

Thật tuyệt vời!

Lynh hồ hởi mời Anh La đi uống càfê hàn huyên ở sảnh sân trước tòa thị chính.

Đủ chuyện xưa xộc ra, như hai chàng vừa mới trốn ngủ, chui ra khỏi trường nhạc đi chơi buổi trưa năm nào cùng mấy chúng bạn. Các làng ổi, hồng xiêm, nhãn… vây quanh trường, con dốc phi lao dài với những chú châu chấu voi vĩ đại không thấy ở đâu khác. Quảng Bá một thời thơ mộng. Leo qua bờ đê thì ra đến bãi sông Hồng, đỏ ngau cả từ đất bãi, nước sông, đến cánh buồm và nước da dân chài. Rồi chuyện tổ piano của Lynh hầu hết toàn con gái, chuyên được là tổ mẫu, cờ gì nhỉ? Tổ của Anh La là tổ violon, suốt đời cờ Rùa.

Rồi chuyện quá nửa năm sau thì lụt nước trong trường, cả trường được về chiếm cả tòa Văn Miếu Hà nội. Hà nội đẹp và vắng tanh, vì tất cả các trường học bình thường vẫn còn đi sơ tán, chưa được mở lại. Được chiếm lĩnh trọn cả Văn Miếu nửa năm trời, hỏi có gì bằng? Dãy này tổ nhị sáo, dãy kia tổ violon, dãy nọ tổ piano, rồi các tổ violoncelle, thập lục, accordéon... Xa nữa là các tổ họa. Nô đùa nhau trong mọi ngóc ngách Văn Miếu của riêng mình, tự hỏi có phải mình là những học sinh cuối cùng của Văn Miếu từ hàng trăm năm nay không?

Trời ngả chiều dần, rồi cũng đến lúc phải chia tay.

Lynh nhất định trả tiền, “tôi đi làm rồi, có lương đàng hoàng. Anh La cứ có công việc đàng hoàng rồi mời tôi sau!”.

Lynh gọi thanh toán. Người nhà hàng nhanh nhẹn mang ra tờ thanh toán kẹp lại để trên bàn rồi mất hút.

Lynh đếm tiền, để lại trên đĩa, rồi cùng Anh La ra về.

Trên đường về, Anh La thắc mắc.

- Lúc trả tiền, anh đếm kỹ chứ?

- Có, kỹ rồi.

- Thế họ không ra nhận ngay à?

- Không nhất thiết, mà đa phần là họ không ra nhận ngay.

- Thế nhỡ mình trả thiếu họ thì sao?

- Thường mình trả dôi ra một chút. Mà cũng có thể có trường hợp nhầm lẫn thiếu thật nhỉ, có thể lắm...

- Thế họ cũng chấp nhận thế à?

- Đấy là vẻ đẹp ở Pháp! Khi trong xã hội người ta còn lấy niềm tin làm vẻ đẹp quí phái.

Theo Báo giấy