Xã hội hóa hay kinh doanh di tích?

TP - Kể từ khi UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý giao cho Công ty CP Giáo dục Trí Nhân Tâm (Cty Trí Nhân Tâm) “công quả” đầu tư tôn tạo Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, đã không chỉ làm biến dạng một di tích lịch sử linh thiêng mà còn làm sặc mùi “buôn thần, bán thánh”.
Cảnh nhếch nhác, lộn xộn thiếu tôn nghiêm

Biến dạng sau tôn tạo

Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh nằm phía Nam chân Đèo Ngang, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, do người dân lập nên để tưởng vọng công đức trừ ác, diệt tà của Công chúa Liễu Hạnh từ hàng trăm năm nay. Năm 2000, đền thờ này được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, là điểm đến tâm linh của người dân khắp cả nước.

Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Quảng Bình đã có văn bản tham mưu lên UBND tỉnh Quảng Bình cho phép Cty Trí Nhân Tâm đầu tư tôn tạo và mở rộng Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, theo chủ trương xã hội hóa, với tổng mức đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Ngày 22/8/2013, công ty này khởi công xây dựng công trình và cam kết đến ngày 2/4/2014 sẽ hoàn thành và bàn giao lại cho cơ quan có chức trách quản lý sử dụng.

Đây được xem là một chủ trương đúng, trong lúc kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn. UBND tỉnh Quảng Bình đã giao cho Sở VHTT&DL Quảng Bình giám sát để đảm bảo tinh thần trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, không hiểu vì quá vui mừng trước sự “phát tâm công quả”, hay vì lý do khác mà sở này đã “ưu ái” giao toàn quyền đảm nhiệm tất cả các công đoạn từ: thiết kế, thi công, giám sát, lựa chọn nhà thầu, quản lý tiền đóng góp của tất cả tổ chức, cá nhân... cho chủ đầu tư trong quá trình đầu tư tôn tạo Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh.

Không có sự giám sát của cơ quan chức năng, công ty này đã vô tư tự tung, tự tác trong đầu tư tôn tạo. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông: Kiến trúc của Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh đã bị biến dạng so với trước như việc: tự ý hạ nền của ngôi điện chính xuống 70cm, thay đổi trang thờ, chặt bỏ 7 cây cổ thụ đã có hàng trăm năm nay, đập bỏ miếu thờ của ông Thiện, ông Ác đứng trước tam quan, xây mới hai trụ biểu và cổng tam quan cũng bị thay đổi một số kiến trúc.

Theo một nhà nghiên cứu văn hóa, xin được giấu tên, thì việc trùng tu tôn tạo ở Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản, vì đã làm thay đổi các kiến trúc nguyên bản, yếu tố chính tạo nên một di tích. Ngay như việc hạ nền điện chính đã thể hiện sự không hiểu biết ý tứ của người xưa. Theo đó, xưa người ta làm mái đền thấp không phải vì thiếu tiền mà thể hiện tính tôn nghiêm, tất cả những ai vào đền, dù có đức cao vọng trọng đến đâu cũng phải cúi đầu trước Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” theo quan niệm của người xưa.

Nhếch nhác và đậm chất thương mại

Cảm nhận khi đến Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh trong những ngày này, hình ảnh rêu phong, cổ kính, cây cối um tùm linh thiêng nay không còn, thay vào đó là cảnh nhếch nhác, lộn xộn, sặc mùi tiền. Ở nhà biện lễ, người ta cho dán thông báo bán các loại sớ: Cầu phúc, giải hạn, cầu siêu, cầu duyên, cầu con... Ngay trước chính điện, một cái rạp che bạt được dựng lên để nhân viên của công ty này bán sớ và cho các thầy bói hành nghề thu tiền.

Theo quan sát của PV, hầu hết nhân viên của Cty Trí Nhân Tâm có mặt ở đây chỉ tập trung vào việc thu tiền mà không quan tâm đến việc hướng dẫn người dân vào đền hành lễ. Ai muốn đặt lễ ở đâu cũng được, muốn thắp hương, hóa vàng bao nhiêu, ở đâu cũng xong, rác thải vương vãi khắp đền... Ngoài một hòm công đức đặt ở điện chính, gọi là tiền “giọt dầu”, công ty này còn đặt một chiếc bàn và hòm công đức ghi rõ đóng góp tôn tạo, xây dựng đền. Ai đến đây bỏ tiền sẽ được người của Cty ghi một giấy chứng nhận.

Hỏi chuyện một trong hai người ngồi ghi giấy chứng nhận, người đàn ông chừng 50 tuổi cho biết tên là Phan Văn Thành, là người của Cty Trí Nhân Tâm, đồng thời là phó ban thường trực quản lý Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh. Ngay trước mặt ông Thành là rác ngập lối đi, nhưng ông này không hề có ý kiến mà chỉ tập trung viết giấy chứng nhận cho người hành hương. Ông Thành cho rằng, do người quá đông nên bất lực, không thể quản lý người dân đến hành lễ, đành để cuối ngày dọn dẹp vậy.

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, để phục vụ cho việc thi công tôn tạo, toàn bộ số tiền công đức thu được phải minh bạch thông qua một ban quan lý gồm 7 người đại diện cho phòng Văn hóa của huyện, xã Quảng Đông và Cty Trí Nhân Tâm. Toàn bộ số tiền thu được mỗi năm sẽ nộp vào ngân sách xã Quảng Đông 30 triệu đồng, số còn lại sẽ giao cho Cty Trí Nhân Tâm dùng vào việc đầu tư tôn tạo.

Tuy nhiên, phía Cty Trí Nhân Tâm chỉ minh bạch trong việc kiểm đếm tiền “giọt dầu”, còn lại tiền bán sớ, tiền thầy bói, tiền thu ở các hàng bán đồ lễ, tiền công đức... công ty này không chịu cho các thành viên ban quản lý kiểm đếm.

“Sớ cầu phúc, giải hạn là do Cty Trí Nhân Tâm tự làm, hay như các thầy bói cũng do công ty này mời từ Hà Tĩnh về cùng hợp tác làm ăn. Tiền thu được nhiều lắm. Ngay tiền bán sớ, bình quân mỗi ngày cũng hơn chục triệu, tiền giọt dầu cũng năm sáu mươi triệu, còn tiền công đức và các loại tiền khác thì chúng tôi không được biết” - ông Hoàng nói.

Được biết, Cty Trí Nhân Tâm cam kết đến đầu tháng 4 năm nay sẽ hoàn thành, nhưng cho đến nay công ty này chỉ mới cải tạo các hạng mục sẵn có, còn hơn chục hạng mục xây dựng mới, chiếm phần lớn tổng vốn đầu tư thì hầu như chưa hề đả động như: hạ điện, trung điện, thượng điện và các công trình phụ trợ khác...

Trước Tết Giáp Ngọ, sau khi kiểm tra việc thi công trùng tu tôn tạo Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở VHTT&DL rà soát lại hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết và dự toán, các hồ sơ thiết kế phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thi công. Sở VHTT&DL cần thành lập tổ giám sát, chỉ đạo Trí Nhân Tâm trong dự án trùng tu tôn tạo... Tuy nhiên, xem ra những chỉ đạo này vẫn chưa được Sở VHTT&DL Quảng Bình thực hiện.