“Tôi kêu gọi ngừng tiêm mũi tăng cường đến ít nhất là cuối năm nay, để tất cả các quốc gia trên thế giới đều có thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số của mình”, Tổng Giám đốc Tedros cho biết tại một cuộc họp hôm thứ Tư.
Ông nói thêm rằng trong khi 90% các quốc gia giàu có đã vượt ngưỡng tiêm chủng cho 10% dân số, 70% quốc gia đã chạm mốc 40%, thì “không quốc gia thu nhập thấp nào đạt được các mục tiêu nói trên”. "Đó không phải là lỗi của họ."
“Rất nhiều người đã nói về công băng vắc-xin, nhưng gần như không ai hành động. Chúng tôi không muốn bất cứ lời hứa xuông nào nữa. Chúng tôi cần vắc-xin”, ông Tedros nói.
Người đứng đầu WHO thừa nhận việc cần thiết phải sử dụng liều bổ sung cho những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm hoặc những người "không còn sản xuất kháng thể”. Nhưng ông nhấn mạnh rằng hiện tại, chưa nên tiêm vắc-xin tăng cường cho những người tương đối khỏe mạnh và đã tiêm phòng đủ liều.
“Chúng tôi không muốn thấy vắc-xin được sử dụng rộng rãi như mũi tăng cường cho những người khoẻ mạnh đã được tiêm chủng đầy đủ.”
Đề cập đến các “ông lớn” ngành dược phẩm và đồng minh của họ trong các chính phủ trên khắp thế giới, ông Tedros thẳng thắn nhận định rằng các tập đoàn sẽ chỉ làm việc với các quốc gia trả nhiều tiền, trong khi các quốc gia nghèo hơn chỉ nhận được phần thừa mứa.
Giám đốc WHO cho biết ông hy vọng sẽ có 70% dân số được tiêm ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022, nhưng chiến dịch tiêm tăng cường ở các quốc gia châu Âu và Mỹ có thể khiến nhiều quốc gia khác khó đạt được mục tiêu này.
Bất chấp việc WHO liên tục phản đối việc tiêm nhắc lại, người đứng đầu khu vực châu Âu của WHO - Hans Kluge đã đưa ra những lập luận trái ngược.
"Liều tăng cường không phải là món đồ xa xỉ bị cướp khỏi tay những người chưa được tiêm liều đầu tiên. Về cơ bản, đó chỉ là cách để bảo vệ nhóm những người dễ bị tổn thương nhất”, ông Kluge nói.
"Chúng ta phải cẩn thận một chút với việc tiêm liều tăng cường vì vẫn chưa có đủ bằng chứng", ông nói thêm. “Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy liều thứ ba sẽ giúp đảm bảo an toàn cho những người dễ bị tổn thương, và điều này đang được các quốc gia trong khu vực châu Âu thực hiện ngày càng nhiều."
Tại Mỹ, việc tiêm liều tăng cường đã được chấp thuận cho những người bị suy giảm miễn dịch, và hiện mới chỉ có vắc-xin Pfizer được cấp phép để tiêm liều thứ ba.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố chiến dịch tiêm nhắc lại toàn dân, dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 20/9.