Chị Lê Thị Lệ (28 tuổi, thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang ở tháng cuối của thai kỳ. Mang thai đứa con thứ 3, và do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chị Lệ quyết định sinh con trên đảo. Gần đến ngày sinh cũng là lúc bão số 5 quần thảo ngoài Biển Đông, lăm le áp sát đất liền.
23 giờ đêm 11/9, khi gió gầm rú, mưa như tát vào mặt thì chị Lệ có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa vào Trung tâm y tế huyện Lý Sơn. Đến 2 giờ sáng 12/9, chị vỡ ối. Chừng 7 giờ sáng 12/9, qua siêu âm, bác sĩ thấy nước ối đã khô kiệt mà vẫn chưa sinh được. “Sợ nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con, nên dù thời tiết còn rất xấu nhưng chúng tôi vẫn phải làm thủ tục chuyển viện rồi báo cáo lên ngành chức năng để họ xử lý, đồng thời cử y tá Nguyễn Thị Thủy đi cùng, hỗ trợ thai phụ”, bác sĩ Phạm Đình Xuân - Phó trưởng khoa Ngoại sản, Trung tâm y tế huyện Lý Sơn cho biết.
Từ tờ mờ sáng 12/9, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn liên tục nhận được điện thoại về trường hợp sản phụ Lệ mà lòng rối như tơ vò: “Thời điểm bình thường thì không nói, nhưng đây lại ngay lúc bão đang hoành hành. Biển động, sóng lớn, tàu thuyền không được ra khơi. Trên đảo không đảm bảo điều kiện mổ đẻ, mà giờ để lại, không chuyển vào bờ thì nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Bên y tế cố gắng cầm cự cho thai phụ, kéo dài thời gian chờ bão qua”, bà Hương kể.
Mãi đến khi trời sáng rõ, gió lặng dần, mưa ngớt hạt. Sau khi báo cáo, xin ý kiến ngành chức năng, chính quyền chấp thuận để gia đình thuê tàu cao tốc vào đất liền.
Nhận được điện thoại cầu cứu của gia đình sản phụ và sau khi trao đổi kỹ với chính quyền địa phương, ông Trần Đình Xem, chủ tàu cao tốc bần thần một lúc rồi chốt hạ: Đưa thai phụ vào bờ!
“Chuyện đưa người đi cấp cứu, đi đẻ trong điều kiện gió bão như thế này chẳng ai ép mình. Chi phí 18 triệu đồng nhưng chẳng đáng vào đâu nếu gặp xui rủi. Bởi ngoài chuyện thiệt hại lớn về tài sản, còn chuyện khác quan trọng hơn, đó là tính mạng con người. Chính quyền họ yêu cầu nếu đi phải đảm bảo an toàn, phía gia đình và chủ tàu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố. Đợi tàu công vụ thì chắc còn nhiều thủ tục rắc rối hơn nữa. Nhưng đây là chuyện cứu người như cứu hỏa, mình khoanh tay đứng nhìn cũng không được”, ông Xem chia sẻ.
Sau khi nhận lệnh của ông Xem, 9 giờ sáng 12/5, anh Lê Văn Hòa, thuyền trưởng tàu Super Biển Đông nổ máy, đưa thai phụ vào bờ. Sóng cấp 8, quăng quật mọi thứ trên mặt biển, chiếc tàu cứ nhảy chồm chồm, liên tục lắc lư, chao đảo. Bình thường, gió cấp 5, cấp 6, anh Hòa đã nghỉ biển, không đi. Nhưng đây là sự việc hy hữu, dù lo lắng nhưng anh vẫn cố gắng hết sức, chỉ mong cứu được người.
Hơn 50 phút vật lộn với sóng gió, đi được quá nửa chặng đường, sản phụ bất ngờ sinh con luôn trên tàu khi cách cảng Sa Kỳ khoảng 4 hải lý: “Tội nghiệp hai mẹ con, chắc sóng đánh dữ quá nên từ khó sinh mà thành sinh rớt trên tàu. Chừng vào bờ thì họ được đưa đi cấp cứu, may là không có vấn đề gì. Hơn 15 năm lái tàu, nhiều lần chở người đi cấp cứu, nhưng lần này quả là đáng nhớ”, anh Hòa thở phào.
Sau khi vào bệnh viện, chị Lê Thị Lệ tiếp tục được thăm khám và điều trị, hiện sức khỏe mẹ con đã ổn định. Chị Lệ dự tính sau xuất viện, trở về đảo, gia đình sẽ cố gắng làm lụng để trả lại số tiền vay mượn của bà con lúc đi sinh. Nhớ lại chuyến vượt biển bão táp vừa rồi, chị Lệ rơm rớm: “May nhờ chị y tá đi cùng cố gắng hết sức đỡ đẻ. Đỡ đẻ xong là chị ấy say tàu quá, ngất luôn. Mấy anh trên tàu cũng tội lắm, họ còn nói đùa nhớ đặt tên cho con là Super”.
Vào bờ sinh con
Cách đất liền chừng 18 hải lý, điều kiện y tế thiếu thốn nên từ lâu, việc mang thai, sinh nở của người dân đảo Lý Sơn gian truân hơn những nơi khác. Dù nghèo khó hay khá giả, trước ngày sinh con, nhiều phụ nữ huyện đảo Lý Sơn vượt sóng vào đất liền trước khoảng hai tuần, có khi cả tháng trời, thuê nhà trọ chờ đến ngày “vượt cạn”. Chi phí ăn ở, sinh hoạt thực sự trở thành gánh nặng với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Gần 4 năm trước, chị Nguyễn Thị Phương (thôn Đông An Vĩnh, Lý Sơn) cũng khăn gói vượt biển khi mang bầu chừng 8 tháng. “Ở đảo không yên tâm. Lúc đó sức khỏe kém nên vào đất liền là nhập viện luôn. Chừng sinh xong tính lại tổng chi phí gần chục triệu đồng. Đó là còn ít, chứ nếu thuê nhà trọ bên ngoài thì phải hơn 20 triệu đồng”, chị Phương nhớ lại.
Không ít trường hợp thai phụ sinh khó, vỡ ối sớm…, gia đình phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn 18-20 triệu đồng, thuê tàu cao tốc chở cấp cứu từ đảo vào bờ. Đó là chưa kể tốn thêm khoản tiền thuê xe hoặc taxi chở từ bến cảng Sa Kỳ đến bệnh viện và chi phí khác. Trong trường hợp nguy cấp ấy, may mắn “trời yên, biển lặng” thì thuê được tàu, còn gặp mùa mưa bão thì dễ nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, ngày càng có nhiều sản phụ ở huyện đảo này vào đất liền trước ngày sinh thời gian khá dài để dự phòng.
Dịch COVID-19 hoành hành, việc vào bờ gặp khó khăn hơn. Hành trình “vượt cạn” của không ít người phải thay đổi so với dự tính. Chị Phan Thị Thanh (thôn Tây An Vĩnh) vừa sinh con tại Trung tâm y tế huyện Lý Sơn, chia sẻ: “Lúc có bầu, định sẽ vào bờ sinh con, nhưng giờ dịch diễn biến phức tạp. Vào trong đất liền chỉ sợ dính COVID-19 nên đành chọn cách sinh trên đảo. May mà mọi thứ đều ổn”.
Hiện Lý Sơn đang triển khai xây dựng dự án Trung tâm y tế Quân Dân y kết hợp với quy mô 100 giường bệnh, cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu, chức năng của một bệnh viện đa khoa tuyến huyện hiện đại cấp III. Từ nay đến lúc dự án này hoàn thành phải mất thêm vài năm. Trong thời gian ấy, khó mà đo đếm hết được sẽ có bao nhiêu chuyến vượt biển đưa người đi cấp cứu như thế. Người dân trên đảo lại tiếp tục chịu thiệt thòi.
Nằm theo dõi, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Lý Sơn đã vài ngày, chị Bùi Thị Hợp (thôn Đông An Vĩnh) khá lo lắng vì sức khỏe kém ngay trong những tháng đầu thai kỳ. “Nếu là lúc không có dịch bệnh và mưa bão thì gia đình đã đưa vào bệnh viện trong đất liền để khám. Nhưng bây giờ đành chấp nhận ở lại trên đảo. Đợi tình hình khá hơn rồi thuê tàu đi”, chị Hợp cho biết.
Không chỉ riêng các thai phụ, việc khám, điều trị bệnh cho nhân dân trên hòn đảo tiền tiêu này cũng gặp không ít trở ngại. Và bất kể sớm khuya, mỗi lần có ca bệnh nặng hoặc phẫu thuật phải chuyển lên tuyến trên, người dân lại sấp ngửa đi thuê tàu. Những năm trước, vào mùa mưa bão, ngành y tế Lý Sơn thường được hỗ trợ thêm nhân lực nhưng 2 năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhân lực ít được tăng cường, khó khăn chồng chất khó khăn.
Mùa mưa bão năm 2021 chỉ vừa bắt đầu, nhưng đã có nhiều trường hợp phải thuê tàu vào đất liền cấp cứu, rất nguy hiểm và tốn kém. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vừa qua, huyện Lý Sơn đã đề nghị chính quyền bố trí 1 tàu dùng để chuyên chở người đi cấp cứu và tăng cường nhân lực y tế có chuyên môn cao cho đảo trong những tháng thời tiết xấu.