Cũng từ khi chơi hoa, Thủy bắt đầu làm thơ, Hoa và Thơ là hai người bạn tri kỷ của Thủy. Sau 10 năm, Thủy đã ra được một tập thơ 53 bài lấy tên Vườn cổ tích.
Mẹ Thủy, bà Hoàng Thúy Khanh kể lại, lúc sinh ra, Thủy đã bị xuất huyết màng não, ngất lên ngất xuống; mẹ phải thức 24/24 để canh chừng, hà hơi thổi ngạt cho con.
May mắn gặp được một bác sĩ hết lòng, lại là một chuyên gia về căn bệnh này, nên ông đã rút nước ở tủy sống của đứa trẻ ra xét nghiệm và phát hiện bé Thủy bị viêm màng não.
Ông đã làm hết sức mình để cứu sống Thủy, nhưng cũng đành rầu lòng mà nói với người mẹ trẻ rằng, cháu đã được cứu sống, nhưng sau này, dây thần kinh nói và vận động của bé sẽ bị ảnh hưởng khá lớn.
Đúng như lời bác sĩ, Thủy lên 4 - 5 tuổi vẫn nằm tại chỗ, không hề bi ba bi bô như những đứa trẻ khác, chỉ duy nhất đôi mắt đen đến lạ thường, trong veo, tinh anh khiến cho người nhìn vào đó cảm được rằng, quái bệnh kia không chạm được tới.
Dạy con bằng hoa lá, cây cỏ trong vườn
Cha của Thủy, ông Phạm Quang Đại - một giáo viên, hậu duệ của 9 đời tiến sĩ dòng họ Phạm, thấy đứa con như vậy thì đau thắt lòng. Ông bàn với vợ, dù thế nào cũng không thể để cho con mình suốt đời nằm trên giường như thế.
Những ngày đầu quả là gian nan, vất vả vì không như những đứa trẻ bình thường, chân, tay Thủy còng queo, chỉ đứng vững trên mặt đất thôi cũng phải trải qua những tháng dày công tốn sức.
Bé Thủy dường như cảm nhận được nỗi lòng cha mẹ, nên cắn răng chịu đau, dò dẫm từng bước, không hề than khóc.
Hơn một năm trời tập luyện, vào tuổi thứ 6, Thủy đã tự đi lại một mình trong căn nhà nhỏ, mặc dù, bước đi vẫn còn rất khó khăn, dè dặt.
Nhìn đứa con gái đầu lòng 6 tuổi tự bước đi những bước đầu tiên, hai vợ chồng nghèo nhìn nhau, vui mừng mà nước mắt cứ chảy dài.
Một năm nữa trôi qua, khi Thủy đã bước thấp bước cao quanh sân nhà, bố mẹ Thủy chợt nghĩ mặc dù con đi lại, nói năng khó khăn, nhưng đầu óc hoàn toàn bình thường, vẫn có thể theo học được. Vậy là mẹ Thủy bắt tay vào dạy học cho con ở nhà.
Nhưng lạ thay, mặc dù Thủy rất thông minh, sáng dạ, trí nhớ tốt, nhưng cứ mỗi lần ngồi vào bàn học là Thủy lại sợ, khóc, đến nỗi có 1 chữ mà học cả ngày không xong.
Suốt cả một tuần liền không học được chữ nào. Người cha gợi ý thử hình thức khác vì có thể con nó dị ứng với cách ngồi học. Mẹ Thủy nghe vậy, liền đến gặp bác sĩ nhờ tư vấn và thay đổi cách dạy bằng “giáo cụ trực quan”.
Từ đó, tất cả những đồ vật xung quanh, những cây cối, hoa lá trong vườn, chỉ vài ngày sau là Thủy thuộc làu làu.
Sau một năm, “chứng sợ học” bỗng dưng biến mất, thay vào đó, Thủy đòi mẹ cho đi học trường làng. Ban đầu người mẹ lo lắm, tuy nhiên sau khi tham khảo cô hiệu trưởng, mẹ đã đưa Thủy đến trường.
Nhà trường đã tổ chức kiểm tra khả năng, kiến thức của cô bé và cho Thủy vào học lớp 2. Khi thấy Thủy đi lại, giao tiếp khó khăn, một số bạn trong lớp hay trêu chọc. Về nhà Thủy khóc, mẹ bảo, nếu con muốn các bạn không trêu nữa, con càng phải học thật giỏi.
Nghe lời mẹ, Thủy gắng sức, từ lớp 2 cho hết cấp 3, bao giờ Thủy cũng nằm trong tốp đầu của lớp. Hết phổ thông, Thủy cũng thi đậu vào một trường.
Tuy vậy, khi kiểm tra sức khỏe, nhà trường đã từ chối tiếp nhận. Cánh cửa cuộc đời đã đóng sập trước mặt nữ sinh tật nguyền.
Hoa Mặc Lan
Thương con và muốn cho con được khuây khỏa, mẹ Thủy đi săn tìm các loài hoa đẹp về trồng ở vườn. Thủy mê hoa lắm. Lúc đầu, hai mẹ con trồng đào, quất, sau có lần, được một người bạn tặng cho một nhành lan, suốt ngày Thủy mê mẩn bên nhành lan ấy và cũng từ đó, người mẹ chịu khó đi săn tìm các giống lan về trồng.
Sau 5 năm, cả khu vườn rộng gần 1.000 mét vuông phủ đầy các loại lan. Trong một cuộc thi do huyện Từ Liêm tổ chức, những cánh hoa lan của hai mẹ con Thủy đã được Ban tổ chức chấm giải cao. Thủy gọi khu vườn hoa của mình là “vườn cổ tích”.
Trong các loài hoa, Thủy say đắm Mặc Lan, nó không đẹp rực rõ mà tiềm ẩn một cá tính độc đáo. Loài hoa này rất khó trồng, màu xanh đậm nên mới có tên gọi Mặc Lan (màu mực). Đất để trồng Mặc Lan phải là đất bùn phơi thật khô rồi bẻ thành từng miếng như quả cau xếp vào trong chậu sao cho có nhiều kẽ hở để thông thoáng.
Mùa hè phải che mưa gió, nếu để ngoài trời mầm sẽ bị thối. Mỗi một thân hoa chỉ cho ra được một mầm mỗi năm. Sau nhiều năm lá rụng hết chỉ còn lại một thân già phải được chăm sóc rất kỹ càng mới có thể trổ hoa… Nhiều nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ khi đến thăm vườn hoa đều trầm trồ trước vẻ đẹp của các loài hoa.
Đặc biệt, nếu đến thăm vào mùa xuân, khách sẽ được chiêm ngưỡng cây đào cổ cùng lúc ra 3 loại hoa: đào phai, đào bích và bạch đào.
Cũng từ khi chơi hoa, Thủy bắt đầu làm thơ, Hoa và Thơ là hai người bạn tri kỷ của Thủy. Sau 10 năm, Thủy đã ra được một tập thơ 53 bài lấy tên là Vườn cổ tích, trong đó hầu hết là những bài thơ về hoa.
Họa sĩ Trương Thảo đã cảm thán rằng: “Nữ sĩ Thu Thủy, một con người vươn lên số phận, đã dâng cho đời những bông hoa ngát hương, nồng nàn trong tập thơ Vườn cổ tích”.
Tôi đã đọc những vần thơ đó với sự thích thú, hồi hộp, mong chờ, một cảm giác như khi tôi đọc tác phẩm của Andersen hay nghe nhạc Beethoven”.
Còn nhạc sĩ Đỗ Kim Yến thì cảm nhận rằng: “Ta đã thành con ong, lạc vào vườn cổ tích, những nhành thơ mê đắm, lần theo dòng nước nhỏ, mộng du vào mê cung…”.
Phạm Thu Thủy
'Thơ là chiếc nôi'
Thơ là chiếc nôi
Em ru cái giận
Cái giận ngủ rồi
Cái thương còn thức…
Cái nhớ day dứt
Đêm ngày không yên…
Chiếc nôi dịu hiền
Cánh hồng xanh mướt
Bao niềm mơ ước…
Ru mình thương nhau.
(trích trong “Vườn cổ tích”)