Vụng nước lúc nhúc cá tiến vua tưởng đã tuyệt chủng

Thung Thắm này không lớn nhất, lại thông với các thung, các ngòi khác, thế nhưng, lạ ở chỗ, cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua không có ở bất cứ chỗ nào ngoài thung Thắm. Loài cá này sống ở đây, chết cũng ở đây.

Vụng nước lúc nhúc cá tiến vua tưởng đã tuyệt chủng

> Nuôi thành công cá 'tiến vua'

Thung Thắm này không lớn nhất, lại thông với các thung, các ngòi khác, thế nhưng, lạ ở chỗ, cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua không có ở bất cứ chỗ nào ngoài thung Thắm. Loài cá này sống ở đây, chết cũng ở đây.

Cá rô Tổng Trường là món tiến vua. Ảnh internet.

Từ lâu, trong những chuyến công tác về Ninh Bình, khi đàm đạo về món ăn, chúng tôi thường trò chuyện về cá rô Tổng Trường, hay cá tràu, là hai loài cá tiến vua, được ghi chép trong sử sách từ thời vua Đinh và Tiền Lê.

Theo Thạc sĩ Ngô Sỹ Vân, Chủ nhiệm đề tài bảo tồn và phát triển cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua, trước những năm 1990, sản lượng khai thác cá tràu tự nhiên ở Hoa Lư khoảng 600kg/năm.

Năm 2005 và 2006 chỉ khai thác được 50-100kg, đến năm 2007, thì chỉ khai thác được 20-40kg. Những năm sau đó số lượng khai thác ngoài tự nhiên không đáng kể.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, chẳng mấy người được thưởng thức loài cá này. Đơn giản vì trong suy nghĩ của người Ninh Bình, hai loài cá tiến vua này đã tuyệt chủng.

Dù vậy, người Ninh Bình, ai cũng thuộc câu ca dao cổ: “Dập dìu cánh hạc chơi vơi Tiễn thuyền Vua Lý đang rời kinh đô Khi đi nhớ cậu cùng cô Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”.

Mấy năm nay, một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại, đào hồ, đắp đập để nuôi loài cá này. Tuy nhiên, sản lượng không cao và chất lượng cũng không đạt. Thứ đặc sản kia, dường như chỉ còn trong những câu chuyện cổ tích.

Thế nhưng, một ngày, khi chúng tôi ghé thăm đền Trần, ngôi đền nhỏ ẩn trong vách đá thung sâu thuộc Quần thể di tích và danh thắng Tràng An, gặp người đàn ông sống trong “tuyệt tình cốc”, mới biết rằng, trong cái thung lũng đó, vẫn còn khá nhiều loài cá tiến vua.

Người đàn ông ấy là Dương Đình Thanh. Ông Thanh vốn quê ở xóm Đông (Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Vào những năm 70 của thế kỷ trước, ngày nào cũng vậy, ông cùng những thanh niên lớn tuổi hơn gồm ông Bai, Son, Khúc, Hòa, chèo thuyền vào thung Thắm cắm câu, đơm lươn, bắt cá. Đây là thung lũng xa nhất của khu ngập nước Tràng An.

Mấy chục năm gắn với thung Thắm bằng việc lặn ngụp mò cua bắt ốc, nên phần cuối cuộc đời, ông quyết vào đây ẩn dật, hương khói trông coi ngôi đền Trần.

Theo ông Thanh, xưa kia, thung Thắm cực kỳ nhiều cá. Những con cá trắm đen nặng vài chục kg, lừ đừ như quả bom dưới nước. Loài lươn ở thung Thắm cũng to đến phát khiếp. Có con lươn ông từng bắt được, to bằng cổ tay, nặng hơn 1kg. Đơm được những con lươn đen sì này, đem về làng, cho không ai dám ăn, vì nhìn nó… to quá!

Cùng với cá rô Tổng Trường, cá tràu vùng Trường Yên cũng là món dâng vua. Ảnh internet.

Thậm chí, ông Son còn bị một con lươn khổng lồ hung dữ cắn chặt ngón tay. Mọi người phải chặt đầu lươn, tách sọ nó, mới gỡ được ngón tay te tua máu.

Ngay cả bây giờ, trong thung Thắm vẫn còn những con lươn to bằng cổ tay. Mùa Xuân, mùa sinh sản, nó vẫn ngóc đầu khỏi mặt nước, với cái thân thòng lõng trong dòng nước trong vắt. Có bận, ông Thanh đem gà, vịt vào thung Thắm thả, bọn lươn khổng lồ đớp chân rút sạch.

Nhưng loài sản vật đáng chú ý nhất ở thung Thắm này lại là cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua. Theo ông Thanh, từ năm 70 đến nay, ông vẫn câu, đánh lưới được loài cá này và ông ăn chúng như thứ thức ăn bình thường.

Một góc vụng Thắm .

Chỉ đến khi, cách đây độ chục năm, một đoàn các nhà khoa học, khi đi khảo sát hang động, địa chất trong thung Thắm, tá túc trong lều cỏ của ông, được ông thết đãi hai món mà ông gọi là cây nhà lá vườn, ấy là cá rô và cá tràu tiến vua, khiến các nhà khoa học bàng hoàng, thì ông mới biết loài cá này đã… tuyệt chủng! Lúc đó, ông mới biết hai giống cá mà ông ăn suốt mấy chục năm là cá quý, xưa kia chỉ để tiến vua.

Ngay lập tức, ông Thanh được các nhà khoa học, được khu du lịch Tràng An giao nhiệm vụ trông coi thung Thắm, cấm mọi hành vi đánh bắt cá, xâm phạm thung Thắm, nhằm bảo vệ loài cá hoang dã này.

Ông Thanh kể: “Giờ tôi để ý mới thấy hai giống cá này lạ chú ạ. Thung Thắm này không lớn nhất, lại thông với các thung, các ngòi khác, thế nhưng, lạ ở chỗ, cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua không có ở bất cứ chỗ nào ngoài thung Thắm. Loài cá này sống ở đây, chết cũng ở đây”.

Theo ông Thanh, dưới vụng Thắm còn rất nhiều cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua.

Nói rồi, ông Thanh dẫn tôi lên đền Trần. Đó là ngôi đền nhỏ, xây dựng bằng đá, nằm dưới chân một mái đá cao vòi vọi. Đền thờ Thánh Minh Đại Vương, tên húy Nguyễn Hiển, em song sinh của Nguyễn Sùng và là em con chú của Sơn Tinh.

Ngôi đền được xây dựng từ thời Đinh, gọi là đền Hiềm (trấn phía Nam). Tuy nhiên, đến thời Trần, vua Trần Cảnh ngang qua đây, đã đổi tên đền Tứ Trấn thành đền Trần và tên đó tồn tại đến ngày nay.

Thắp hương khấn vái xong, ông Thanh lần tay dọc 4 chiếc cột đá xanh chạm khắc rồng phượng tuyệt đẹp và chỉ tôi hình thù những con cá. Tôi nhìn kỹ, thì đúng là hình những con cá rô rất sinh động, có kích cỡ tương đương cá thật.

Hình ảnh cá rô có trên cột đá của ngôi đền có từ thời Đinh trong vụng Thắm .

Theo hình khắc, thì con rồng đang hút nước và cá rô muốn hóa rồng nên cũng cố nhảy lên theo dòng nước. Một cột biểu tượng cho tình yêu cuộc sống, một cột cầu mưa thuận gió hòa, một cột quốc thái, cột còn lại biểu tượng dân an. Cả 4 cột đá với 4 biểu tượng đều có hình ảnh con cá rô Tổng Trường.

Ngoài việc nói về vụ thảm sát 1.000 năm trước, thì truyền thuyết ngôi đền cũng nhắc đến cá rô và cá tràu, là hai món ăn dùng để tiến vua.

Ông Thanh đứng bên mép đền, chỉ tay khắp thung Thắm. Ông kể rằng, theo truyền thuyết ghi trên bia đá, thì tại thung lũng này, từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp trong lịch sử.

Hiện chỉ vụng Thắm thấy xuất hiện hai loài cá tưởng đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Tướng Phạm Bạch Hổ, người trung thành với nhà Đinh, đã đem 1.000 quân vào thung lũng này cầm cự với nhà Tiền Lê. Ông lấy thung Thắm làm căn cứ rèn quân, khôi phục binh mã. Tuy nhiên, sau một cuộc vây ráp dài ngày, ông cùng 1.000 quân sĩ đã thiệt mạng. Máu chảy ngập thung lũng, nên từ đó, vụng nước này được gọi là thung Thắm.

Ông Dương Đình Thanh vạch cỏ dẫn tôi men theo mép nước thung Thắm. Ven bờ, nước chỉ sâu độ gang tay, thế nhưng, thi thoảng lại thấy cá quẫy đạp, rồi phóng vèo thành tia nước. Ông Thanh bảo, đó là bọn cá tràu.

Khi yên tĩnh, cá tràu mò vào ven bờ, chui vào khe đá làm ổ. Mùa sinh con, chúng cũng làm ổ, đẻ và nuôi con như cá chuối. Ông Thanh chỉ việc dùng cần câu, nhử ở các khe đá, sẽ câu được cá tràu. Ở vụng Thắm này, không thiếu những chú cá tràu cụ, nặng tới trên 1kg.

Ngôi đền Trần trong vụng Thắm, nơi lưu trữ huyền thoại cá tràu và cá rô.

Cá rô Tổng Trường thì khó gặp hơn. Phải thả lưới ở các hang đá, hoặc thả mồi câu mới tóm được chúng.

Sở dĩ gọi là cá rô Tổng Trường, vì loài cá này chỉ có ở vùng Tổng Trường Yên, thuộc huyện Hoa Lư (bao gồm vùng ngập nước Tràng An, nơi có vụng Thắm). Chúng sống trong các đầm lầy, hang động ngập nước.

Theo ông Thanh, cá rô Tổng Trường to hơn rô đồng rất nhiều. Ông Thanh thường xuyên bắt được những con cá rô to bằng bàn tay, nặng ngót nửa kg. Do loài cá này sống ở trong hang động, tối tăm, nên có nhiều biến dị, khác với cá rô thường. Thịt cá rô Tổng Trường béo, thơm, dai, ăn một miếng ngọt tận chân răng. Thịt cá tràu cũng mang hương vị đặc trưng, không loài cá nào sánh bằng.

Theo ông Thanh, sở dĩ vụng Thắm còn hai loài cá cúng tiến vua, là vì vụng Thắm nằm sâu trong núi, chỉ có một đường vào. Ông Thanh là người chặn ngay đầu con đường đó và canh giữ, bảo tồn loài cá này. Ngoài ra, vụng Thắm có nhiều hang động sâu hun hút trong lòng núi, nên thợ săn cá không dễ gì bắt hết được chúng.

Việc bảo tồn hai loài cá tiến vua trong vụng Thắm, tưởng như đã tuyệt chủng ở tự nhiên, có lẽ cần sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học, đặc biệt là những chuyên gia thủy sản.

Theo Phạm Ngọc Dương
VTC

Theo Đăng lại