Vùng lũ khát nước sạch

TP - Theo quyết định quy hoạch được duyệt, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận sử dụng nguồn nước sạch sông Ðà phải hoàn thiện vào năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy, gây nhiều khó khăn cho bà con nhân dân vùng trũng Chương Mỹ, nơi 9 tháng qua chịu hai lần ngập lụt nặng nề.
Vùng rốn lũ Chương Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn khi chưa có nước sạch. Ảnh: Trường Phong.

Hàng vạn dân thiếu nước sạch

Sáng 28/8, Đoàn giám sát Ban đô thị HĐND thành phố Hà Nội làm việc với UBND huyện Chương Mỹ về việc thực hiện các dự án cung cấp nước sạch trên địa bàn. Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Chương Mỹ, đến nay, trên địa bàn có 13 trạm cấp nước. Tuy nhiên, phần lớn trong số này đã xuống cấp trầm trọng, hoặc không hoạt động. Toàn huyện, theo thống kê chưa đầy đủ, chưa đến 20% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Nếu tính theo tiêu chuẩn nước sạch đô thị thì tỷ lệ này là 0%.

Ngoài 13 trạm cấp nước nói trên, trên địa bàn huyện Chương Mỹ hiện được quy hoạch dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận, sử dụng nguồn nước sạch sông Đà do Cty Môi trường Đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 745 tỷ đồng. Theo mục tiêu, dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 18 xã, thị trấn thuộc huyện Chương Mỹ và một số xã thuộc huyện Quốc Oai. Trong số các địa bàn thuộc mục tiêu cấp nước của dự án, có những xã vừa hứng chịu đợt lụt lịch sử vừa qua như Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ...Theo tiến độ, lẽ ra, năm 2017 phải hoàn thành, tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa triển khai được.

Theo ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc Cty Môi trường Đô thị Xuân Mai, lý do chậm triển khai dự án chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục xin phép thi công đào hè đường để làm đường ống...Ông Oanh lý giải, vì vướng giải phóng mặt bằng, nên không thể xây dựng được trạm bơm tăng áp, nên nếu có nguồn nước tự chảy từ Hòa Lạc về Xuân Mai nhưng không có mặt bằng để xây dựng bể chứa và trạm bơm cấp II thì cũng không thể cấp nước cho vùng dự án. Cũng vì thế, đến nay, theo ông Oanh, hệ thống đường ống từ Hòa Lạc về đến Xuân Mai chưa được triển khai.

Xem xét thay thế nhà đầu tư

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, xét về chủ trương của thành phố, Chương Mỹ là vùng hạn chế sử dụng nước ngầm. “Nếu các dự án hoạt động theo đúng kế hoạch thì đến nay gần như phủ kín nước sạch rồi. Tuy nhiên, thống kê chưa đầy đủ chỉ đạt khoảng 20%”, vị này nói.

Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, tiến độ dự án nước sạch của Cty Môi trường Đô thị Xuân Mai đã quá chậm. Những lý do đưa ra như vướng thủ tục cấp phép đào hè, đường, nếu chưa nộp hồ sơ bao giờ, cũng khó nói là Sở GTVT có cấp hay không. Vị này cho biết, từ 2016 đến nay, thành phố và Sở Xây dựng đã mời chủ đầu tư, lãnh đạo các quận, huyện yêu cầu đẩy mạnh tiến độ các dự án nước sạch. Nhiều huyện đạt được kết quả rất tốt, riêng Chương Mỹ lại xấu đi. Cũng vì trên địa bàn này có dự án đăng ký, nên các nhà đầu tư khác không vào nữa. “Cứ ngồi chờ, cứ nghe thế này, xong vài tháng sau lại báo cáo khó khăn, vướng mắc thế này thì không được. Hết năm 2018 mà Cty Môi trường Đô thị Xuân Mai không làm gì nữa thì giao đơn vị khác tiếp tục làm”, đại diện Sở Xây dựng nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng, Chương Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn về nước sạch khi 9 tháng qua một số xã bị ngập nặng tới 2 lần. Thời gian ngập nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân. “Chúng tôi kiến nghị giao cho các nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư các trạm cấp nước hiện có. Đặc biệt là các xã bị ngập lụt, thành phố cần có cơ chế cởi mở hơn để thu hút đầu tư”, ông Lâm nói. Riêng về dự án cấp nước sạch của Cty Môi trường Đô thị Xuân Mai, ông Lâm cho rằng, huyện đã tổ chức hội nghị, đề nghị Cty nếu có khó khăn gì đề nghị nêu rõ để huyện giúp. Theo ông Lâm, sự phối hợp của Cty với huyện là chưa tốt, nên có nhiều vướng mắc.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, dự án nước sạch của Cty Môi trường Đô thị Xuân Mai chưa triển khai được là sự thiếu trách nhiệm, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không quyết liệt thực hiện, sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% người dân trên địa bàn toàn thành phố vào năm 2020.