> Cán bộ 'bốn không'
> Quà sinh nhật
Cũng như cây cỏ, rắn ở đây không bàn đến tên, vì chúng quá nhiều, nhung nhúc, từng đống mỗi mùa động dục. Đất đã sốt ngay cả trên miền thượng, song cứ nhắc đến thung lũng rắn thì dân khai hoang phải chắp tay vái. Rắn nằm mơ màng trên cành cây ngang đầu người, rắn loằng ngoằng mỗi bước chân đi, bổ một nhát cuốc, trứng rắn trắng như nấm rạ. Đặt chân vào thung lũng là chui vào lồng rắn. Dân địa phương cấm ai dám lai vãng, người lạ không biết, đi mấy bước đã gặp hàng chục con rắn nghển cổ nhìn mình thì chỉ còn cách lặng lẽ quay ra.
Đùng một cái, có gia đình hai vợ chồng ba đứa con đến dựng nhà trên gò đất giữa lòng thung! Đó là gia đình Vua Rắn dưới đồng bằng nơi cửa sông. Vua Rắn lên với lý do đơn giản là bảy đời nay chuyên nghề bắt rắn mà vùng quê bây giờ bói không ra một con, lấy đâu đất dụng võ.
Bằng cách nào không hay, mỗi ngày Vua Rắn vác một bao khệ nệ ra ngoài ngã ba bến xe quẳng đánh ịch. Ai hỏi “gì đấy?”, hắn nhả điếu thuốc rê cháy gần hết, bóp bẹp giữa hai đầu ngón tay, hất hàm về phía đống bao tải lùng nhùng: “Rắn mà(!)”. Khái niệm về rắn đối với hắn đơn giản, tự nhiên lắm, không gớm ghiếc như ta tưởng. Con rắn trên tay hắn đại loại như con cá, cọng rau vậy. Có lần, một con chui ra nghển cổ bò, đám đông hét toáng, ré chạy. Vua Rắn quay lại mắng thằng con đi theo: “Nhặt vào, mày còn đứng ngây ra đấy à?”. Thằng nhỏ đuổi theo tóm lấy cổ con rắn nhét vào bao. Ai nấy chết khiếp. “Mày không sợ nó cắn à?” - Một bà lên tiếng hỏi. “Cắn thế nào được đã nắm cổ nó rồi…(!)”. Đám đông chỉ còn biết nhìn nhau mà cười. Dần dần người ta cũng quen, không bàn chuyện rắn nữa. Thỉnh thoảng có người lại hỏi, họ cũng chỉ hất hàm: “Rắn mà”.
Mười năm sau, chính Vua Rắn phải than rằng người khôn của khó, bây giờ phải săn tìm, chẳng còn vơ được rắn như ngày mới đến. Có hôm lùng sục từ sáng đến tối không gặp lấy một con, hắn bỗng thốt lên: “Vô lý, chẳng lẽ hết thật?”. Hắn chỉ bắt toàn con to, còn những con nhỏ chúng biến đâu?
Vua Rắn lững thững bước dọc theo lạch nước, lần đầu tiên hắn nhận ra mùi thuốc trừ sâu nồng nồng. Trà, cà phê từ sườn núi bên kia đã leo lên tận đỉnh. Thuốc trừ sâu từ nương rẫy phía trên dồn xuống, cá, ếch nhái nổi trắng, lềnh bềnh. Cạnh một ổ mối khổng lồ, hai con hổ mang đang quần nhau, phì phì như tiếng mèo. Hai cái đầu dèm dẹp vươn cao phải đến gần mét, từ từ tiến sát lại. Con nhỏ hơn cuộn mình như lò xo, rồi oạch một cái, văng ra phóng thẳng về phía đối thủ. Lúc này Vua Rắn mới nhìn rõ con thứ ba, hẳn là con cái, đầu không vươn cao, lăng xăng phía ngoài, cứ xông vào lại lùi ra, lúc bên này, lúc bên kia. Bỗng nghe “bộp”, đầu con nhỏ như một mũi tên phóng trúng miệng con lớn đang ngoác rộng. Thì ra con lớn đã đớp gọn. Hai cái đầu lồng vào nhau. Hàm con lớn bạnh ra, ép lại như muốn nuốt chửng con “mồi”, một tình địch gần bằng mình! Thân con nhỏ xoắn lấy thân con lớn, cái đuôi cong cứng, giật giật liên hồi trước khi nhão ra, bất động. Vua Rắn xông tới nhưng con lớn đã kịp thời nhả ra cùng con cái tháo chạy.
Buổi trưa, Vua Rắn nằm khểnh trên giường bỗng nghe tiếng hụ của con gà mái đẻ. Tiếng hụ trầm, đứt quãng. Cái dấu lặng giữa những tràng hụ ngắn ẩn chứa nỗi kinh hoàng. Tai họa đang hiển hiện âm thầm, mãnh liệt và đầy bí hiểm. Thời gian đang được đo bằng tiếng đập của trái tim. Nỗi kinh hãi khủng khiếp sẽ òa vỡ trong tiếng quác sinh tử rợn người. Vua Rắn dụi mắt bước ra. Người đen chũi, đóng chiếc quần xà lỏn, chắc nung núc. Với hắn, dù ghê gớm hệ trọng đến mấy đã biết là xong, là coi như được giải quyết, có gì phải vội. Chợt ánh mắt Vua Rắn sáng lên tinh quái: “Ái chà, đây rồi, có thế chứ!?”... Con hổ mang chui vào chuồng heo bằng cái ống dẫn nước thải, thò đuôi ra ngoài. Thân xám chì, hình tam giác, đuôi bất ngờ thắt lại như bị cộc. “Tưởng ai, cuối cùng chúng ta lại gặp nhau”. Vua Rắn thích thú nhấm nháp cái cảm giác sắp chộp vào mình nó. Thân nó mềm, da khô, sạch chứ đâu có trơn tuột bẩn thỉu như da lươn. Có mà chạy đằng trời! “Dại thế con ơi, lại chui vào cái ống sắt dẫn nước này?”.
Cách xử lý tình huống đến tự nhiên như một phản xạ, hắn nắm chặt cái đuôi kéo ra từng đoạn, từng đoạn. Hắn đã kéo ra đến hai sải mà xem ra vẫn còn nhiều. Chẳng biết vì phần trên luôn bị ống sắt kéo ra thẳng đuỗi hay linh cảm thấy đang trong tay cao thủ mà con rắn cứ ngoan ngoãn không giãy giụa. Đống thân được lôi ra, oằn lại cuộn lấy chân hắn một cách yếu ớt. Chỉ đến khi đuôi nó ngóc lên chọc chọc vào bẹn, hắn mới với tay bẻ gập một cái: “Hỗn nào!”. Hắn vừa kéo vừa pha trò. Thân rắn bắt đầu nhỏ lại, bây giờ là lúc phải thận trọng. Còn một đoạn thắt ở cổ nữa là tới đầu. Hắn sẽ phải bóp chặt nó bằng những ngón gọng kìm. Nhưng… một tiếng thét kinh hoàng. Vua Rắn buông tay, ngã vật. Con gà mái trong ổ bung ra quang quác. Con hổ mang cái đi kèm đã thành công trong việc giải thoát cho “chồng”. Nhưng bản thân nó phải nhận một nhát dao phát ngọt sớt từ tay vợ Vua Rắn vừa đi rẫy về. Máu phun đầy mặt người đàn bà. Bà về đúng lúc nhưng vung dao hơi chậm. Miệng hổ mang cái đã đớp gọn cái bìu lủng lẳng của Vua Rắn. Cặp móc độc dài bằng đốt ngón tay, cong như lưỡi câu cắm ngập hết cỡ. Khi vợ Vua Rắn lôi xác chồng ra thì cái nửa thân trên của con rắn đầy máu me, như con cá lóc vừa bị chặt đứt vẫn lẵng nhẵng bám lấy “của quí” không chịu nhả. Chắc nó biết, một cú đớp như thế chẳng cần nọc độc đủ làm tiêu đời Vua Rắn và hả dạ với cái chết của mình.
Thung lũng rắn giờ chỉ còn lại con hổ mang “góa vợ”, một người đàn bà góa với ba đứa con thơ. Gia đình Vua Rắn quyết định dời đi nơi khác, song chuyện nhà cửa đâu phải muốn mà làm ngay được. Đêm đến, mặt trời xuống núi, cả nhà lên giường, gài màn thật kỹ, không dám thò chân xuống quờ dép đi giải. Ba ngày sau, trên mâm cơm im lặng, bốn chiếc khăn tang chụm vào nhau. Chợt thằng út kêu lên thất thanh: “Rắn!”.
Con hổ mang chúa lừng lững tiến thẳng vào từ cửa chính, hiên ngang như sắp làm một việc nghĩa, sắp thực thi một bản án tử hình. “Phì… phì…”. Nó nghển cao đầu, miệng như miệng ếch. Lưỡi phun ra tia chớp, lấp lánh kim loại. “Tao sẽ phải đích thân thi hành án”, hình như nó muốn tuyên bố như vậy, “rồi chết cũng cam lòng”.
Hồi kết đã đến. Cả con người và con vật đều sẵn sàng. Con rắn vẫn cứ tiến vào, không nhanh hơn, không chậm hơn, đầy tự tin. Đầu đã đến mâm cơm mà đuôi còn ở giữa sân. Nó khéo léo thu mình lại, cuộn mấy vòng thành một đống đen sì lù lù giữa nhà, đầu vươn lên ngang tầm mấy chiếc khăn trắng. Bọn trẻ dãn ra chưa kịp phản ứng. Lạ thay, con rắn không mổ ngay, nó đưa mắt nhìn khắp lượt, nhìn từng người như để nhận dạng. Nó biết, nó sẽ phải dành trọn khối nọc độc thù hận này cho ai, và chỉ được phép mổ một lần.
Đến vợ Vua Rắn nó dừng lại. Bốn mắt nhìn nhau. Vợ Vua Rắn thấy rõ hai chấm mắt của nó hình như không cân. “Đúng, mắt tao hơi lác đấy! Nhưng vẫn đủ để nhận ra kẻ đã chém đứt đôi vợ tao. Con đàn bà kia, mày sẽ phải đền tội!”. Mắt rắn lạnh tanh tuyên án. “Mày hãy nhìn thẳng vào mặt tao đây, trước khi lãnh một cú đớp ân huệ!”.
Vợ Vua Rắn trừng trừng nhìn váo cái cổ bạnh của nó với những vạch ngang đều đặn màu ngà ngà. Rắn chúa hơi ngả đầu về phía sau để lấy đà, thừa cơ người đàn bà chồm tới, hai tay chẹt ngang cổ nó. Buông là chết. Toàn thân rắn và người căng ra, một mất một còn. Đầu con rắn bị vít xuống, đống thân vùng vẫy. Mâm cơm tanh bành. Ba đứa con mỗi đứa một đoạn thân ghì chặt. Cái sức mạnh sinh tồn thật khủng khiếp. Bàn tay phải người đàn bà bóp cổ con rắn è ra. Miệng nó ngoác rộng, cạp vào thành mâm. Hai răng cửa như vuốt cọp khực khực gãy. Nọc độc tứa ra nhớt nhát. Mấy con ruồi vô phúc sà vào lập tức chết cứng như bị điện giật. Thằng cả tháo vội khăn tang luồn dưới cổ rắn, thắt lại, nhưng hổ mang đã chết nghẹt trong bàn tay người đàn bà từ lúc nào. Cả nhà nhìn con rắn lớn quá sức tưởng tượng, rùng mình. Từ đầu đến cuối không ai hé răng, miệng đắng ngắt, mặt cắt không còn hột máu.
Cái khúc ca bi tráng của sự sinh tồn vang lên trong gió.
“Cái khúc ca bi tráng của sự sinh tồn vang lên trong gió”. Câu kết của thiên truyện này có lẽ cũng là thông điệp của tác giả. Con người tàn phá thiên nhiên, lạm dụng quyền năng để chém giết loài vật, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị quả báo.
|
Nhưng nếu văn chỉ có thông điệp không thôi, sẽ không có giá trị. Cái hay của truyện ngắn này là ở sự gay cấn, các tình tiết sống động và thuyết phục. Chính điều này đã khiến câu chuyện trở nên đáng nhớ.
Chu Bá Nam vốn là một dược sĩ, tiến sĩ về hương liệu hàng đầu Việt Nam, ông chỉ có thể tập trung vào văn chương sau nhiều năm đóng góp cho khoa học. Nhưng ở ông hé lộ những trữ lượng không ngờ.
Truyện ngắn của
Chu Bá Nam