“Vua ếch” Nam Bộ

TP - Sau thời gian gần 15 năm đi bán bò viên chiên khắp các tỉnh ĐBSCL, anh Nguyễn Thanh Giang, 35 tuổi, ở ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Gòi (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) đã học hỏi và áp dụng thành công mô hình nuôi ếch sinh sản.

Anh Giang bên ao ếch nhà mình. Ảnh: Hòa Hội

Bán bò viên chiên học nuôi ếch

Anh Giang sinh ra trong gia đình nghèo, không ruộng đất. Do hoàn cảnh khó khăn nên anh chỉ học hết lớp 2 rồi nghỉ để phụ giúp gia đình. Anh Giang kể: “Lúc trước, ở quê làm thuê một ngày được vài chục ngàn nên cuộc sống bấp bênh, luôn thiếu hụt.

Năm 20 tuổi, tôi quyết định rời quê sang Vĩnh Long đi bán bò viên chiên thuê với lương 300.000 đồng/tháng. Sau đó, tôi về quê vay tiền hàng xóm 2 triệu đồng để đầu tư mua xe và nguyên liệu, rồi lên Cần Thơ tự mình kinh doanh”.

Trong khoảng thời gian đi bán bò viên chiên, lặn lội qua nhiều nơi, anh phát hiện ra mô hình nuôi ếch ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ) đem lại hiệu quả cao thế là quyết tìm tòi. Lại thêm chỗ anh thuê nhà trọ có nuôi ếch nên anh học hỏi kinh nghiệm và được ông chủ nhà trọ hướng dẫn cách để cho ếch đẻ trứng.

Năm 2013, anh thu hoạch 4 đợt được hơn 10 tấn ếch với giá từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng. Hiện tại, anh có hơn 30 vèo, bể nuôi 400 con ếch bố mẹ và hàng nghìn con ếch con. Sắp tới, anh dự định đào thêm 1.000 m2 mặt nước để mở rộng sản xuất và cung cấp ếch giống cho bà con trong vùng.

Sau khi có được ít kiến thức trong tay và tinh thần ham làm giàu, năm 2008, anh vay 10 triệu đồng để đầu tư mua 500 con ếch con và 1 cặp ếch bố mẹ về quê làm bể nuôi thử nghiệm. Vụ đầu, không nắm vững kỹ thuật nên tỉ lệ hao hụt khá lớn, lỗ một nửa tiền đầu tư.

Không nản lòng, anh tiếp tục mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi khác đi trước. Dần dần nắm được quy trình, kỹ thuật chăm sóc. Năm sau, anh tiếp tục đầu tư hơn 3.000 con ếch và sau 3 tháng nuôi, bán được hơn 50 triệu đồng.

Từ đó, anh mạnh dạn phát triển mô hình. Trong quá trình nuôi, anh tích lũy kinh nghiệm và biết cách cho ếch đẻ con để đáp ứng nguồn con giống cho mình và cung cấp cho thanh niên khác.

Anh Giang tâm sự: “Thời gian đầu không có nhiều vốn để mua thức ăn cho ếch, vợ chồng tôi lấy ngắn nuôi dài bằng cách dùng tiền lãi từ bán bò viên chiên mỗi ngày được hơn 100.000 đồng để mua thức ăn. Hơn nữa, đại lý thức ăn thấy tôi làm có hiệu quả nên cho nợ tiền thức ăn đến khi bán rồi trả”.

Nói về kỹ thuật nuôi ếch, anh Giang chia sẻ: “Khi con ếch mẹ đang mang trứng thì có trứng già và trứng non, nếu sử dụng thuốc kích thích cho đẻ sẽ dẫn đến hao hụt nhiều. Còn cho đẻ tự nhiên khi trứng ếch phát triển thành nòng nọc thì giảm hao hụt đáng kể do đã loại ra được những trứng non yếu ớt.

Ngoài ra, khi thay nước trong bể nên đưa nước từ từ, mỗi ngày đưa thêm vào bể khoảng 1 cm, tránh cùng lúc thay nước 1 lần nhiều dẫn đến thay đổi nhiệt độ đột ngột, ếch sẽ bị chết”.

Thu lãi hàng trăm triệu đồng

Theo anh Giang, trung bình 1 con ếch mẹ 1 năm đẻ 4 lần, mỗi lần đẻ khoảng 1.500 con, hao hụt khoảng 10% vào mùa nắng, còn mùa mưa là 30%. Từ ngày ếch đẻ đến khi bán là hơn 3 tháng, trọng lượng mỗi con hơn 250 gram.

Anh tính toán, để đạt 1 kg ếch thành phẩm thì tốn 1,2 kg thức ăn, tương đương 21.000 đồng, giá luôn ở mức từ 35.000 - 60.000 đồng/kg (tùy thời điểm).

Anh Giang cho biết thêm, nguyên nhân làm cho ếch thường bị chết là do người nuôi cho ăn thừa thức ăn dẫn đến ếch bị nhiễm bệnh gây sốt suất huyết đường ruột. Lúc đó, nên ngưng cho ăn khoảng 2 - 3 ngày, trường hợp con nào chết thì đành chịu để cứu các con khác không bị bệnh. Còn nếu cho ăn tiếp sẽ bị ma sát (viêm) đường ruột, lúc đó sẽ chết cả đàn.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Giang còn thành lập tổ hợp tác nuôi ếch của ấp nhằm nhân rộng mô hình và hướng dẫn kỹ thuật cho 6 hội viên trong tổ và hơn 50 thanh niên khác trong huyện học tập kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Văn Hoài Rin, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Rạch Gòi, cho biết anh Giang là thanh niên chí thú làm ăn, có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi. Mô hình của anh Giang bước đầu thành công đã mở ra cơ hội cho nhiều thanh niên khác học tập. Sắp tới tổ chức Đoàn sẽ phối hợp ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho anh vay vốn để phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giúp đoàn viên thanh niên có công ăn việc làm và thoát nghèo.