Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Bộ VHTTDL: Khúc mắc là bình thường

TP - “Bộ có nhận được đơn thư phản ánh. Các cuộc xét tặng đều có những ý kiến khác nhau, chuyện đó là bình thường” - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Bộ VHTTDL - ông Phùng Huy Cẩn trả lời báo Tiền Phong về tiêu chí cùng những vấn đề nổi cộm của đợt xét tặng NSND, NSƯT đợt này.
Ông Phùng Huy Cẩn.

Xin ông cho biết danh sách thành viên hội đồng cấp Bộ và cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND đợt này? Việc xét giải ở vòng chuyên môn cơ bản đã xong, chỉ còn chờ cấp nhà nước duyệt là sẽ công bố vào tháng 9 tới?

Danh sách hội đồng cấp Bộ và hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành và đang thực hiện. Đây là văn bản hành chính, không phải tài liệu mật nhưng không phải tài liệu công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Hội đồng cấp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tính đến nay có 3/5 hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước họp để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trên các lĩnh vực. Từ nay đến 10/7 hai hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước còn lại sẽ họp. Họp xong, danh sách dự kiến trình lên Hội đồng cấp nhà nước được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ theo đúng quy định của Nghị định 89.

Để xét được danh hiệu phải qua bốn cấp hội đồng: Cấp cơ sở; Cấp Bộ/ tỉnh/thành; Hội đồng chuyên ngành nhà nước; Hội đồng nhà nước. Vượt qua hội đồng cấp Bộ, nghệ sỹ có thể được hoặc không.

Tiêu chí lần này có gì mới so với những lần trước? Được biết, đánh giá danh hiệu không chỉ căn cứ trên huy chương mà còn tiêu chuẩn khác, cụ thể thế nào thưa ông?

Trước đây việc xét tặng căn cứ vào Thông tư của Bộ, lần xét tặng này căn cứ vào Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Thủ tướng. Bốn tiêu chí để xét danh hiệu đợt này: 1/Trung thành với Tổ quốc Việt Nam XHCN; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 2/Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; có nhiều cống hiến to lớn cho nghệ thuật nước nhà và sự nghiệp cách mạng của đất nước, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ. Ngoài ra còn hai tiêu chí cụ thể khác về thời gian hoạt động và số huy chương cần thiết.

Có nghĩa là các tiêu chí này về cơ bản giống trước đây, nhưng đặt yêu cầu cao hơn - cả bốn tiêu chí kết hợp nhuần nhuyễn. Có tiêu chí động viên nghệ sỹ trẻ rất nhiều. Ví dụ, trước đây khi xét NSƯT theo Thông tư 06 của Bộ, chỉ xét huy chương vàng, lần này có tính huy chương bạc. Điều này cần được hiểu không phải hạ thấp tiêu chuẩn, mà phù hợp hơn với nghệ sỹ có tài năng, chứ đòi hỏi ngay huy chương vàng cũng khó.

Trong một số lĩnh vực cụ thể, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm: Múa chỉ đòi hỏi 15 năm làm nghề đối với NSND, 10 năm đối với NSƯT. Trước đây xét ngang hàng với các lĩnh vực nghệ thuật khác.

Việc xét lần này giảm thủ tục phiền hà cho nghệ sỹ. Bây giờ chỉ cần một bộ hồ sơ, trước đây là 6. Trong một bộ hồ sơ còn giản tiện hơn nữa, có những văn bản chỉ cần phô tô, không cần công chứng như trước.

“Lâu đài cát” của NH kịch VN dự cuộc thi Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015, bế mạc 6/7 tới.

Các danh hiệu và giải thưởng ở nước ngoài sẽ được qui đổi ra huy chương như thế nào thưa ông? Thường nghệ sĩ đi diễn ở nước ngoài hay được bằng khen chứ không phải giải thưởng, bằng khen này có được tính trong thành tích?

Các giải thưởng đạt được khi đi thi ở nước ngoài muốn quy đổi hay không phải do hai cục chuyên ngành: Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Điện ảnh thẩm định và đưa ra mức quy đổi giải thưởng. Bằng khen không được tính như giải thưởng.

Dư luận và công luận cho rằng việc phong tặng danh hiệu dường như ngày càng đơn giản. Nhiều NSƯT không ai biết đến, NSND thì chưa xứng tầm, nhất là trong so sánh với lứa những NSND đầu tiên. Theo ông, đây là do việc xét tặng dễ dàng, hay do người tài đã vơi cạn?

Đời sống nghệ thuật có lúc thăng lúc trầm nhưng tài năng thời nào cũng có. Theo tôi không nên đánh giá xứng tầm hay không, sự so sánh này là không nên. Vì mỗi thời một khác. Về mặt pháp lý đợt xét này được áp dụng theo văn bản này, đợt xét khác điều chỉnh theo văn bản khác. Thế hệ nghệ sỹ trong kháng chiến chống Mỹ tiêu chí khác với thế hệ trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Nghệ sỹ bây giờ cũng có tài năng, phải bươn chải để vươn lên khó khăn lắm chứ.

Hiện có hai luồng trao đổi trong dư luận, một bên bảo quá dễ dàng ra đường là gặp NSƯT, NSND; luồng thứ hai là làm chặt chẽ quá! Tiêu chí xét tặng, quy trình xét tặng được thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng. Danh hiệu vinh dự NSND, NSƯT được nghệ sỹ trân trọng, quý mến, quan tâm. Điều này đòi hỏi Bộ với trách nhiệm cơ quan thường trực Hội đồng nhà nước phải làm việc nghiêm túc, để đáp ứng sự tin tưởng của xã hội, anh em văn nghệ sỹ.

Ông thấy thế nào khi càng gần đến chung cuộc xét danh hiệu, tin đồn chạy phiếu càng rộ lên trong giới nghệ sĩ?

Liệu có đủ tiềm lực, đủ sức để chạy không? Mọi thứ là sự đồn, khi có tới 4 cấp hội đồng và 70 thành viên làm việc độc lập. Tốt nhất nghệ sỹ hãy tin vào chính thành tích đích thực của mình, hãy tin vào hội đồng các cấp. Cuộc sống còn nhiều tiêu cực nhưng ít nhất phải có niềm tin cái đã. Đến thời điểm này quy trình xét tặng chặt chẽ, nghiêm túc.

Còn thông tin xôn xao giới sân khấu rằng có lãnh đạo Hội đứng ra vận động phiếu cho một số cá nhân thì sao?

Trong hội đồng, người ta bày tỏ quan điểm, đề xuất là điều bình thường. Nguyên tắc là bỏ phiếu kín. Ông bảo vệ quyền lợi nghệ sỹ của mình trong hội đồng, còn mọi người có bỏ phiếu theo ông hay không là chuyện khác.

Và có chuyện hội đồng cấp Bộ họp xong rồi, lại họp lại để điều chỉnh kết quả?

Việc này do một số thành viên hội đồng ghi phiếu không đúng theo quy định của Nghị định thì phải họp lại. Nghị định quy định: Phiếu bầu thể hiện thái độ đồng ý hay không đồng ý, phải ký và ghi rõ họ tên. Ở cuộc họp đó, một số người bỏ phiếu nhưng không ký tên. Họp lại hội đồng để các thành viên thể hiện trách nhiệm của mình.

Cả chuyện lãnh đạo Bộ có tên trong danh sách xét tặng và có thể tham gia cả hội đồng xét duyệt?

Khoản 2, điều 12 của Nghị định 89 quy định: Cá nhân đang là đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT không tham gia các cấp hội đồng. Bộ VHTTDL nghiêm túc thực hiện quy định này.

Hội đồng xét trên chuyên môn, và những cống hiến về nghệ thuật, không tính chức quyền ở đây. Hội đồng có mấy thành phần: Những người làm công tác quản lý nhà nước chiếm tỷ lệ nhỏ, thứ hai là lãnh đạo các hội chuyên ngành, các nghệ sỹ. Khi Cục chuyên ngành đề xuất nhân sự mời vào hội đồng, Bộ chọn người có kiến thức uyên thâm nhất về lĩnh vực đó theo quan điểm của Bộ. Các thành viên hội đồng đều có quyền thể hiện chính kiến riêng của mình trong lá phiếu, miễn là làm theo đúng Nghị định.

Cảm ơn ông.

Đợt xét tặng nào báo Tiền Phong cũng nhận được đơn từ khiếu kiện và phản ánh sự chưa thỏa đáng về kết quả. Năm nay Bộ có nhận được phản ánh nào không và có động thái phản hồi không?

Bạn biết đấy, các cuộc xét tặng đều có ý kiến khác nhau. Chuyện đó cũng là bình thường. Hội đồng cấp Bộ có nhận được phản ánh. Hội đồng cấp Bộ có trách nhiệm trả lời đơn thư đó đúng quy định tại Nghị định 89 bằng văn bản.