Sáng 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc để lấy ý kiến các cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 10 của Quốc Hội.
Cán bộ “thoát” kỷ luật, dân không phục
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Thị Qưới (phường Bình Khánh) cho biết, nhiều cử tri phấn khởi chờ đợi một thành phố sáng tạo nhưng cũng kèm theo nhiều trăn trở. Đó là liệu khi sắp xếp các đơn vị hành chính, thành phố có tiếp tục xem xét vấn đề Thủ Thiêm hay không.
“Trước đây quận 2 vốn là huyện Thủ Đức, sau hàng chục năm, bây giờ trở lại tên gọi cũ, chỉ khác là nâng huyện lên thành phố. Thay đổi như vậy kéo theo sự thay đổi, điều chỉnh giấy tờ, rất phiền hà cho người dân”, bà Qưới nói và lưu ý thêm: "Sau khi sáp nhập, dân nhập cư sẽ tập trung về thành phố mới, mật độ dân số sẽ tăng cao. Công tác quản lý nhà nước sẽ như thế nào khi bộ máy đã sắp xếp, tinh giản, có đảm bảo để phục người dân".
Cử tri Nguyễn Tiến Thịnh (phường Thạnh Mỹ Lợi) cho rằng vụ Thủ Thiêm sửa sai nhỏ giọt, chưa tổ chức thanh tra toàn diện. Hậu quả là dự án đã kéo dài hơn 20 năm, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Nhiều nơi biến thành đầm lầy hoang hóa, cây cỏ mọc lút đầu người.
“Khu 4,3 ha, thành phố hứa hoài nhưng đến nay giải quyết vẫn chưa xong. Tôi đọc báo, thấy thành phố 66 cán bộ thuộc diện bị kỷ luật nhưng nhiều người thoát vì hết thời hiệu, đơn cử như ông Tất Thành Cang. TPHCM xử lý như vậy thì dân không phục. Nên giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trước khi có thành phố mới. Phải để Thủ Đức là thành phố vui vẻ, đáng sống, văn minh, hiện đại và nghĩa tình, đừng để bà con lại kéo lên yêu cầu giải quyết vụ Thủ Thiêm”, ông Thịnh nói.
Theo cử tri Hoàng Lâm Định (phường Bình An), nhập 3 quận thành thành phố Thủ Đức khi thành phố có chiến lược và quy hoạch phát triển dài hạn thì mới nên đề xuất thực hiện, còn hiện nay vẫn chưa có cơ sở để kiến nghị thực hiện đề án.
“TPHCM nên học tập kinh nghiệm từ nhiều thành phố khác như thành phố Thẩm Quyến, phố Đông của Thượng Hải”, ông Định đề xuất.
Hoài nghi với số liệu báo cáo
Theo cử tri Lê Trọng Thư (phường Thủ Thiêm), đề án thành lập thành phố phía Đông TPHCM đã ấp ủ từ nhiều năm qua và chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức là đúng, là nguyện vọng của nhiều cử tri.
Tuy nhiên, cử tri Lê Trọng Thư băn khoăn: Vì sao ấp ủ nhiều năm, đến bây giờ mới hối hả làm. Phải chăng là làm quá gấp, đến mức chưa kịp lấy ý kiến đầy đủ và chính những người trực tiếp lấy ý kiến người dân cũng chưa hiểu rõ về đề án này khi người dân thắc mắc.
Ông Thư dẫn ra số lượng người dân lấy ý kiến của 3 quận, gồm: Tại quận 2 lấy ý kiến hơn 150 nghìn người (chiếm hơn 40% dân số); quận 9 hơn 142 nghìn người (chiếm hơn 45% dân số) và quận Thủ Đức 197 nghìn người (chiếm 37%). "Số lượng người dân được lấy ý kiến đạt 97% dân số có đúng như chính quyền các quận công bố hay không", ông Thư đặt câu hỏi.
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết (Bình Trưng Tây) cho biết bà là tổ trưởng, tổ dân phố của bà chỉ có 5 hộ đồng tình, còn 272 hộ không đồng ý với đề án sáp nhập 3 quận thành thành phố mới.
Theo bà Tuyết, cứ để hiện trạng như vậy thì quận 2, 9, Thủ Đức vẫn phát triển. Vụ Thủ Thiêm giải quyết chưa xong, bây giờ thêm việc sáp nhập. Người dân có thắc mắc, bức xúc hoặc gặp vấn đề gì thì phải xuống Thủ Đức giải quyết. “Người dân không muốn lấy tên Thủ Đức, chỉ muốn lấy tên Thủ Thiêm. Tôi cũng không đồng ý”, bà Tuyết nói.
Theo cử tri Nguyễn Hải Triều (Thạnh Mỹ Lợi), người dân chưa đủ thông tin, yêu cầu bỏ phiếu thì thực hiện chứ chưa thực sự hiểu rõ thành phố Thủ Đức trong tương lai và người dân được gì và mất gì khi thực hiện đề án này. Vì vậy, cử tri cần thành phố làm rõ sáp nhập quận để thành lập thành phố mang lại lợi ích gì cho dân.
“Quận 2 chưa tới một chục phường. Tôi làm giấy chủ quyền nhà đất cả năm nay chưa xong. Nếu sáp nhập lại hàng chục phường thì giải quyết bao giờ mới xong. Công nghệ 4.0 cũng là do con người, không có sự thay đổi về con người thì vẫn trì trệ”, ông Triều nói và cho biết thêm chính sự trì trệ về thủ tục hành chính khiến nhiều người dân không muốn sáp nhập quận. Ngay việc đi lại xa xôi hơn cũng làm nhiều người dân băn khoăn bởi trụ sở làm việc của Thành ủy, HĐND và UBND, MTTQ và các đoàn thể mỗi cơ quan nằm ở một quận, đi lại khó khăn hơn.
Thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho rằng ý kiến của các cử tri là hoàn toàn xác đáng. Tổ Đại biểu Quốc hội sẽ chuyển cho ban soạn thảo đề án và các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét.
Theo ông Khuê, công tác tuyên truyền về tính ưu việt của thành phố mới đã xác định khung thời gian như vừa qua. Vấn đề quan trọng sắp tới là phải nghiên cứu triển khai tiếp để mọi cử tri, mọi công dân trong phạm vi thành phố Thủ Đức hiểu rõ về diện mạo và tiềm năng phát triển.
“Đúng là cần làm rõ hơn thành phố Thủ Đức mới sẽ khác như thế nào so với huyện Thủ Đức cũ. Ủy ban MTTQ TPHCM đã phản biện, tìm yếu tố mới của một thành phố mới. Việc thành lập thành phố mới trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức không phải là bài toán cộng trừ”, ông Khuê nói.
Về vụ Thủ Thiêm, Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã báo cáo Chính phủ để thực hiện việc đối thoại với người dân về khu tái định cư 160 ha. Vừa qua do dịch bệnh COVID-19 nên TTCP và UBND TPHCM chưa thực hiện được kế hoạch đối thoại với người dân.
“Tôi cũng rất mong trong điều kiện bình thường mới TTCP nên sớm tiến hành để đáp ứng yêu cầu của cử tri. Chúng tôi đang ở chặng cuối của nhiệm kỳ, luôn đau đáu với hoàn cảnh của các cử tri và đã hết sức cố gắng… Bà con gửi nhiều đơn thư cho tôi, nói đừng để bà con đơn độc, tuyệt vọng… Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ đến các cơ quan Trung ương và thành ủy”, ông Khuê bày tỏ.