Vụ tàu cá vỏ thép bị hư hỏng hàng loạt: Kỷ luật 6 cán bộ

TP - Đã có 6 cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) bị kỷ luật liên quan đến để tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng hàng loạt. Dự kiến đầu tháng 11 tới, các tàu cá sẽ được khắc phục, hạ thủy vươn khơi.
Dự kiến đầu tháng 11 tới, các tàu cá bị hư hỏng sẽ được sửa chữa, khắc phục xong để hạ thủy, vươn khơi.

Kỷ luật hàng loạt cán bộ

Theo Tổng cục Thủy sản, liên quan đến việc để xảy ra tình trạng 18 tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng theo nghị định 67 bị hư hỏng, Bộ NN&PTNT chỉ đạo xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá nghiêm khắc kiểm điểm và đưa ra hình thức kỷ luật với cán bộ. Theo đó, 4 trường hợp kỷ luật bị cảnh cáo là ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm; ông Nguyễn Vũ Hà, Trưởng phòng đăng kiểm; ông Vũ Đình Thắng, Chánh Văn phòng Trung tâm, Tổ trưởng tổ đăng kiểm tàu cá số 2 tại nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và ông Nguyễn Quang Hòa, Phó trưởng phòng Kiểm định, Tổ trưởng tổ đăng kiểm tàu cá số 3 tại nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Hai trường hợp bị khiển trách là ông Vũ Thái Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm và ông Trần Thế Anh, nhân viên Văn phòng Trung tâm. Trước đó, Tổng cục Thủy sản đã đình chỉ công tác với ông Nguyễn Quang Hòa và ông Vũ Đình Thắng, là hai tổ trưởng tổ đăng kiểm tại hai nhà máy nói trên để kiểm tra, xử lý.

Tổng cục Thủy sản cho biết, đến nay, tình hình sửa chữa 18 tàu cá của ngư dân diễn ra tích cực. Với số 13 tàu do Cty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng, có 11 tàu phải thay máy mới và 2 tàu phải sửa chữa. Hiện 7 tàu đã hoàn thiện, nghiệm thu bàn giao cho ngư dân đi khai thác, còn 6 tàu tiếp tục sửa chữa, lắp máy mới, dự kiến khoảng đầu tháng 11 sẽ hạ thủy đi đánh bắt.

Trong khi đó, 5 tàu cá do Cty TNHH Đại Nguyên Dương bị hư hỏng, chủ yếu là gỉ sét, dùng thép Trung Quốc, đã lên đà và sửa chữa. Đến nay, một tàu đã được sửa xong và vươn khơi, 4 tàu còn lại đang sửa tại Công ty đóng tàu Tam Quan (Bình Định). Các tàu nói trên đã sơn xong phần vỏ tàu (lớp thứ 2), tất cả tàu đều dùng sơn Sigma (của Mỹ), dự kiến cuối hết tháng 10 này phải đi vào hoạt động.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, theo quy trình mới, tàu phải được sơn 5 lớp. Tuy nhiên, thời gian qua, ở khu vực Bình Định có mưa nhiều, nên ảnh hưởng tiến độ khâu bắn cát, phun sơn theo quy trình. Quá trình thực hiện được Tổ đăng kiểm của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và tổ giám sát của Bình Định theo dõi chặt chẽ, để đảm bảo đúng quy trình, quy phạm.

Giãn nợ, hỗ trợ ngư dân

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc sửa chữa tàu cho ngư dân còn hơi chậm với dự kiến, một phần do thời tiết và do xưởng sửa chữa đáp ứng cùng lúc nhiều tàu. “Vừa rồi, Công ty Nam Triệu phải kéo 4 tàu vào Cam Ranh để sửa chữa, lắp máy mới. Chúng tôi đã yêu cầu Sở NN&PTNT của tỉnh cử ngay tư vấn vào Cam Ranh giám sát cụ thể quá trình sửa chữa. Mặt khác, Cty Nam Triệu dù thực thiện nghiêm túc, tuy nhiên, khi phải thay toàn bộ máy mới theo yêu cầu của tỉnh, họ cũng gặp khó khăn về tài chính, nên triển khai chậm hơn”- ông Châu nói.

Riêng các tàu do Cty Đại Nguyên Dương đóng, ông Châu cho biết, công ty này đã chấp nhận đề nghị tháo bỏ các thiết bị không đúng chủng loại trên tàu. “Riêng việc dùng thép Trung Quốc, chúng tôi đang cho tính lại giá trị tàu, trên cơ sở đó, cùng ngân hàng, Sở NN&PTNT, nhà máy đóng tàu tính toán giá thành con tàu cụ thể cho ngư dân”- ông Châu nói.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho biết, việc đề nghị giãn nợ cho ngư dân trong khi tàu bị hư hỏng nằm bờ, chờ khắc phục, tỉnh đã kiến nghị cụ thể với ngân hàng, tuy nhiên phía ngân hàng cũng chưa có ý kiến chính thức. Theo ông Châu, về hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian tàu nằm bờ, Sở NN&PTNT Bình Định, cũng như UBND tỉnh đang thống kê, tính toán thiệt hại của ngư dân, hiện vẫn chưa xong. Từ cơ sở này, tỉnh sẽ mời các doanh nghiệp và thỏa thuận hỗ trợ cho ngư dân”.

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng báo cáo trước Quốc hội về vấn đề liên quan đến tàu cá vỏ thép bị hư hỏng. Theo đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải chịu toàn bộ chi phí sửa chữa, sơn lại 5 tàu do công ty nhà đóng, cũng như chi phí cho ngư dân những ngày tàu nằm bờ.

Riêng Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải chịu toàn bộ chi phí trong việc thay mới máy thủy và sơn lại 11 tàu cá theo đúng hợp đồng đã ký với ngư dân; thay mới trục cơ, sửa chữa các hư hỏng máy Dosan, sửa chữa, bảo dưỡng sơn lại 1 tàu và chi trả kinh phí cho chủ tàu những ngày tàu nằm bờ.