Vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Lộ ra nhiều bất cập

TP - Vụ tai nạn thương tâm này một lần nữa đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ an toàn của xe khách giường nằm...
Vụ tai nạn tại Bình Thuận đặt ra nhiều vấn đề mất an toàn giao thông cần các cơ quan chức năng giải quyết. Ảnh: Ngô Bình

Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình chỉ đạo bổ sung dải phân cách giữa trên QL 1A để tránh tai nạn đối đầu. Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định, không thể thực hiện tại Bình Thuận - nơi mới đây xảy ra vụ tai nạn làm 12 người chết. Vụ tai nạn thương tâm này một lần nữa đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ an toàn của xe khách giường nằm...

Không mở rộng vì đợi cao tốc

Như Tiền Phong ngày 24/5 đưa tin, sau vụ hai xe khách đối đầu làm chết 12 người, bị thương 40 người xảy ra ngày 22/5 tại Bình Thuận, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố khảo sát, lắp đặt dải phân cách cứng tại những điểm còn thiếu trên QL 1A ngay trong quý III năm 2016.

“Hiện vụ tai nạn tại Bình Thuận đang tập trung vào hai nhóm nguyên nhân. Thứ nhất, xe có chạy lấn làn, chạy nhanh trên đoạn đường không có dải phân cách giữa hay không. Thứ hai, thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn cũng là lúc lái xe đi từ TP HCM ra đến Bình Thuận có bắt đầu mệt mỏi, buồn ngủ”.

 Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam

Tại Bình Thuận, lãnh đạo Sở GTVT cũng phản ánh việc dù nằm trên QL 1A nhưng đoạn qua Bình Thuận hiện chỉ có 2 làn xe ô tô và 1 làn xe thô sơ, không có dải phân cách (trong khi các đoạn QL 1A trên toàn quốc hầu hết đã được nâng cấp lên 4 làn xe ô tô và 1 làn xe thô sơ, có dải phân cách).

Điều này đã biến QL 1A qua Bình Thuận thành điểm đen về tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn đối đầu.

Trao đổi với Tiền Phong nội dung này, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông (phụ trách dự án QL 1A khu vực Bình Thuận) cho hay: Trong dự án QL 1A tại Bình Thuận vừa qua có khoảng 100 km chỉ nâng cấp mặt đường, không triển khai mở rộng.

Ông Đông cho biết, nguyên nhân không mở rộng QL 1A qua đoạn này vì Bộ GTVT đã quy hoạch tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Phan Thiết (Bình Thuận). Do dự án cao tốc này sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa; để đảm bảo khả năng thu phí cho cao tốc, QL 1A chạy song song với cao tốc không được nâng cấp lên 4 làn xe.

“Việc này được Ngân hàng thế giới (hỗ trợ lập và cho vay vốn thực hiện dự án cao tốc - PV) thống nhất và Chính phủ đồng ý bằng văn bản” - ông Đông nói. Trong khi đó, cũng thông tin từ Bộ GTVT cho hay, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang trong giai đoạn tái cơ cấu phương án đầu tư, chưa thể xác định cụ thể thời gian khởi công. 

Ông Đông cho hay, do QL 1A qua Bình Thuận chỉ có hai làn nên việc lắp dải phân cách giữa như chỉ đạo của Phó Thủ tướng sẽ không thực hiện được vì “nếu lắp dải phân cách, đường sẽ như một cái ống chật hẹp, nguy hiểm”. Tuy nhiên, ông Đông cho biết sẽ nhanh chóng khảo sát một số đoạn tuyến có nguy cơ tai nạn cao để giảm độ dốc, độ cong và mở rộng bằng nguồn vốn dư của toàn bộ QL 1A.

Doanh nghiệp sở hữu 300 xe giường nằm: Nên cấm xe này

Đến nay, vụ tai nạn cơ bản được các nhân chứng thuật lại như sau: Xe khách của nhà xe Sơn Quy (Hà Tĩnh) từ TP HCM chạy hướng ra Bắc vượt xe tải (trên tuyến đường chỉ đủ cho hai ô tô) và đâm trực diện vào xe giường nằm của Cty Phương Trang ngược chiều. Hành khách Hoàng Thị Huê (40 tuổi đi trên xe cùng 4 con từ Đồng Nai về Hà Tĩnh) kể: Tài xế của nhà xe Sơn Quy đi tốc độ cao, thậm chí vừa đi vừa ăn bún một lúc trước khi tai nạn. Sợ nguy hiểm, nhiều lần chị Huê định gọi điện cho chồng đến đón về.

Đại diện Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, cơ quan chức năng đang xem xét tất cả nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục lâu dài. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay, vụ tai nạn khiến nhiều người bị gãy tay, chân, xương sườn... chứng tỏ dây an toàn trên giường nằm đã không được sử dụng. Ông Thanh đề nghị, doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần có giải pháp để thực hiện thắt dây an toàn với xe giường nằm có hiệu quả.

“Quy trình lấy búa đập kính để thoát hiểm ra sao cũng cần được hướng dẫn cho khách trước chuyến đi như hướng dẫn quy trình thoát hiểm của máy bay” – ông Thanh đề nghị. Ông Thanh cũng cho rằng, việc vì sao xe giường nằm dài, chở đông người nhưng chỉ có một cửa ra vào để thoát hiểm cũng cần sự lý giải thấu đáo của Cục Đăng kiểm và các doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Do vụ tai nạn liên quan đến cả hai xe khách giường nằm nên một lần nữa đặt ra lo ngại về sự an toàn của loại phương tiện này. Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch (thuộc Cty Toyota Việt Nam) cho rằng, không thể phủ nhận tiện ích của xe giường nằm; nhưng do xe giường nằm có trọng tâm cao nên độ ổn định kém; dễ bị lật khi vào cua tốc độ cao hay đi trên đường gập ghềnh.

“Do độ an toàn kém nên cần hạn chế sử dụng loại phương tiện giao thông này; chỉ nên cho chạy trên những tuyến đường nhất định có chất lượng mặt đường tốt; đặc biệt phải có hạn chế tốc độ” – Kỹ sư Tạch nói. Ý kiến kiểm soát tốc độ xe giường nằm của kỹ sư Tạch đặc biệt quan trọng khi tốc độ của phương tiện mới đây đã được Bộ GTVT nâng lên trung bình 10 km.

Ông Nguyễn Hữu Luận, Chủ tịch HĐQT Cty Xe khách Phương Trang cho hay, dù công ty sở hữu hơn 300 xe giường nằm loại tốt nhất do Tracomeco sản xuất (giá cao hơn xe giường nằm của công ty Thaco Trường Hải sản xuất khoảng 1,2 – 1,4 tỷ đồng/xe) nhưng sẵn sàng chấp nhận nếu nhà nước hạn chế và cấm hẳn xe giường nằm.

“Theo tham khảo ý kiến đánh giá của các chuyên viên, kỹ sư, kỹ thuật viên, khi chở người, hàng hóa, rõ ràng loại xe giường nằm có kết cấu hai tầng không thể có độ an toàn như các loại xe ghế một tầng” – ông Luận nói. Chủ tịch hãng xe khách lớn nhất toàn quốc này cho hay, các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Anh... đã cấm hẳn loại xe này và Việt Nam thực hiện lệnh cấm là tuân theo nguyên lý: Học cái hay, kinh nghiệm tốt của người khác mà sửa cái sai của mình.