Chiều qua, trao đổi với Tiền phong, các đại diện của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội khoa học cầu đường Việt Nam (thành viên của Ủy ban điều tra cấp Nhà nước về sự cố sập 2 nhịp cầu Cần Thơ), đều khẳng định sẵn sàng tham gia vào Ủy ban điều tra để góp phần cùng với Chính phủ thực hiện những mục đích của Ủy ban này.
Riêng về đại diện cơ quan khoa học độc lập về cầu đường của Nhật Bản, ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết sẽ mời theo đường công hàm ngoại giao.
Về phía Bộ Công an, cơ quan Cảnh sát điều tra đã thông báo quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh vi phạm các quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trần Ngọc Hùng, Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho biết vào chiều ngày 8/10 tới đây các thành viên trong Ủy ban điều tra sẽ nhóm họp để triển khai các công việc cần thiết.
Theo ông Hùng, tại buổi họp đó ông sẽ đề xuất với Ủy ban điều tra bốn nguyên nhân có thể dẫn đến sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn của cầu Cần Thơ, gồm:
Thứ nhất là đế của trụ tạm. Đế này dựa trên 14 cọc treo, có thể trước đây nhà thầu đã thử tải nhưng lúc đó là mùa khô còn hiện nay nước sông đã dâng lên kéo theo mưa, cọc treo không chịu được sẽ bị lún. Vì vậy, Ủy ban điều tra phải yêu cầu “lý lịch” từng cọc để phân tích;
Thứ hai là trụ, trụ có kết cấu bằng thép, có thể khi thiết kế đã tính toán đầy đủ, nhưng ai thi công, vật liệu có đủ không? Ở đây nếu thép được sử dụng không đúng là điều tối kỵ trong nghề. Nếu thép đúng rồi thì chất lượng các mối hàn ra sao, thợ hàn có đủ tay nghề?;
Thứ ba là giàn giáo; Thứ tư là bê tông, cường độ bê tông có đạt không, cốp - pha dỡ ra sao...? “Nếu có đủ số liệu, khi đến hiện trường, Ủy ban điều tra có thể kết luận ngay được nguyên nhân thảm họa” - Ông Trần Ngọc Hùng nói.
Về quản lý Nhà nước, ông Trần Ngọc Hùng đưa ra ba vấn đề:
Thứ nhất là việc sử dụng lao động trên các công trường. Hiện tượng phổ biến trên tất cả công trường hiện nay là sử dựng lao động phổ thông, lao động nông nhàn, chưa qua đào tạo;
Thứ hai là nên sửa đổi các quy định pháp luật để các bộ, ngành không còn làm chủ đầu tư trong các dự án từ ngân sách. Các bộ, ngành chỉ nên tập trung vào quản lý nhà nước, còn chủ đầu tư nên là người sử dụng và vận hành các công trình, nếu họ không đủ năng lực thì thuê tư vấn quản lý dự án, thông lệ của các nước phát triển đều như vậy;
Thứ ba là vấn đề tư vấn giám sát liên quan đến các dự án sử dụng vốn ODA. Hiện thông thường nước nào cung cấp vốn ODA thì từ thiết kế, tư vấn giám sát..., cho đến nhà thầu, đều đến từ nước đó. Cần nghiên cứu để có những quy định tránh tình trạng “khép kín” này.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải (Tổng thư ký nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật bản), các nghị sĩ Nhật Bản cũng rất quan tâm tới việc sử dụng vốn ODA của Nhật ở nước ngoài.
Ông Nghiêm Vũ Khải cho biết, hàng năm Ủy ban KH,CN & MT đều có báo cáo giám sát về các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội, tuy nhiên cầu Cần Thơ không phải là công trình nằm trong diện này. “Cầu Cần Thơ cũng là một công trình tầm cỡ quốc gia, tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị giám sát cả những công trình như vậy” - Ông Nghiêm Vũ Khải nói.
Trả lời câu hỏi của Tiền phong về trách nhiệm chính trị trong thảm hoạ cầu Cần Thơ, ông Nghiêm Vũ Khải nói: “Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng mỗi Bộ trưởng là tư lệnh của một ngành, nên ở đây chắc chắn Bộ trưởng Bộ GT-VT phải có trách nhiệm”.