Quốc lộ 2 - một trong những công trình bê bối của PMU18.
Bộ Tài chính là cơ quan được Nhà nước giao cho nhiệm vụ quản lý các nguồn chi thu, ngân sách trong đó có nguồn vốn ODA.
Để thực hiện việc quản lý các nguồn vốn đầu tư, từ những năm 80-90, Bộ Tài chính thành lập Tổng cục Đầu tư và các cục đầu tư và phát triển bám sát từng công trình xây dựng, rà soát vào từng văn bản thanh quyết toán, rà soát từng định mức, đơn giá, khối lượng công trình trong các văn bản thanh quyết toán.
Đầu những năm 2000, các chức năng này chuyển sang Kho bạc Nhà nước và vẫn do Bộ Tài chính quản lý. Ngoài Kho bạc Nhà nước còn có Cục Quản lý công sản quản lý các tài sản công trong các cơ quan DN nhà nước.
Phần e, mục 4, điều 39 của Nghị định 17/CP quy định về chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc quản lý nguồn vốn QDA: "Theo dõi, kiểm tra công tác quản lý tài chính trong việc sử dụng nguồn vốn ODA; tổ chức hạch toán kế toán ngân sách nhà nước đối với nguồn vốn ODA...".
Phần e của mục 3, điều 7 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành theo Nghị định 52/CP/1999 của Chính phủ đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính: "Thanh tra, kiểm tra tài chính đối với dự án của các tổ chức, đơn vị sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra việc quyết toán vốn đầu tư sử dụng vốn nhà nước và thực hiện quyết toán vốn đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước...".
Phần a, mục 2, điều 57 của quy chế trên cũng quy định rõ: "Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách nhà nước"...
Thiết tưởng như thế đã quá rõ ràng! Thế nhưng trong trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 8.4.2006, khi được hỏi về trách nhiệm của Bộ Tài chính về vụ PMU18, Thứ trưởng bộ này - ông Trần Văn Tá lại trả lời rằng: "Theo Luật Ngân sách, quản lý nguồn vốn ODA là Bộ KHĐT, còn Bộ Tài chính chỉ quản lý việc phân bổ, dự toán ngân sách, đồng thời ghi sổ việc tiếp nhận ODA trong mục dự toán ngân sách... Theo tôi, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý vốn đầu tư phải tiếp tục sắp xếp lại, không để tình trạng ai cũng có trách nhiệm, từng khâu từng phần nhưng cuối cùng khi xảy ra một sự án lãng phí, thất thoát thì lại không biết trách nhiệm thuộc về ai".
Khi trả lời về trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính trong việc để cho các dự án của PMU18 bị rút ruột, ông Trần Văn Tá cũng cho rằng: "Tất cả những dự án liên quan tới lĩnh vực GTVT mà PMU18 quản lý đều do Bộ GTVT quyết toán. Bộ Tài chính nếu có chỉ thông qua hợp tác để ghi sổ nợ ngân sách". Hoá ra chức năng của Bộ Tài chính không lớn hơn chức năng của một vụ tổng hợp, một chánh văn phòng của Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Bộ Giao thông Vận tải thôi ư (?!).
Nếu đúng như ông Trần Văn Tá nói thì Bộ Tài chính đã từ chối một nhiệm vụ Chính phủ giao, nhiệm vụ này ghi rõ trong Nghị định 52, Nghị định 88 và Nghị định 17. Bởi vì phần lớn những công trình do PMU18 là chủ đầu tư đều thuộc nhóm A và thuộc nguồn ngân sách. Nói cách khác, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính đã đào nhiệm trong vụ PMU18.
Dù chỉ là một người ngoại đạo ngành tài chính, nhưng đọc những quy định trong Nghị định 88, Nghị định 52 và Nghị định 17/CP, chúng tôi thấy quá rõ ràng về trách nhiệm của Bộ KHĐT và Bộ Tài chính trong vụ PMU18. Là một quan chức của Bộ Tài chính, nếu quy định như Nghị định 52 và Nghị định 17 là chưa rõ ràng nhiệm vụ cho bộ, tại sao ông Trần Văn Tá không đề nghị Chính phủ sửa đổi để khỏi dẫn tới tình trạng xảy ra rồi mà không quy được trách nhiệm cho ai như ông nói?
>> Kỳ 1: Vụ PMU 18: Cả "đàn voi" chui qua lỗ kim (?!)
(Còn tiếp)
Theo Phạm Viết Đào
Lao động