Gia đình cựu Phó chủ tịch tỉnh nộp thêm tiền khắc phục
Chiều 18/10, phiên tòa xử 5 cựu quan chức tỉnh Phú Yên cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ án hỗ trợ 5% giá cho doanh nghiệp trúng đấu giá 262 lô đất tại khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hoà tiếp tục phần tranh tụng.
Một trong những diễn biến bất ngờ tại phiên tòa chính là việc gia đình ông Nguyễn Chí Hiến (cựu Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên) nộp thêm 800 triệu đồng khắc phục (trước đó gia đình ông Hiến đã nộp 600 triệu).
Ngay sau đó, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên đề xuất giảm mức án đối với ông Hiến xuống còn 6 năm đến 6 năm 6 tháng tù. Lý giải về việc này, luật sư Lê Văn Thiệp (người bào chữa cho ông Nguyễn Chí Hiến) nêu quan điểm, nếu như có lỗi thì bồi thường. Còn về việc xác định hành vi đó có nguy hiểm cho xã hội hay không có dấu hiệu tội phạm là trách nhiệm của HĐXX.
Vào sáng cùng ngày, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông 7-8 năm tù đối với ông Hiến.
Viện kiểm sát cũng đề nghị mức án đối với các bị cáo Mai Hắc Lợi (cựu Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh) từ 6 năm 6 tháng đến 7 năm tù; Nguyễn Ngọc Duy (cựu Phó Cục thuế tỉnh) từ 6 năm đến 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Nở (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và miễn hình phạt tù với bị cáo Ngô Quang Phú (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên -Môi trường tỉnh).
Còn nhiều cá nhân liên quan tới vụ án?
Tranh tụng tại tòa, nhiều luật sư đều nhận định cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng các quy định tố tụng. Luật sư Đàm Quốc Chính (Đoàn Luật sư Hà Nội) và luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: Trong quá trình khởi tố vụ án và khởi tố bị can, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã không thực hiện lấy lời khai của những cá nhân có chức vụ quyền hạn tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Thường trực HĐND để xác định trách nhiệm của những cá nhân liên quan, trong đó có ông Huỳnh Tấn Việt (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên). Một điểm đáng chú ý là việc đấu giá đất nói trên đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc thanh tra chuyên đề và có kết luận xác định không thu hồi số tiền 8 tỉ đồng được xác định thất thoát trong vụ án.
HĐXX cũng yêu cầu viện kiểm sát (VKS) làm rõ chủ trương của địa phương là thu hồi số tiền 8 tỉ trong khi Kiểm toán Nhà nước lại đề nghị không thu hồi, việc này có mâu thuẫn hay không? Đối đáp lại, đại diện VKS nêu quan điểm rằng đúng là Kiểm toán Nhà nước đã nêu quan điểm về việc không thu hồi số tiền 8 tỉ. Tuy nhiên, sau này Kiểm toán Nhà nước cũng thông báo đến các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Yên về việc kỷ luật một số cán bộ Kiểm toán Nhà nước liên quan đến quy trình trong quá trình văn bản đã ký.
Nhưng theo các luật sư, đến thời điểm này kết luận của Kiểm toán Nhà nước là cao nhất, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào thu hồi hay hủy bỏ quyết định nói trên. Có thể trình tự thủ tục của kiểm toán là sai, nhưng về mặt nội dung thì không sai, không thay đổi.
Cũng có luật sư phân tích về trách nhiệm trong quá trình tổ chức đấu giá. Theo đó, những người chấp thuận chủ trương này (Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Phú Yên - PV) mới là nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân chính trong sai phạm của vụ án này.
Còn UBND tỉnh Phú Yên, các cơ quan chuyên môn là cơ quan thực thi nhiệm vụ. “Đây là chuỗi hành vi, không tách rời nhau; thiếu một văn bản nào, trong quy trình đều không thực hiện đấu giá này. Tác nhân đầu tiên là chủ trương chấp thuận đấu giá này của HĐND tỉnh và tỉnh ủy Phú Yên”, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Tạ Quang Tòng (Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk) cho rằng, các cơ quan tố tụng đã đưa ra khỏi vụ án nhiều cá nhân có “liên quan mật thiết” đến vụ án này”, mặc dù vai trò của họ có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành vụ án.
Cuối buổi chiều cùng ngày, HĐXX đã cho 5 bị cáo nói lời sau cùng. Sau khi nghị án, HĐXX sẽ tuyên án vào chiều ngày mai (19/10).