Lộ sáng
Báo Tiền Phong số ra ngày 2/3/2019 đăng bài “ Lình xình đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Đắk Lắk: Khởi tố vụ án hình sự”. Theo đó, năm 2017 có hơn 2,8 tỷ đồng được nộp trả cho ngân sách tỉnh Đắk Lắk. Viện KSND tỉnh xác nhận với báo Tiền Phong đây chính là khoản tiền chênh lệch giá 7 mặt hàng bị đổi nhóm thuốc trong vụ đấu thầu năm 2014-2015 mà báo Tiền Phong đã phản ánh.
Sau đó, Sở Y tế có Báo cáo số 84 (BC 84), kết luận “Sở Y tế một lần nữa khẳng định quá trình lập kế hoạch, lựa chọn nhà thầu của Sở Y tế được tổ chức chặt chẽ, công khai và minh bạch, có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức liên quan!”. Tuy nhiên, hồ sơ chứng cứ báo Tiền Phong thu thập được cho thấy BC 84 hoàn toàn sai sự thật!
Ngay trong bản Kết luận thanh tra số 4365 do Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 6/6/2016 đã xác định: Sở Y tế đấu thầu mua thuốc mà “không có báo cáo đánh giá tình hình thực tế mua và sử dụng thuốc của năm trước”. Hồ sơ đấu thầu chứng minh chủ đầu tư chỉ quan tâm tới các danh mục thuốc muốn được trúng thầu, trúng vào nhóm nào do một số doanh nghiệp “thân gần” tiến cử.
Trong Danh mục thuốc gồm 126 mặt hàng do Liên danh Hoàng Vũ-Pymepharco gửi Phòng Tài chính Kế toán (TCKT), cột Ghi chú ghi rõ mặt hàng nào cần đổi nhóm, đổi hay bỏ hàm lượng, tăng số lượng. Còn Danh mục thuốc đăng ký bổ sung của Cty CP Dược vật tư Y tế Đắk Lắk (Bamepharm) thì có cột Diễn giải lưu ý mặt hàng nào cần được bổ sung nhóm, số lượng, hàm lượng hay hoạt chất, để “tiện” trúng thầu.
So với cách xếp nhóm thuốc theo hướng dẫn của các Thông tư 01, 36, 37 do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực tại thời điểm Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức cuộc đấu thầu 2014-2015, các chuyên gia Dược và cán bộ điều tra khẳng định với báo Tiền Phong có ít nhất 35 mặt hàng đã bị chủ đầu tư chấm sai nhóm, đưa từ nhóm 5 là nhóm thuốc giá rẻ nhất do xuất xứ kém uy tín, lên nhóm 2 và nhóm 1 là nhóm thuốc tốt và đắt tiền nhất. Đồng thời, chủ đầu tư còn cho trúng thầu hàng chục mặt hàng không đủ tiêu chí mời thầu. Các đơn vị trúng thầu những mặt hàng này gồm: Cty CP Dược phẩm Tenamyd, Cty TNHH MTV DP TW1, Cty TNHH TM DP Phương Linh, Liên danh Công Thành Tata Vạn Hưng, Bamepharm, Liên danh Hoàng Vũ-Pymepharco v.v...
Mỗi mặt hàng được đổi nhóm để trúng thầu đều gây thiệt hại lớn ngân sách. Một ví dụ nhỏ để bạn đọc khái toán thiệt hại: Liên danh Công thành Tata Vạn Hưng có mặt hàng Alclav 1000mg nhóm 5 do Ấn Độ sản xuất, được chủ đầu tư cho trúng thầu đợt 1 lên nhóm 2 với số lượng 637.255 viên, giá 9.800 đồng/viên, thành tiền 6.245.099.000 đồng. Nếu chấm đúng, tại thời điểm đó Alclav 1000mg chỉ khoảng 4.000 đồng/viên, nên “chênh lệch” riêng 1 mặt hàng này tới gần 3,7 tỷ đồng, chưa kể sau đó Alclav 1000mg còn được chủ đầu tư chỉ định mua tăng số lượng thêm nhiều lần nữa.
Để có chỗ cho nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp “thân gần” vào Danh mục xét thầu, Sở Y tế đã loại ra rất nhiều mục do các bệnh viện đề xuất. Vì thế, dự toán thuốc đấu thầu năm 2014-2015 từ hơn 300 tỷ đồng vọt lên hơn 700 tỷ đồng. UBND tỉnh không đồng ý, chủ đầu tư tự xử bằng cách “cào” đều số lượng thuốc xuống còn khoảng 500 tỷ đồng, dẫn đến chỉ có phân nửa số mặt hàng cần mua được trúng thầu, và hệ thống bệnh viện công toàn tỉnh rơi vào tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh nghiêm trọng suốt hơn 2 năm.
Trong khi hàng vạn bệnh nhân và bác sĩ khốn khổ vì thiếu thuốc, thì “nhóm lợi ích” tiếp tục làm giàu với các đợt mua bổ sung thuốc không qua đấu. Ví dụ Quyết định số 268 do ông Doãn Hữu Long ký ngày 8/4/2015 đã chỉ định cho mua thuốc bổ sung tới hơn 16,4 tỷ đồng theo danh mục của Liên danh Hoàng Vũ-Pymepharco.
“Ðạo diễn” giấu mặt, là ai ?
Hầu như cán bộ nhân viên Y tế Đắk Lắk nào cũng biết “một thế lực rất mạnh” từ lâu đã tồn tại trong ngành, âm thầm chi phối mọi hoạt động, từ Tài chính, Tổ chức, cho đến lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu như Y và Dược.
Báo Tiền Phong số ra ngày 21/9/2015 đăng bài đầu tiên về đợt đấu thầu thuốc này, với tiêu đề “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Nhóm lợi ích thao túng!”. Chiều cùng ngày, tại Sở Y tế, nhóm phóng viên hỏi: Ai đã tham mưu sai cho chủ đầu tư ? Ông Doãn Hữu Long-Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk trả lời: Là ông Nguyễn Hữu Thông!
Hồ sơ cuộc đấu thầu thuốc 2014-2015, và cả những Quyết định cho mua thuốc bổ sung sau đó hầu hết đều có chữ ký nháy duyệt trước của ông Nguyễn Hữu Thông, rồi Giám đốc Sở mới đóng dấu ký tên. Cho tới lúc đó, ông Hữu Thông đã làm việc tại Phòng TCKT hơn 25 năm, qua tới nhiệm kỳ thứ 4 Trưởng phòng TCKT kiêm Kế toán trưởng Sở Y tế. Trong công văn gửi các bệnh viện trực thuộc về lập danh mục thuốc, Giám đốc Sở quy định cả bản cứng lẫn bản mềm đều phải gửi về Phòng TCKT. Trưởng phòng nghiệp vụ Dược hầu như không có vai trò gì trong “cuộc chơi” này.
Còn nhớ ông Doãn Hữu Long “ưu ái” ông Nguyễn Hữu Thông đến mức Chủ tịch UBND tỉnh 4 lần chỉ đạo ông Long phải điều chuyển ông Thông sang vị trí khác, ông Long vẫn không chấp hành. Đến lần chỉ đạo thứ 5, ông Long gửi báo cáo sai sự thật với lãnh đạo tỉnh là Ban Giám đốc Sở đã đồng thuận cho ông Hữu Thông làm một Trưởng phòng khác trong Sở, rồi “hất” bác sĩ Lê Minh Thông - Trưởng phòng Tổ chức vừa được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế ra khỏi Sở, để trao ghế này cho ông Nguyễn Hữu Thông. Từ đó, đơn thư tố cáo về “nhóm ăn đậm” sau các cuộc tuyển dụng của Sở Y tế càng rầm rộ.
Nhiều cán bộ lão thành than phiền không hiểu sao tỉnh Đắk Lắk để “thế lực đen lũng đoạn tới mấy đời Giám đốc Sở Y tế”. Vụ án đã khởi tố từ ngày 1/3, tới nay dù tỉnh đã bổ nhiệm bác sĩ Nay Phila làm Tân giám đốc Sở, nhưng vẫn chưa có bị can nào được chỉ tên để “xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật” theo chỉ đạo nhiều lần của Thủ tướng Chính phủ về các dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk.
Hồi âm vụ “muốn nhanh phải mua số”: Sở Y tế xác nhận vụ việc
Ngày 15/7/2019 báo Tiền Phong nhận được công văn báo cáo phản hồi từ Sở Y tế Đắk Lắk với bài “Vào bệnh viện, muốn nhanh phải... mua số” đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 3/7/2019.
Bài báo phản ánh việc bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (BV) dù đến sớm vẫn phải mua số thứ tự từ những người lạ mặt bên ngoài.
Báo vừa phát hành, Giám đốc Sở Y tế-Bác sĩ Nay Phila đã lập tức chỉ đạo các cán bộ thuộc quyền nhanh chóng kiểm tra. Ngày 4/7 đoàn cán bộ Sở đi kiểm tra. Ngày 5/7 Giám đốc Sở Y tế chính thức chủ trì cuộc họp bàn giải pháp giải quyết tình trạng “cò thẻ” lộn xộn tại BV. Ngày 8/7, Sở Thông tin & Truyền thông Đắk Lắk gửi công văn (CV) số 721 đề nghị Sở Y tế sớm có văn bản hồi âm công khai.
Ngày 12/7/2019 ông Nguyễn Văn Hùng Phó giám đốc Sở Y tế ký CV số 1613 gửi báo Tiền Phong, lãnh đạo tỉnh và các bên liên quan. CV 1613 xác nhận hiện tượng “cò số” này đã xảy ra từ tháng 11/2018, BV có ngăn chặn nhưng không hiệu quả. Ngay sau khi báo Tiền Phong đăng bài, BV đã gửi văn bản đến UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Công an địa phương đề nghị cử lực lượng ngăn chặn tình trạng “cò số”; Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát. BV dự kiến xây dựng hệ thống tổng đài đăng ký khám chữa bệnh từ xa, phát thẻ khám chữa bệnh thông minh cho người bệnh.
Ông Nay Phila- Tân giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, lãnh đạo Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo BV triển khai các giải pháp hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân chờ khám, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, “dứt khoát không để hiện tượng phản cảm này tái diễn”.
Hoàng Thiên Nga